Những con số đau lòng
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương nếu như mỗi trường hợp trẻ em bị bạo hành nặng phải cấp cứu thì có 300-600 trường hợp khác chưa được khai báo.
Số liệu trên được đưa ra vào ngày 12/12, tại buổi tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
|
Một đứa trẻ bị chính cha mình đánh đến thâm tím toàn thân, được cô giáo phát hiện và đưa đi bệnh viện khám |
Con số trên đã làm choáng váng những người có mặt. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra, đó là một con số không hề “khống”. Tình trạng che giấu hành vi bạo hành vốn không còn xa lạ, bởi chính người trong cuộc, là nạn nhân hoặc người giám hộ của nạn nhân.
Theo Bộ VH-TT&DL, 30% hộ gia đình được phỏng vấn cho biết "trong nhà xảy ra ít nhất một lần bạo lực mỗi năm".
Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, 58% phụ nữ được hỏi từng phải chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục. Bạo lực với trẻ em, nhất là trẻ em gái vẫn diễn ra phức tạp.
|
Tháng 4/2018, khi cháu N.T.Đ. (8 tuổi, ngụ Bình Phước) tử vong bởi nhiều thương tích do bị cha dượng “hờ” gây ra, người ta mới hay rằng trước đó, cháu đã rất nhiều lần bị người đàn ông này dùng tay, chân đánh đập mỗi khi không vừa ý.
Trong quá trình Đ. bị bạo hành nặng nề ấy, mẹ của em đều tìm cách che giấu chính quyền lẫn người xung quanh. Câu trả lời của người mẹ tại cơ quan điều tra về lý do cho sự che giấu đó, là “do bị ràng buộc nhiều cái”.
Điều đau lòng nhất là sự che giấu này rất phổ biến với hành vi bạo hành gia đình, dù hành vi bạo hành đó lắm lúc gần như mất hết tính người. Tháng 6/2018, khi làm đơn tố cáo cha chồng xâm hại tình dục con gái mình, người khiến chị H.T.T. (phường Đồng Nhân, Hai Bà Trưng, Hà Nội ) phải đấu tranh nhiều nhất chính là… bố đứa bé, cũng là chồng chị. Sợ bố mình đi tù, sợ bị điều tiếng… chồng chị H.T.T. đã thuyết phục vợ giữ im lặng, xem như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
|
Một em bé 3 tuổi ở Bình Dương bị chính mẹ mình đánh, phải khâu 10 mũi trên đầu |
Những sự vụ này không phải là cá biệt cho sự im lặng, bao che khi hành vi bạo hành diễn ra trong gia đình nhiều năm qua. “Hầu như rất nhiều người vợ, người mẹ… khi bị chồng bạo hành hoặc chứng kiến con mình bị cha bạo hành, điều đầu tiên họ nghĩ đến là làm thế nào để không ai biết việc này”, chuyên gia tâm lý Trung Hoà chia sẻ.
Theo một nghiên cứu xã hội học, chính sự im lặng, bao che của những người trong cuộc
đã khiến cho nạn bạo hành, nhất là bạo hành trẻ em diễn biến ngày càng phức tạp và không có dấu hiệu suy giảm.
Kinh tế “phế” pháp luật!
Theo Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hành vi bạo hành được che giấu. Ngoài nhận thức “thương cho roi cho vọt” do dân trí thấp, một lý do chính khác là nếu tố cáo, người bạo hành sẽ bị phạt hành chính, sẽ đi tù… nên các nạn nhân không khai báo để tránh làm tổn thất kinh tế gia đình!
|
Bạo hành trẻ em, nhất là trẻ em gái, đang diễn biến phức tạp |
“Rất nhiều bà vợ chịu không nổi nên tố cáo, nhưng sau đó biết chồng có thể bị phạt liền rút đơn lại. Để rồi sau đó là những trận đòn giáng xuống cả con lẫn mẹ nhiều hơn, vẫn cắn răng chịu đựng”, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Đức, trong trường hợp nạn nhân (hoặc người giám hộ nạn nhân) kiên quyết tố cáo, thì sau đó chính họ lại chịu sự chỉ trích lẫn chửi bới từ những người xung quanh khác, như ông, bà… “Thậm chí, đứa trẻ bị bạo hành, do bị tác động từ ông bà, cũng quay ra… trách mẹ mình, nói tại mẹ mà ba đi tù!”, ông kể.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trung Hòa, khi nạn bạo hành diễn ra và được bỏ qua hoặc bao che, chủ thể tạo ra hành vi bạo hành sẽ ngày càng phát sinh nhiều hơn và ở mức độ nặng hơn hành vi bạo hành. “Nhiều người bạo hành không hề biết mình vi phạm pháp luật, và sự im lặng của nạn nhân trong trường hợp này lại càng khiến hành vi bạo hành ấy được “cổ vũ” thêm”, ông đánh giá.
Còn bao nhiêu đứa trẻ chưa nhập viện?
Hàng trăm trẻ em nhập viện vì bạo hành mỗi năm. Con số này gây nhức nhối cho toàn xã hội. Nhưng đó là những vết tích đòn roi, khiến trẻ nhập viện, dễ dàng thấy được, còn những kiểu bạo hành về tinh thần, làm sao đong đếm?
Bạn của tôi, giờ đã là một người mẹ của 2 đứa con, đầu đã 2 thứ tóc, nhưng chị vẫn không nguôi ám ảnh chuyện bố mẹ chị đã chiến tranh lạnh với nhau một thời gian dài trước khi ly hôn.
Đến khi biết sự thật, họ “diễn” vì đợi chị trưởng thành thì chị sốc đến nỗi bị trầm cảm phải nhập viện. Một thời gian dài sau đó chị không dám yêu ai, không nghĩ đến chuyện lập gia đình, chị không tin tình yêu là có thật, thậm chí sợ hãi và nghi ngờ tất cả những cặp đang yêu nhau. Chị phải đi trị liệu tâm lý một thời gian dài.
Bé Sóc con của chị đồng nghiệp của tôi, chỉ sau hơn 2 tuần đi học mẫu giáo, bé đã tự bứt tóc đến trụi lủi. Khi gia đình tìm mọi cách tìm hiểu mới phát hiện, ở trường, mỗi khi đến bữa ăn, vì cô bé ăn kém, nên cô bảo mẫu dọa nạt đủ thứ, từ “đem quăng vào sọt rác” đến đập bàn đập ghế, đem mô hình con bò cạp ra dọa, khiến bé phải ăn trong nước mắt. Cũng trong lớp đó, có cô giáo, lúc nào cũng thủ sẵn kiêm tiêm loại lớn, chỉ cần trẻ khóc, không hợp tác khi ăn, lập tức cô chìa…vũ khí ra hù, khiến các bé tái mặt.
|
Một bức tranh của dự án "Cùng loại bỏ bạo lực với trẻ em", chủ đề Hãy bảo vệ trẻ em khỏi đòn roi |
Con trai lớn của tôi một thời gian dài bị stress đến nỗi không ăn, không ngủ, sụt ký nghiêm trọng, loét cả dạ dày chỉ vì tôi lỡ lời nói con “vô dụng” và so sánh con với người khác. Cũng may cuối cùng tôi cũng tìm ra nguyên nhân sau một thời gian…bổ sung đủ loại thuốc bổ vì nghĩ con học nhiều, thiếu chất.
Đó chỉ là số rất ít ví dụ để cho thấy, bạo hành tinh thần trẻ không chỉ xảy ra trong gia đình, mà có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu nhất là khi những người lớn còn dùng uy quyền của mình để đối xử với trẻ. Vấn đề đây là loại bạo lực quá khó để “nhìn” thấy nếu người trong cuộc không mạnh dạn nói ra và người xung quanh không “chịu” cảm nhận. Bởi ngay trong gia đình, nhiều phụ huynh cũng bạo hành trẻ bằng các hình ảnh, lời nói hù dọa như ông ba bị, ngáo ộp, ma quỷ, gọi người đến bắt, dọa cho chết đói… Chưa kể đến những lời nói miệt thị, chê bai, so sánh …nhưng lại nghĩ “vậy mà cũng gọi là bạo hành à?”.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau khi phải trải qua những trận bạo hành khủng khiếp về tinh thần, nhiều trẻ mắc phải chứng "Rối loạn và căng thẳng hậu chấn thương" (PTSD). Các em sẽ luôn nhớ về các sự kiện khiến mình hoảng sợ, đau đớn, lúc nào cũng có cảm giác không an toàn, dần dần mất hứng thú với những hoạt động mình từng yêu thích, thu hẹp mình hơn, sống tách biệt với mọi người.
Chưa kể, bị bạo hành trong thời gian này, trẻ em sẽ dễ bị ám ảnh, trở nên mặc cảm, thiếu tự tin vào bản thân, thậm chí dễ trở nên…tàn bạo. Trẻ em là đối tượng nhạy cảm hơn cả. Chỉ cần chứng kiến bố mẹ bạo lực với nhau, bản thân các bé sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Bé gái khi trưởng thành khó đặt niềm tin vào đàn ông và thường gặp trắc trở trong tình yêu. Họ có sự hoài nghi quá mức với đối tượng khác giới. Bé trai có thể bắt chước các hành vi bạo hành tương tự hoặc suy nghĩ tiêu cực dẫn đến các hành vi sai trái như bỏ nhà, bỏ học, sa vào tệ nạn.
Bạo hành tinh thần là một dạng của bạo lực gia đình, nó không chỉ là vấn đề riêng của gia đình mà còn là vấn đề của cả xã hội. Xin hãy đối xử với trẻ bằng tất cả tình yêu thương, ngay cả với những đứa trẻ bị coi là hư hỏng.
Thuỵ Châu
|
Nguyễn Hoàng