Bạo hành học sinh, giáo viên cũng cần được chữa lành

10/10/2023 - 05:52

PNO - Dù các thầy cô đều được đào tạo ở trường sư phạm rằng giáo dục là phải làm gương, kỷ luật học sinh phải mang tính giáo dục… Nhưng thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ giáo viên bạo hành học sinh. Chuyện gì đang xảy ra với thầy cô? Báo Phụ nữ TPHCM đã trao đổi với phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) - về vấn đề này.

Phóng viên: Theo ông, vấn đề giáo viên bạo hành học sinh cứ tiếp diễn là do đâu?

Ông Trần Thành Nam: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này. Thứ nhất có thể là môi trường làm việc của giáo viên (GV) ngày càng áp lực, căng thẳng. Khối lượng công việc lớn và nhiều thủ tục, lại thiếu sự tôn trọng từ phụ huynh, người học… có thể dẫn đến việc GV kiệt sức và không thể kiểm soát được cảm xúc.

Nguyên nhân thứ hai có thể là do chính GV thiếu được đào tạo các kỹ năng kỷ luật tích cực, quản lý lớp học tích cực, kiểm soát cảm xúc; việc rèn luyện nghiệp vụ ứng xử tình huống sư phạm chưa đến nơi và chưa cập nhật với bối cảnh mới, đặc điểm tâm lý của học sinh gen Z, gen Alpha.

Bản thân GV cũng có thể bị tổn thương sức khỏe tâm thần nhưng không được đánh giá và không được hỗ trợ kịp thời. Chúng ta mới chỉ nghĩ đến việc kích hoạt các phòng tâm lý học đường dành cho học sinh chứ chưa nghĩ đến việc phải hỗ trợ cả cho GV.

Hình ảnh thầy, cô bạo hành tinh thần, thể chất học sinh (ảnh cắt từ clip)
Hình ảnh thầy, cô bạo hành tinh thần, thể chất học sinh (ảnh cắt từ clip)

Chưa xây dựng được văn hóa trường học hạnh phúc và các quy tắc ứng xử trong trường học dựa trên sự yêu thương, tôn trọng. Vẫn còn nhiều niềm tin tàn dư về kỷ luật truyền thống như so với trẻ con thì người lớn lúc nào cũng đúng. Người lớn luôn là người quyết định cái gì đúng cái gì sai, và trẻ phải tuân theo. Người lớn không cần phải đưa ra lý do mà chỉ cần yêu cầu là trẻ phải thực hiện. Sự ngang bướng, cứng đầu cứng cổ của trẻ phải bị bẻ gãy càng sớm càng tốt nếu không thì sẽ không dạy được trẻ. Người lớn không bao giờ được thể hiện những cảm xúc “yếu đuối” như sợ hãi, bị tổn thương… vì như vậy trẻ sẽ lờn.

* Ông có cho rằng, nếu không đủ yêu thương trẻ, không kiềm chế được cảm xúc thì không nên làm nghề dạy học?

- Yêu trẻ là phẩm chất đầu tiên của người làm nghề giáo dục. Nhưng việc kiểm soát được cảm xúc hay không là một kỹ năng do rèn luyện. Để quản lý được sự tức giận thì GV cần phải trải nghiệm và thực hiện theo một số bước. Ví dụ như: xác định và gọi tên cảm xúc - mức độ tức giận (khó chịu, thất vọng, bực bội, tức giận, ghen tức, nổi khùng, điên tiết). Làm dịu (tự nhủ “Tôi có thể kiểm soát được cảm xúc này”, đây là cảm xúc của tôi, cảm thấy tức giận là chuyện bình thường; tức giận chứng tỏ tôi là một người có cảm giác, biết yêu ghét; cảm thấy tức giận khác với việc hành động một cách tức giận, tôi sẽ thể hiện sự tức giận của tôi một cách phù hợp và mang lại lợi ích nhiều nhất).

Thậm chí GV cũng phải tự biết cách đặt câu hỏi để làm xao nhãng cảm xúc tức giận. Ví dụ như tự hỏi: 10 năm sau, vấn đề tôi đang tức giận lúc này có còn là vấn đề không? Hậu quả tồi tệ nhất của tình huống tôi tức giận là gì? Nếu tôi làm điều tương tự thì liệu tôi có tức giận với bản thân mình không? Nếu họ thực sự không cố tình làm điều đó với tôi thì sao? Nếu ngày mai, tôi biết được người làm tôi tức giận bị bệnh hiểm nghèo hoặc bị tai nạn nghiêm trọng, sự tức giận hôm nay trong tôi có còn không?

Cuối cùng, sau khi dịu lại thì thầy cô cần cân nhắc giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh và lý trí.

* Có lẽ chưa có ý kiến nào đứng về phía GV để thấu hiểu vì sao họ dễ mất bình tĩnh như vậy?
- Tất nhiên chúng ta đều rất thông cảm cho GV. Họ thường phải đối diện với áp lực công việc lớn, phải quản lý một lớp học với số lượng học sinh đông, phải tuân thủ chương trình học và phải sáng tạo để thu hút học sinh. Rồi còn phải cập nhật công nghệ mới, phải làm cho học sinh cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc… Tất cả lại còn diễn ra trong môi trường không có đầy đủ tài nguyên bao gồm cả nguồn nhân lực, vật lực, học liệu hoặc công cụ hỗ trợ. Điều đó làm cho GV căng thẳng và khó khăn hơn, trong khi dư luận xã hội và kỳ vọng của phụ huynh đặt vào GV ngày càng cao.

Tâm lý học sinh gen Z và gen Alpha không còn coi trọng việc học, học không vui là sẽ không học. Các em cá tính hơn, tính kiên trì và tuân thủ kém hơn thế hệ trước. Bản thân học sinh hiện nay cũng dễ bị tổn thương, dễ bị căng thẳng, lo âu trầm cảm hơn học sinh thế hệ trước khiến GV nhiều khi bị lây căng thẳng, cảm thấy bất lực trước các tình huống phải quản lý lớp học một cách tích cực.

Tất cả tạo nên sự quá tải về tinh thần, chính GV cũng không có kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe tâm thần của mình, không có kỹ năng phòng chống kiệt sức. Vì vậy, trong một số hoàn cảnh đã có những lời nói hành vi bột phát chưa chuẩn mực do ảnh hưởng bởi trạng thái sức khỏe tinh thần không khỏe mạnh.

* Như vậy, cần quan tâm đến sức khỏe tâm thần của người thầy nhiều hơn nữa? 

- Tôi cho rằng cần bổ sung thêm một số năng lực cần thiết vào chuẩn nghề GV. Đó là năng lực nhận thức về sức khỏe tâm thần. Để người GV có khả năng nhận diện sớm các biểu hiện của kiệt sức và khó khăn tâm lý, biết những cách thức khoa học để vệ sinh sức khỏe tâm thần, biết bỏ qua những thành kiến kỳ thị để tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tâm lý khoa học và phù hợp để giúp bản thân cân bằng lại trước những tổn thương sức khỏe tâm thần.

* Xin cảm ơn ông. 

Tuần qua, một nữ sinh lớp Mười hai chỉ vì mua bánh sinh nhật không đúng cửa hàng cô đã hẹn trước, nên bị cô giáo Trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đã lớn tiếng đuổi em ra khỏi lớp bằng những lời lẽ khó nghe, đe dọa hạ hạnh kiểm để em này không được thi tốt nghiệp, khiến nữ sinh quỳ khóc đến kiệt sức.

Một thầy giáo dạy tiếng Anh ở Trường THPT Phan Huy Chú (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) đã bóp cằm, chỉ vào mặt nam sinh xưng “mày tao”, nói lời xúc phạm học sinh lớp Mười chỉ vì em làm bài tập sai…

Quế Minh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI