Bạo hành trẻ: Cha mẹ đã bỏ qua những dấu hiệu tâm lý bất thường của chính mình

27/11/2020 - 12:00

PNO - Cha mẹ, lẽ ra phải là người yêu thương con cái nhất, nhưng tại sao lại gây ra những tổn hại về tinh thần và thể chất với con mình? Chúng tôi đã có buổi trao đổi với thạc sĩ tâm lý Hoàng Dương, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1.

Liên quan đến nhiều vụ bạo hành trẻ em thương tâm xảy ra gần đây, thạc sĩ tâm lý Hoàng Dương - Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho rằng hầu như đứa trẻ nào cũng từng bị bạo hành từ nhẹ tới nặng. Người bạo hành trẻ không đâu xa mà chính là cha mẹ. Cha mẹ, lẽ ra phải là người yêu thương con cái nhất, nhưng tại sao lại gây ra những tổn hại về tinh thần và thể chất với con mình? Chúng tôi đã có buổi trao đổi với thạc sĩ tâm lý Hoàng Dương, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1.

* Phóng viên: Thưa thạc sĩ, qua công tác của mình, ông có gặp những trường hợp trẻ bị bạo hành?

-Thạc sĩ tâm lý Hoàng Dương: Hầu như đứa trẻ nào cũng từng bị bạo hành về tâm lý và thể xác ít nhiều trong đời, theo nhiều mức độ nặng, nhẹ. Nhưng trẻ bị bạo hành nhiều nhất lại bởi chính cha mẹ mình. Từ đầu năm đến nay, riêng tôi tiếp nhận và điều trị tâm lý cho khoảng mười trường hợp. Các cháu bị cha mẹ đánh đập theo kiểu đánh cho hả giận chứ không phải đánh để dạy dỗ; đánh bằng cái điều khiển ti vi, bằng chổi, hoặc tát tai…

Cách đây vài ngày, một bé trai ba tuổi ngụ Q.10 được mẹ đưa đến khám. Ban đầu bé đi khám vì chấn thương phần mềm. Sau đó, bệnh nhi mới được giới thiệu qua khoa tâm lý. Quá trình tiếp xúc mới phát hiện, vì bé hiếu động, hay chạy nhảy lăng xăng, khiến cha bé bực bội, co chân đạp vào người con. Bé đau, la khóc, hoảng sợ. Mẹ thấy thế nên đưa bé đi khám. Rất may là cú ra chân của cha không để lại hậu quả nghiêm trọng. Mẹ bé cũng biết cha bé làm thế là sai nên đã góp ý và anh này cũng hối hận vì hành vi bạo lực của mình. Nhưng người mẹ cũng tâm sự rằng chồng chị rất cọc cằn, thô lỗ. Anh không ghét bỏ gì con nhưng hễ nổi nóng là không kiềm chế được. Không chỉ con bị đánh mà đôi lúc vợ cũng bị ăn đòn.

Thạc sĩ tâm lý Hoàng Dương, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, từ đầu năm tới nay ông đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng mười trường hợp liên quan tới bạo hành
Thạc sĩ tâm lý Hoàng Dương, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, từ đầu năm tới nay ông đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng mười trường hợp liên quan tới bạo hành

Trước đó khoảng ba tháng, bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận bé gái 16 tuổi, ngụ Tây Ninh, được cơ sở y tế địa phương chuyển lên. Em này đi chơi về, bị ba mẹ la mắng, liền uống thuốc sâu tự tử. Rất may là em được cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng. 

* Theo thạc sĩ, nguyên nhân nào dẫn tới hành vi cha mẹ bạo hành con trẻ?

- Thông thường, phụ huynh bạo hành con trẻ là do bản thân đang có những bất thường về mặt sức khỏe tâm lý. Nếu thấy mình có các biểu hiện như sau thì phụ huynh cần đi khám hoặc tư vấn chuyên gia tâm lý để tránh tình trạng ngày càng nặng tới mức không kiểm soát được cảm xúc, hành vi, rồi làm tổn thương chính con cái và những người thân của mình:+- Dễ nổi nóng và thiếu kiên nhẫn.

+ Khả năng chịu áp lực trong công việc và các vấn đề xảy ra với cuộc sống kém.
+ Tập trung kém, trí nhớ giảm sút.
+ Đau bụng, đau đầu.
+ Luôn trong trạng thái gây hấn, chuyện bé xé ra to, nhạy cảm, xung khắc với mọi người, nhìn sự việc tiêu cực.

* Thưa thạc sĩ, một đứa trẻ bị bạo hành có thể sẽ dẫn tới các hậu quả gì?

- Hậu quả về thể chất có thể thấy được ngay bằng mắt. Trẻ bị các vết thương, chịu đau đớn, thậm chí nguy kịch, tử vong như hàng loạt sự vụ đã và đang xảy ra. Nhưng sự tổn thương không gì cân đong được chính là vết sẹo tinh thần. Ảnh hưởng về mặt tâm lý ở đứa trẻ bị bạo hành sẽ có các mức độ khác nhau theo từng độ tuổi. Ở nhóm 3 - 4 tuổi, các bé sợ hãi, né tránh bố mẹ. Những đứa trẻ không cảm nhận được tình thương sẽ có xu hướng sống bạo lực, đánh đập làm đau thú nuôi, xô xát với bạn bè… Những bé này còn mặc cảm, tự ti về bản thân, giao tiếp kém.

Ở lứa tuổi vị thành niên, hậu quả của việc bị bạo hành còn nguy hiểm hơn nhiều. Các bé trong nhóm tuổi này có hai xu hướng tâm lý khi bị bạo hành. Thứ nhất: trẻ lầm lì, chống đối ngầm, không hợp tác. Thứ hai: trẻ thách thức, thậm chí phản ứng mạnh mẽ bằng cách đánh lại chính cha mẹ mình. Nhìn chung, khi ở độ tuổi vị thành niên, những đứa trẻ bị bạo hành sẽ không kết nối với cha mẹ, hướng mối quan tâm của mình ra các mối quan hệ bên ngoài. Dưới sự phát triển bùng nổ của internet như hiện nay thì các bé này rất dễ trở thành đối tượng cho kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng.

* Với những trường hợp trẻ bị cha mẹ bạo hành, cần điều trị cho trẻ và cha mẹ thế nào để giúp hàn gắn mối quan hệ gia đình, từ đó bảo vệ được trẻ?

- Trước tiên cha mẹ cần có kỹ năng phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con. Khi con còn nhỏ, cách cư xử với con là chăm bẵm, thậm chí quyết định thay con, nhưng khi trẻ lớn lên thì cha mẹ phải thành người bạn đồng hành. Cha mẹ cần hiểu đặc tính của từng đứa con mình. Với một đứa trẻ năng lực giới hạn thì phụ huynh phải học cách chấp nhận, đừng đòi hỏi quá cao rồi sinh ra thất vọng dẫn tới mắng mỏ, thậm chí đánh con. Nếu thấy cách hành xử giữa các thành viên trong gia đình mất đi sự kiểm soát, bế tắc thì tốt nhất nên tham vấn chuyên gia tâm lý kịp thời để được can thiệp, giúp đỡ. Đừng mất bò mới lo làm chuồng, khi ấy mọi thứ đã muộn màng! 

Thanh Huyền (thực hiện)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI