PNO - Chí ít khi nữ vận động viên theo sự nghiệp thể thao thì phải có thu nhập thường xuyên cao hơn, cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân lao động nữ hiện nay.
Đội bóng U20 nữ Việt Nam chính thức giành vé dự vòng chung kết giải U20 nữ châu Á năm 2024. Các cầu thủ nữ tham dự vòng chung kết World Cup bóng đá nữ sẽ được trao khoảng 700 triệu đồng/cầu thủ. Đó là 2 tin làm nức lòng những ai đang theo dõi và cổ vũ cho các cô gái đá bóng Việt Nam.
Các cầu thủ U20 nữ Việt Nam ăn mừng bàn thắng san bằng tỷ số 1 - 1 trong trận đấu gặp U20 nữ Ấn Độ - Ảnh: Trung Kiên/TTXVN
Những kết quả đáng khích lệ của bóng đá nữ đó làm tôi nhớ đến 2 câu nói của 2 người nổi tiếng trong giới thể thao Việt Nam.
Đầu tiên là chiến lược gia Hoàng Vĩnh Giang - người đã đưa ra 9 chữ vàng làm "kim chỉ nam" cho thể thao nước nhà: “đi tắt, đón đầu, lấy nữ làm chủ công”. Không kể đến những môn “đi tắt đón đầu” đã cải thiện đáng kể số huy chương vàng mà đoàn Việt Nam đoạt được trong các kỳ SEA Games, nếu so sánh số lượng HCV của nam - nữ trong các kỳ SEA Games mà thể thao Việt Nam tham gia sẽ thấy ngay giới nữ đã đóng góp quan trọng như thế nào. Chỉ riêng trong bóng đá các nữ cầu thủ đã được tham dự World Cup là một minh chứng hùng hồn cho phương châm đúng đắn “lấy nữ làm chủ công” của vị “kiến trúc sư” tài ba của thể thao Việt Nam.
Đến đây, tôi lại muốn nhắc đến câu nói của HLV Mai Đức Chung, người có biệt danh là “Chung xe ca” hay “bố Chung” như các cô gái học trò nhiều thế hệ của ông thường gọi: “các cháu đi đá bóng cũng kiếm thêm ít tiền trang trải cho gia đình”. Huấn luyện viên Mai Đức Chung đã nói thế sau khi bóng đá nữ đoạt huy chương vàng SEA Games 30 tại Philippines năm 2019. Vâng, con đường mà các cô gái U20 đá bóng đi được đến World Cup như các đàn chị còn xa vời lắm. Ngay cả Huỳnh Như, Chung Thị Kiều hay các đồng đội khác của 2 cô, đang đi tập huấn ở Đức với bố Chung, chắc gì sẽ đến được New Zealand trong tháng 7 tới đây?
“Bố Chung” quả thật sẽ đau đầu khi sự lựa chọn nhân sự đi, hay ở của ông sẽ làm thay đổi đáng kể điều kiện kinh tế của một nữ cầu thủ, những người đã bất chấp mưa, nắng, bất chấp cuộc sống gian khổ, quần thảo năm này qua năm khác với trái bóng tròn.
Tuy phương châm “lấy nữ làm chủ công” đã được chứng minh hiệu quả của nó, nhưng thực tế hiện nay các nữ vận động viên cũng chưa được ưu đãi xứng tầm. Ngay cả trong bóng đá, một môn thể thao vua, khi các nam cầu thủ nổi tiếng như Quang Hải, Văn Quyến, Hoàng Đức, Văn Lâm… có thu nhập hàng tỉ từ tiền chuyển nhượng, tiền lương, tiền quảng cáo thì Huỳnh Như, cầu thủ thi đấu ở nước ngoài thành công nhất từ trước đến nay cũng chưa thể được "đứng" ngang tầm với các nam tuyển thủ trong nước.
Không thể trách các ông bầu, các doanh nghiệp đang đầu tư hay bỏ tiền vào bóng đá, vì thật sự xã hội Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung chưa quan tâm nhiều tới bóng đá nữ như bóng đá nam. Chính vì vậy cần phải có bàn tay hỗ trợ của Nhà nước.
Các nữ vận động viên nói chung, nữ cầu thủ bóng đá nói riêng rất cần sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Chí ít khi họ theo sự nghiệp thể thao thì phải có thu nhập cao hơn, cao hơn nhiều so với thu nhập bình quân nữ lao động hiện nay bởi vì thời gian thi đấu của họ ngắn, nguy cơ giải nghệ do chấn thương khi thi đấu, tập luyện cũng cao.
Và hơn nữa, việc thường xuyên xa gia đình ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của họ, nhất là sau khi phải từ giã quãng đời thanh xuân đã phấn đấu, hy sinh vì màu cờ sắc áo của thể thao nước nhà.
Tinh giản và chống phình to biên chế rất cần cơ chế phân cấp, phân quyền, cá nhân chịu trách nhiệm. Cần hệ thống đánh giá công việc công bằng, thiết thực.