Bạo hành giường chiếu, mấy ai dám phản kháng?

11/02/2020 - 09:27

PNO - Quyết liệt, đạp tung mền, hét lên trong đêm đâu phải chuyện người phụ nữ nào cũng làm được. Để rồi chuyện gối chăn trở thành một lề thói xấu khiến hôn nhân bên bờ vực.

 

Câu chuyện “Người phụ nữ nghi bị chồng đánh đập dã man, ép quan hệ tình dục” ở Tây Ninh đang xôn xao dư luận. Sự thật như thế nào, cơ quan điều tra đang vào cuộc, nhưng chuyện bạo hành giường chiếu vẫn đau đáu đâu đó, ám ảnh tâm lý của biết bao người.

Bạo hành giường chiếu là nỗi đau của nhiều chị em. Ảnh minh hoạ
Bạo hành giường chiếu là nỗi đau của nhiều chị em. Ảnh minh hoạ

Nhìn vào thân thể trẻ trung nhưng đầy vết bầm tím của cô gái có tên L.T.S (27 tuổi, ở Tây Ninh), có ai không khỏi xót xa. Sau bị đánh đập, cô còn bị chồng ép quan hệ tình dục dù 2 người trong giai đoạn ly thân. Tiếng gọi yếu ớt đến đội cứu nạn đã giúp cô thoát khỏi sự truy đuổi của người mà con cô vẫn gọi là ba. Tạm thời, cô đã được bảo vệ, nhưng rồi phía trước của cô sẽ là gì?

“Bạo hành giường chiếu”- khái niệm có vẻ xa lạ đối với không ít người, nhất là cánh mày râu. Vì trong tình ái và tình dục, đàn ông thường có tư tưởng sở hữu người đàn bà của mình mà không để ý tâm lý, sức khỏe, cảm xúc đối phương. Chỉ người phụ nữ mới âm thầm chịu đựng và dù biết nhưng vẫn không dám gọi tên “tôi đang bị bạo hành tình dục”. 

Đã 37 tuổi mà Xoan, cô bạn thân của tôi, vẫn chưa lập gia đình. Nhìn bề ngoài cô gái cá tính có ai biết nỗi đau mà cô đã phải chịu đựng suốt 12 năm qua, kể từ ngày cô đi du học ở Hàn Quốc.

Mối tình đầu của cô nảy nở trên xứ người với một chàng đồng hương. Những lần gặp gỡ giao lưu trong hội du học sinh khiến cô cảm mến Thịnh. Sự thăng hoa trong cảm xúc lẫn thể xác khiến trái ngọt đầu đời cô đã trao tặng Thịnh. Nhưng rồi, những lần gặp sau, nếu rơi vào kỳ nguyệt san của cô, Thịnh không nói một câu mà lặng lẽ bỏ về.

Những lần cô nhắn tin “anh ơi, em đau bụng quá”, Thịnh chỉ trả lời bằng một biểu tượng mặt mếu mà không hỏi thăm hay động viên một lời. Như canh chừng thời gian, Thịnh có mặt sau đó một tuần với thái độ vồ vập, yêu mến. Trong một ngày, Thịnh có nhã ý quan hệ không dưới 2 lần.

Dần dà, Xoan hiểu ra, Thịnh chỉ cần thân xác của cô, chỉ lợi dụng sự ngây thơ và thiếu thốn tình cảm nơi đất khách của cô. Hoang mang, khủng hoảng, cô quay về Việt Nam khi mới rời quê hương nửa năm. Cuộc trở về chớp nhoáng, gia đình không biết nguyên nhân ngoài lý do “con không thích nghi được”. Dù công việc của cô đã ổn định tại quê nhà, nhưng một thời gian dài, cứ mỗi đêm xuống, gương mặt và nụ cười của Thịnh vẫn lờn vờn khiến cô hoảng hốt. Cô không yêu ai, cũng chẳng lấy chồng, vì mất niềm tin vào đàn ông.

Với Xoan, ít ra cô đã dám từ bỏ, còn với chị Hoa (quê Thanh Hóa), muốn chạy trốn mà vẫn không làm được suốt 25 năm qua. Vì như chị nói “mình sắp có cháu nội rồi mà chẳng lẽ ông bà chia tay”. Nhìn cảnh chị và chồng cùng bước xuống từ chiếc ô tô sang trọng, ai mà nghĩ chị khổ.

Ai có thể ngờ rằng, dù đang giai đoạn xạ trị ung thư vú giai đoạn đầu , đêm nào chị cũng phải phục vụ chồng. Sự phục tùng của người đàn bà ấy xuất phát từ gia cảnh. Chị lấy chồng như một phao cứu sinh để các em được ăn học. Chồng chị là người có thế lực, địa vị, qua một đời vợ có hai đứa con gái mà chưa có con trai.

Chị được chính thức làm vợ khi có đứa con trai đầu lòng làm giấy phép thông hành. Chị được chồng mua nhiều thứ trang sức đắt tiền, đổi xe liên tục, nhưng bù lại, đêm đêm chị phải phục vụ giường chiếu, bất kể giờ giấc, sức khoẻ. Thời son trẻ có thể gắng gượng, nhưng ở tuổi xế chiều, lại bệnh tật, chị chỉ biết nhắm mắt buông xuôi. Thời gian chịu đựng chồng mỗi đêm chẳng khác gì cả thiên niên kỉ.

Những vết bầm trên thân thể chị S ở Tây Ninh
Những vết bầm trên thân thể chị S ở Tây Ninh

Có người đàn bà nuốt nước mắt vào trong, có cô gái biến thành đồ chơi tình dục, có người phụ nữ lại sống trong dằn vặt “mình đang ngoại tình tư tưởng” với một người đàn ông nào đó mà cô cũng không biết rõ đó là ai. Đó là cảnh sống của Ngân (ở Đà Lạt) bên người chồng cô từng yêu.

Sự thay đổi của người chồng từ giai đoạn kết hôn đến khi sống với nhau 7 năm khiến cô ngỡ ngàng. Ngày xưa, anh tinh tế nhẹ nhàng, giờ trở nên cộc cằn, kiểm soát. Anh muốn kiểm soát công việc, tiền bạc và cơ thể của vợ. Đến nỗi, muốn đi đâu, gặp ai, Hoa phải trình báo.

Cô sợ nhất cuộc gọi giữa buổi “vợ ơi, lát nữa anh về”, vì biết sau đó sẽ là kéo cô lên giường, bất kể cô có muốn hay không. Sự o bế trong cuộc sống khiến cảm xúc vợ chồng trong cô ngày càng trở nên nguội lạnh. Cô vẫn biết anh yêu thương mình và sống có trách nhiệm với các con nhưng cách yêu thương thái quá, cực đoan khiến cô muốn giải thoát.

“Đưa nhau ra tòa vì lý do tế nhị ấy, liệu có ổn không. Rồi danh dự con cái, gia đình cô sẽ thế nào nếu mọi người biết cô ly dị”. Không dám bước qua cái mặc cảm lỗi lầm ấy, cô đi tìm một bóng hình đàn ông trong phim ảnh bởi ở đó cô được vuốt ve, ôm ấp nhẹ nhàng chứ không phải nghe những tiếng thở hổn hển và thân hình ướt đẫm mồ hôi từ người đàn ông đối diện. Dù biết rằng đó là tội lỗi, nhưng cũng là liệu pháp tâm lý để cô duy trì một mối quan hệ gia đình.

“Hạnh phúc an toàn” là gì nếu như người phụ nữ không thật sự được tôn trọng thật sự cả thể xác lẫn tinh thần? Đó chỉ là vỏ bọc che đậy mà người trong cuộc không dám lên tiếng phản kháng, để rồi ngấm ngầm chịu đựng, chấp nhận bị thuần phục.

Trong hôn nhân, vợ chồng bất bình, thậm chí cãi vã, đánh  nhau không hiếm. Song vừa nhiếc mắng vợ, lôi hết họ hàng bên ngoại lên, thậm chí khuyến mãi thêm cú bạt tai để rồi sau đó lại kéo lên giường và xem như chẳng có chuyện gì là không thể chấp nhận được. Chí ít, người đàn ông phải hiểu người đầu kề tay ấp của mình đang nghĩ gì. Điều họ cần là một lời xin lỗi, một thái độ ăn năn hay một hành động tử tế chứ không phải một “ân huệ giường chiếu”.

Không phải chị em nào cũng dám tung chăn phản kháng. Ảnh minh hoạ
Không phải chị em nào cũng dám tung chăn phản kháng. Ảnh minh hoạ

Ai cũng có cảm xúc thể xác, nhất là đối với chồng hay người mình yêu, nhưng sự thăng hoa chỉ nảy nở khi chính họ cảm thấy hân hoan và được tôn trọng. Nhưng dám quyết liệt, đạp tung mền, hét lên trong đêm đâu phải người phụ nữ nào cũng làm được. Để rồi trở thành một lề thói bị động trong quan hệ vợ chồng khiến hôn nhân càng đi vào vực sâu.

Trong khi đàn bà cứ lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau hay mặc cảm tội lỗi, thì đa số đàn ông vẫn vô tư chẳng chút bận tâm. Họ gọi đó là “nghĩa vụ và quyền lợi của đàn bà” để khi “tàn canh”, chị em lủi thủi “thu dọn chiến trường” và trắng đêm với nỗi đau khó nói.

Chị L. T. S ở Tây Ninh đã cầm được điện thoại lên nhờ can thiệp. Còn biết bao người đàn bà bất hạnh không dám hành động. Có, chị chưa đến mức bị đánh đập nhưng tiếng nói đã bị vô hiệu hóa. Trong chuyện vợ chồng, quan điểm hay ý kiến của các chị cần được bộc lộ, trao đổi một cách thẳng thắn, kiên quyết. Thậm chí phải biết dám chấp nhận những cái giận hờn, chiến tranh lạnh âm ỉ, thậm chí bể chén bể bát hay lời hù dọa “tao sẽ giải quyết bên ngoài”…

Nếu người đàn ông tử tế, họ sẽ kìm chế được cảm xúc, kìm nén được bản năng để lắng nghe người đàn bà của mình nói gì, từ ngôn ngữ đến hành vi cơ thể. Còn một khi “họ nói được và làm được” thì thôi, cứ giải thoát cho họ, và cũng là cho chính mình. Bởi đời người, ai cũng chỉ một lần sinh ra và cũng chỉ có quãng thời gian không dài để sống.

Lâm Hoàng

                                                       

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI