|
Phối cảnh nhà máy đốt rác phát điện của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM |
Chưa biết bao giờ khánh thành
4 năm trước, gia đình anh Nguyễn Văn Thành (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi) “mừng như trúng số” khi hay tin Công ty cổ phần Vietstar khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.
Gia đình anh Thành sống cạnh bãi rác nhiều năm, phải triền miên hít mùi hôi thối, chịu cảnh nước bẩn bủa vây. “Nếu nhà máy đốt rác phát điện khánh thành, tụi tui làm heo ăn mừng liền. 4 năm sau ngày khởi công rầm rộ, khu đất vẫn trống lốc, chưa có nhà máy nào cả” - anh Thành thất vọng.
Được biết, Công ty cổ phần Vietstar là 1 trong 2 đơn vị khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện vào năm 2019. Sau 4 năm thi công, đơn vị đã thực hiện một số hạng mục như làm đường dẫn, san lấp mặt bằng, làm nền, đóng cọc và ký kết hợp đồng mua một số thiết bị chính yếu từ nước ngoài. Nhưng cho đến nay, đã trễ hạn hơn 2 năm, nhà máy vẫn chưa thể đi vào hoạt động như dự kiến.
Tương tự, nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa được khởi công vào tháng 10/2019 nhưng đến nay, cũng chỉ mới xong phần san lấp mặt bằng, xây tường rào và tập kết sắt thép, vật tư trên khu đất dự kiến xây nhà máy.
Ông Trần Nguyên Hiền - Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM - cho biết, đến nay, chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào ở TPHCM vận hành. Nguyên nhân là do vướng về thủ tục pháp lý, các dự án đốt rác phát điện chưa được đưa vào quy hoạch quốc gia về phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn. Hiện các doanh nghiệp đang làm các thủ tục xin Bộ Xây dựng cấp phép. Thời gian qua, các sở, ngành của TPHCM đã hỗ trợ các doanh nghiệp xác định phương án đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia để hoàn thành các hồ sơ pháp lý liên quan.
Được biết, ngoài 2 nhà máy nêu trên, nhà máy đốt rác phát điện thuộc Công ty cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi cũng đang vướng về thủ tục. Nhà máy này được ước tính có công suất xử lý 500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, 500 tấn chất thải công nghiệp/ngày, 120 tấn chất thải nguy hại/ngày.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, nếu 3 nhà máy này đi vào hoạt động vào năm 2021 như dự kiến, sẽ giải quyết được 6.000 tấn rác/ngày mà không cần phân loại rác tại nguồn. Điều này cũng góp phần làm giảm được 50% lượng rác thải chôn lấp của TPHCM. Nhưng đến nay, TPHCM vẫn chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở TPHCM hiện đã hơn 9.700 tấn/ngày. Vào dịp lễ, tết, lượng rác thải còn tăng cao hơn. Những năm qua, TPHCM chủ yếu xử lý rác thải bằng cách chôn lấp, gây nguy cơ ô nhiễm, không đảm bảo mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm đã đặt ra.
Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá - chuyên gia môi trường - cho rằng, việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác là điều phải làm bởi chôn lấp không những gây mùi hôi, ruồi muỗi nhiều, tồn đọng nước rỉ rác mà quá trình xử lý những thứ này cũng rất tốn kém. Việc áp dụng công nghệ đốt rác phát điện là rất cần thiết đối với một đô thị năng động, phát triển như TPHCM.
Ngoài giải quyết rác thải, công nghệ này còn giúp sản sinh nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính. “Vướng mắc lớn nhất trong việc phát triển công nghệ đốt rác phát điện là về thủ tục, giấy phép. Những điều này cần được quan tâm và tháo gỡ” - ông Lê Huy Bá nói.
Cần để đơn vị nhà nước tham gia
|
Trong lúc chờ các nhà máy đốt rác phát điện đi vào hoạt động, ngành môi trường TPHCM chủ yếu xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp |
Theo tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TPHCM - có nhiều lý do khiến các dự án đốt rác phát điện ở TPHCM “giậm chân tại chỗ”. Vướng mắc đầu tiên là đơn giá xử lý rác thải. Chi phí để xử lý rác theo công nghệ đốt rác phát điện hay các công nghệ hiện đại khác là rất lớn, không thể dưới 30 USD/tấn. Không thể áp mức chi phí cao như vậy ở Việt Nam. Nếu cho đơn giá thấp, các đơn vị tư nhân sẽ khó chấp thuận do không có lợi nhuận.
Ngoài ra, theo quy định, khi phát ra 1MW điện, phải có quy hoạch điện được Chính phủ phê duyệt mới đấu nối được vào mạng lưới điện. Tuy nhiên, các nhà máy đốt rác phát điện ở TPHCM vẫn chưa được đưa vào quy hoạch theo Đề án quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Một vướng mắc khác là quy hoạch bãi rác. Cấp thành phố không có thẩm quyền cho phép mở rộng bãi rác hoặc điều chỉnh cục bộ trong bãi rác. Chính phủ phê duyệt quy hoạch xử lý chất thải rắn nên UBND TPHCM không thể tự điều chỉnh.
“Với những vướng mắc trên, tôi cho rằng, rất khó xã hội hóa việc xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Các đơn vị đang làm nhà máy đốt rác phát điện ở TPHCM hiện nay là tư nhân. Mục tiêu của tư nhân là lợi nhuận. Các đơn vị nhà nước như Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM hay các đơn vị công ích khác vừa làm nhiệm vụ công ích, vừa làm nhiệm vụ chính trị.
Do đó, phải để đơn vị nhà nước tham gia dự án đốt rác phát điện mới giải quyết được rác thải ở TPHCM. Chỉ có đơn vị nhà nước mới có thể đảm bảo an ninh rác thải cho TPHCM” - tiến sĩ Phạm Viết Thuận nêu quan điểm.
Mới đây, trong cuộc họp với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, UBND thành phố đã có chủ trương chuyển đổi công nghệ và giải quyết dứt điểm, căn cơ lượng rác thải. Cần phải xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, biến rác thành tài nguyên.
Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đốt rác phát điện đã được phê duyệt. Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM gấp rút hoàn thiện hồ sơ, đề án để tham gia hoạt động đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại có công suất 1.000 tấn/ngày.
Ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng Công nghệ môi trường và Kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM - cho biết, từ năm 2018, theo chủ trương của UBND TPHCM, các đơn vị đang xử lý rác bằng công nghệ cũ phải chuyển đổi công nghệ, ưu tiên công nghệ đốt rác phát điện. Lúc đó, công ty đã trình dự án đốt rác phát điện. Đến nay, một số đơn vị tư nhân đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng riêng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM vẫn đang chờ.
“Trong quá trình chờ UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, chúng tôi đã làm việc với các đối tác về công nghệ. Theo dự kiến, chúng tôi sẽ dùng công nghệ Martin (Đức) hoặc tương đương. Hiện chúng tôi đã hoàn thành thiết kế và đã có nguồn vốn để thực hiện, chỉ cần được chấp thuận chủ trương đầu tư và giao đất là chúng tôi thực hiện ngay” - ông Cao Văn Tuấn nói.
Ông Cao Văn Tuấn cũng cho biết, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM đang đề xuất chủ trương xây dựng Trung tâm Xử lý và Tái chế chất thải TPHCM ở huyện Củ Chi. Đầu vào của khu này là chất thải, đầu ra sẽ là nguyên liệu. Nếu được UBND thành phố chấp thuận, đây sẽ là một khu phức hợp về xử lý, tái chế rác. Trong khu này, sẽ có nhiều nhà máy, trong đó có nhà máy đốt rác phát điện. Điều này là phù hợp với xu thế kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Theo tiến sĩ Phạm Viết Thuận, một đơn vị nhà nước như Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM hoàn toàn có khả năng thực hiện được việc áp dụng công nghệ đốt rác phát điện nhờ có lợi thế về pháp lý, tiềm lực và có thể sử dụng ngân sách vào việc đầu tư, vận hành. Đơn vị nhà nước làm được sẽ thúc đẩy các đơn vị tư nhân thực hiện. Nếu đơn vị nào cố tình chây ì, UBND thành phố có thể thu hồi dự án.
Cần nghiên cứu mô hình lò đốt mini Hiện nay, áp lực và chi phí xử lý rác thải ở TPHCM là rất lớn. Dịp tết vừa qua, mỗi ngày, đơn vị chức năng phải xử lý 11.000 tấn rác. Kéo theo đó là nỗi lo về môi trường nếu cứ xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Theo tôi, trong lúc chờ các nhà máy đốt rác phát điện đi vào hoạt động, UBND TPHCM cần nghiên cứu mô hình lò đốt mini đã được một số nơi áp dụng và đã mang lại hiệu quả. Thay vì xử lý rác tập trung, ở một số khu vực dân cư, ta đặt một lò đốt mini với công suất xử lý 500 hoặc 1.000kg rác/ngày. Ở khu vực đặt lò đốt, ta sẽ hướng dẫn người dân phân loại rác một cách bài bản. Mô hình này có thể làm thí điểm, sau đó nhân rộng. Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá |
Sơn Vinh