Bạo hành "nhung lụa"

01/03/2022 - 05:33

PNO - Nạn nhân của bạo hành mỗi người một kiểu. Có người làm ầm lên, nhưng cũng có người im lặng rồi tìm cách ly hôn, thà chịu “đau một lần”.

LTS: Sau loạt bài Bạo hành gia đình - Đừng im lặng, nhưng gọi ai, gọi ở đâu? đăng tải trên Báo Phụ Nữ TP.HCM từ ngày 18/2, chúng tôi đã nhận nhiều cuộc gọi, email phản hồi.

Cũng trong những ý kiến bạn đọc, nhiều tâm sự “khó nói” được dịp giãi bày. Thực tế, có những hình thức bạo hành không trầy xước cơ thể, nhưng trái tim rất đớn đau và người trong cuộc thì chọn cách im lặng, vì xấu hổ, vì không ai tin mình. Người ngoài cuộc cũng không thể kêu cứu giúp, bởi những cuộc bạo hành này thường “không dấu tích”.

 

 

Vợ xấu nhất trong "đội người yêu"!

Đó là kết luận thường xuyên của chồng chị Nguyễn Hoàng X., ngụ Q.1, TP.HCM. Tốt nghiệp đại học khoa văn, chị X. là cây viết của một tòa soạn báo tại TP.HCM. Chị lập gia đình với một người đàn ông không đẹp trai nhưng có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá tốt. Chồng của chị còn có tài chụp hình, quay phim, nấu ăn cũng chẳng thua một đầu bếp chuyên nghiệp.

Ông chồng chị ăn nói tuy linh hoạt nhưng hết sức thô lỗ. Thái độ ứng xử của anh lúc bình thường không đến nỗi nào, nhưng cứ rượu vào thì trở nên vô duyên, ngang ngược. 

Trong cuộc sống vợ chồng, anh cư xử với vợ kiểu “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Nhiều lúc chị X. mua thứ gì đó mà quên “báo cáo” là lập tức anh truy đến cùng, đặt nhiều câu nghi vấn rất khó chịu, cứ như chị ăn bớt ăn xén tiền chợ, tiền nhà. Nhiều lần chị X. thương anh chị em ruột của mình gặp khó khăn, mua tặng họ những món đồ dùng cần thiết, dù bằng tiền của chị nhưng cũng phải giấu chồng.  Có khi chị “lỡ” để chồng biết, anh sỉ vả chị suốt tuần: “Bà cũng biết thương anh chị em nhà bà quá há? Tụi nó cũng đi làm, có tay có chân mà, có thiếu hụt gì đâu?”...

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Có những lời nói sát thương hơn dao búa (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Chị X. nhớ, ngày còn trong giai đoạn tìm hiểu, hai người hay đi ăn uống chung với một nhóm bạn. Một bữa nọ, anh cao hứng nói oang oang giữa bàn tiệc: “Tui nói thiệt, tui xấu số mới yêu bà X. Bả là người xấu nhất trong đám bạn gái của tui!”.

Bình thường đi chơi riêng với nhau, anh cũng hay giỡn kiểu này, chị X. có thể bỏ qua. Nhưng trước mặt mọi người, anh cà khịa vô duyên khiến chị phải lảng tránh ánh mắt ái ngại của mọi người. Chưa hết, anh cầm ly bia qua cụng với chị X. và lại oang oang: “Anh nói đúng không em, em là người xấu nhất trong đám bồ của anh?”.

Đến nước này thì chị không còn mặt mũi nào mà nhìn bạn bè. Chị lấy cớ “sếp gọi về tòa soạn gấp” rồi đứng dậy gọi xe ôm. Anh cũng chẳng đưa vợ về, chỉ nói: “Cái nghề của bả là vậy đó, hay có chuyện bất ngờ lắm”.

Lấy nhau, kiểu “cà tửng” này của anh tăng lên. Không ít lần trong những dịp giỗ chạp ở hai bên gia đình, anh chồng vẫn chứng nào tật nấy, cứ có dịp là tuôn ra những câu tương tự: “Cả nhà phải thương tui nhe, nhất là mấy ông rể phải thông cảm cho tui; ai lấy vợ cũng đẹp, có mình con vợ tui là xấu nhất!”. Mọi người lại bật cười, đùa giỡn: “Vậy là ông bị bỏ bùa rồi”.

Bị chồng chê xấu, là nỗi đau của chị, nó còn đau hơn những lần bị chồng tra hỏi tiền bạc. Thế nhưng, chị biết nói với ai, không lẽ báo với tổ trưởng khu phố, hay viết đơn ly hôn vì bị chồng chê xấu. Chị X. cho biết, nhiều khi chở chị X. ngồi sau xe mà anh chồng cứ thấy cô nào xinh gái, ăn mặc bốc lửa là anh dí xe chạy theo: “Trời, con nhỏ này đẹp quá em!” hoặc “Cô kia sexy quá em ơi!”.

Nhiều lúc anh chồng mải “theo đuổi” mục tiêu mà quên mất đang chở chị X. đi đâu. Chị X. thấy đau lòng nhưng nếu cự cãi, thế nào anh chồng cũng nổi khùng bỏ chị giữa đường. 

Chưa hết, chị X. kể trong nước mắt: “Trước khi lấy vợ, ảnh cũng chẳng ngại khoe đã từng ăn ngủ với nhiều người phụ nữ khác và có con với họ. Nhắc đến cô X.T. giờ đã định cư ở Mỹ là anh ấy nói: “Con anh với X.T. giờ lớn lắm rồi”. Với cô giáo P.A., anh cũng khẳng định: “Thằng T. là con anh với P.A. chứ đâu phải của chồng P.A.”. Tôi cằn nhằn bảo anh đừng nói chuyện quá khứ, thì ảnh bật cười: “Em ghen làm chi, em xấu hơn X.T., xấu hơn P.A. nhưng anh vẫn lấy em mà!”.

Khi bạn bè cũ, đồng nghiệp khen chị X. dễ thương, xinh xắn, chị luôn hoài nghi họ “nói cho chị vui”. Trong mắt chồng, chị vẫn là “con hủi, có chồng là may”. Bạo hành kiểu này thì nói với ai đây, vì ai cũng nghĩ “ông chồng thương vợ vậy, còn đòi gì nữa”.

Vợ "đơ như cây củi"

Chị Lê Ngọc L. lại sống trong một kiểu bạo hành kín đáo hơn. Trước khi lấy chị, anh chồng ăn ở như vợ chồng với một cô gái bia ôm. Bị gia đình cấm cản dữ dội và hăm dọa đủ kiểu, anh chồng bằng lòng lấy chị L. - là con gái một gia đình nền nếp, được ăn học đàng hoàng do người thân mai mối. 

Ngày lên xe hoa, anh chồng miễn cưỡng trong vai chú rể. Đêm động phòng anh ôm gối lên ghế sofa ngủ để mình chị trơ trọi trên chiếc giường cưới lộng lẫy. Thế nhưng trước mặt mọi người, anh giữ thể diện cho cha mẹ nên lúc nào cũng “có đôi có cặp” với chị. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Không có nỗi tổn thương nào khủng khiếp hơn việc chồng chê chuyện giường chiếu của vợ và so sánh với người tình (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK)

Trong cuộc sống lứa đôi, anh hờ hững, nhạt nhẽo để mặc vợ muốn sống ra sao tùy ý. Mỗi khi gặp gỡ cha mẹ hai bên, anh diễn rất sâu vai chàng rể quý, hết lòng chăm sóc vợ hiền. Khi gia đình hai bên hỏi thăm sao vợ chồng chậm có con, anh thường đổ lỗi cho chị: “Chắc nhà con hơi muộn, để con đưa vợ đi khám”. Thực tế, trong hai năm chính thức là phu thê, anh không gần chị một lần. 

Ngẫm thân phận mình cũng là một người có vai vế trong một tập đoàn kinh tế, “hét ra lửa” ở nơi làm việc, sao lại quá hẩm hiu, lép vế trong chuyện hôn nhân, chị L. đau lắm. Nhưng chị L. vốn là đứa con hiếu thảo, không muốn cha mẹ ruột cũng như bên nhà chồng buồn phiền, thất vọng nên cứ phải vào vai nhân vật nữ hạnh phúc. Lòng chị như xát muối khi sống bên một người mà trái tim đi lạc ở chốn xa xăm.

Cay đắng hơn nữa, anh hay về khuya vì đủ lý do và vịn vào cớ ấy để tuyên bố: “Anh về khuya, sợ ảnh hưởng đến công việc của em nên em cứ ngủ trước. Tối anh về trễ sẽ ngủ bên phòng làm việc.

Chị L. ngán ngẩm với kiếp “có chồng cũng như không vì cơm không chung mâm, ngủ không chung giường”, nhưng tâm sự này biết tỏ cùng ai?

Mãi đến khi gia đình thúc giục chuyện con cái quá, anh mới “qua lại” với chị vài lần, nhưng sau những lần ân ái với vợ, anh lại lầm bầm nhận xét: “Đàn bà gì mà cứng đơ như cây củi”. 

Đến ngày chị vào viện sinh con cũng không thấy mặt chồng vì “anh đang kẹt chút công việc”. Cũng may là có gia đình chồng và cha mẹ chị thương con cháu. Có lẽ đứa bé ra đời đánh thức phần nào sợi dây tình cảm gia đình trong anh, nhưng cũng chẳng làm tình yêu của anh với chị L. thăng hoa.

Khi chị thông báo đã bảo vệ bằng tiến sĩ sau nhiều nỗ lực vất vả, chồng chị chỉ buông một câu gọn lỏn: “Giờ loại tiến sĩ giấy thiếu gì. Học “làm tình” cho điệu nghệ không học, đi học chi mấy thứ vớ vẩn đó”. 

Trong ngày vinh danh của chị, anh cũng đặt lẵng hoa to nhất kèm lời chúc: “Chúc mừng vợ yêu đã thành đạt. Mãi yêu em!”. Chị nhận lẵng hoa mà lòng tê tái vì chồng bận “ở công trình”, nhưng chị thì rõ anh đang ở đâu!

Nạn nhân của bạo hành mỗi người một kiểu. Có người “đừng im lặng” và làm ầm lên, nhưng cũng có người im lặng rồi tìm cách ly hôn, thà chịu “đau một lần”… 

Xuân Hòa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI