Bao giờ nông dân dứt điệp khúc trồng, chặt?

27/03/2023 - 06:38

PNO - Nông sản liên tục dội chợ, rớt giá khiến nông dân mất phương hướng sản xuất và tình trạng đua nhau trồng cây, đua nhau chặt cây vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết.

Chặt bỏ do giá thấp, bán khó

Các năm trước, bưởi da xanh là một trong những loài cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cho thu nhập khoảng 500-600 triệu đồng/ha/năm. Cơ quan quản lý nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL từng kỳ vọng loại trái cây này không những bán chạy ở thị trường nội địa mà còn xuất khẩu bởi khá ngon, bảo quản được lâu. 

Nông dân vùng này đã không ngần ngại phá bỏ các giống cây trồng khác để chuyển sang trồng bưởi da xanh, riêng tỉnh Bến Tre trồng khoảng 9.400ha. Ngoài ra, vùng Đông Nam Bộ cũng liên tục mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh. 

Công nhân một doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre gói bưởi da xanh để xuất khẩu
Công nhân một doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre gói bưởi da xanh để xuất khẩu

Sau thời gian bùng nổ, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sức tiêu thụ trong nước giảm, xuất khẩu chậm, thị trường Trung Quốc đóng băng, giá bưởi từ 40.000-60.000 đồng/kg rớt xuống còn 10.000-20.000 đồng/kg tại vườn. Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm mặn khiến bưởi trong một số vườn suy kiệt, giảm năng suất. 

Chị Đặng Thị Phương Ánh (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho hay, hơn 2 năm nay, giá bưởi da xanh thấp nên một số hộ chặt bỏ bưởi, chuyển sang trồng cây khác: “Gia đình tôi cũng đang chuyển 4,6 công bưởi da xanh bị thoái hóa sang trồng mít Thái, dừa xiêm xanh với hy vọng có lời nhiều hơn”. 

Ông Đào Văn Minh - Tổ phó tổ hợp tác nông nghiệp bưởi da xanh Phú Thành (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) - thông tin: “Có khá nhiều hộ đã bỏ bưởi da xanh để trồng mít Thái, dừa và nhất là sầu riêng do vườn bưởi bị nước mặn xâm nhập làm cây suy kiệt, hoặc bị thoái hóa do cao tuổi, năng suất giảm”. 

Một số hộ ở tỉnh Sóc Trăng cũng đang chuyển từ bưởi da xanh qua cây trồng khác do giá cả và ảnh hưởng của hạn, mặn. Ông Đàm Văn Hưng - chủ cơ sở kinh doanh bưởi da xanh Hương Miền Tây (tỉnh Bến Tre) - thông tin: “Hiện nay, cơ sở chỉ thu mua được khoảng 10-20 tấn bưởi/ngày trong khi mấy năm trước là 70-80 tấn/ngày, có khi vài trăm tấn/ngày”. 

Nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đang quay lại trồng khoai lang xuất khẩu
Nông dân huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long đang quay lại trồng khoai lang xuất khẩu

Nông dân tỉnh Vĩnh Long từng có thời trồng tổng cộng 13.000 - 14.000ha khai lang tím Nhật để xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng năm 2021, do dịch COVID-9, thương lái Trung Quốc không qua mua được, giá khoai lang chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, kêu bán không ai mua. Ông Đoàn Văn Hữu - có trên 20 năm trồng khoai lang ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân - kể, năm 2021, gia đình ông trồng 18 công khoai lang xuất khẩu, lỗ hơn 300 triệu đồng. Sau đợt thua lỗ thảm hại này, các hộ đồng loạt cải tạo đồng khoai lang để chuyển sang trồng mít Thái, sầu riêng, rau màu, lúa…

Đưa chúng tôi ra thăm vùng chuyên canh mía nổi tiếng của địa phương, ông Trần Văn Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang - cho biết, lúc cao điểm, toàn huyện có hơn 9.500ha mía, thuộc dạng nhiều nhất ĐBSCL. Nhưng vài năm qua, cây mía kém hiệu quả, sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và thương lái thiếu chặt chẽ nên bà con chán nản, phá bỏ mía ào ạt. Đến nay, toàn huyện chỉ còn khoảng 3.200ha. 

Tổ chức sản xuất theo thị trường

Cũng theo ông Trần Văn Tuấn, vụ mía vừa rồi, nông dân Phụng Hiệp bán mía chục cho thương lái đưa đi các nơi làm nước mía với giá 2.800-3.200 đồng/kg, thu lãi rất đậm. Do vậy, một số nơi trong huyện đang rục rịch tăng diện tích mía. Theo ông, điều này khá mạo hiểm bởi kiểu bán mía chục này không bền vững. Mở rộng diện tích, tăng sản lượng quá nhiều sẽ khiến cung vượt cầu và giá rớt trở lại. 

Từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ 200 tấn mía nhưng mấy năm trước, ông Trương Văn Hiền (xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) bỏ cây mía, chuyển sang trồng chuối. Ông than: “2 năm đầu, chuối phát triển tốt nhưng sau đó bị sùng ăn, hư hại nhiều. Giá chuối loại 1 cũng giảm từ 10.000 đồng/nải xuống 8.000 đồng/nải, loại 2 giảm còn 4.000 đồng/nải, tính ra không có lời. Nông dân tụi tui không biết nên chọn giống cây nào phù hợp thổ nhưỡng, giá cả ổn định để trồng lâu dài, không phải làm vài vụ rồi phá bỏ”. 

Ông Đàm Văn Hưng khẳng định: “Chúng tôi đang là doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu bưởi da xanh lớn nhất cả nước, thậm chí ở khu vực Đông Nam Á. Do đó, để chủ động về chất lượng cũng như đơn hàng xuất khẩu, chúng tôi đã liên kết với nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác trồng bưởi da xanh ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ. Khi ký liên kết thì các hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu của từng thị trường đưa ra; phía doanh nghiệp thu mua với giá sàn thấp nhất là 25.000 đồng/kg trở lên. Với cách làm liên kết này sẽ đảm bảo cho nông dân không bao giờ lỗ, dù bất kể thị trường có biến động ra sao”. 

Nông dân tỉnh Đồng Tháp phá bỏ vườn cây có múi do dịch bệnh  để trồng cây khác phù hợp hơn, có giá tốt hơn
Nông dân tỉnh Đồng Tháp phá bỏ vườn cây có múi do dịch bệnh để trồng cây khác phù hợp hơn, có giá tốt hơn

Ông Hưng cũng khuyến cáo bà con không nên phá vườn bưởi da xanh, bởi thực tế nhu cầu tiêu thụ bưởi da xanh ở trong nước và xuất khẩu còn dư địa rất lớn mới đáp ứng khoảng 50% thôi. Ngoài ra, bưởi da xanh ăn tốt cho sức khỏe, ai cũng có thể dùng được, nên không sợ ế. Vấn đề hiện nay là tổ chức lại sản xuất một cách bài bản, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, có hợp tác xã, thực hiện mã số vùng trồng nhằm đáp ứng nhiều thị trường trên thế giới… 

Tại Vĩnh Long, đại diện các hợp tác xã nông nghiệp chuyên về khoai lang ở huyện Bình Tân cho biết, bà con vui mừng khi dự kiến trong quý II/2023 sẽ xuất khẩu lô khoai lang chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc, đây là tín hiệu tích cực. Hiện tại cùng việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… thì nông dân huyện Bình Tân đang trồng mới lại khoảng 400ha khoai lang xuất khẩu và diện tích dự kiến sẽ tăng lên vào thời gian tới.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng “trồng - chặt” như thời gian qua thì việc mở rộng diện tích cần phù hợp với nhu cầu xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhanh chóng củng cố và phát triển các hợp tác xã đủ mạnh để đại diện cho nông dân liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất tới tiêu thụ, bởi thời gian qua các hợp tác xã hoạt động còn hạn chế, thiếu sáng tạo, quản trị kém… 

Cách làm nông nghiệp và xuất khẩu nông sản của Thái Lan

Gần đây, Thái Lan - quốc gia xuất khẩu sầu riêng hàng đầu thế giới - đã chủ động nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Họ nâng chất khô tối thiểu trong trái sầu riêng từ 32% lên 35%, giúp trái chắc và ngon hơn. Họ cũng tăng cường xuất khẩu sầu riêng bằng đường bộ và đường sắt sang Trung Quốc qua Lào để giảm thời gian vận chuyển. 

Ngoài việc “phản ứng nhanh” với trái sầu riêng xuất khẩu, nhiều năm qua, Chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ nông nghiệp và trợ giá nông sản. Chẳng hạn, năm 2016, chính phủ hỗ trợ 4 tỉ baht cho những nông dân vùng bị hạn hán kéo dài, thu mua lúa với mức giá cao hơn giá thị trường, hỗ trợ nông dân chi phí mua phân bón, hạt giống, cải tạo đất và thu hoạch.

Chính phủ Thái Lan cũng trợ giá cho nông dân trồng 5 loài cây chủ lực là sầu riêng, nhãn, vải, măng cụt và chôm chôm; tuyển dụng các chuyên viên cao cấp hỗ trợ, giám sát quá trình sản xuất, phân phối, chế biến, tìm thị trường xuất khẩu. Thái Lan có quỹ bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp cho tất cả nông dân, áp dụng cho cây lương thực, cây lấy dầu, cây ăn trái.

“2 năm về trước, toàn xã trồng hơn 1.000ha khoai lang xuất khẩu, nhưng sau đợt thua lỗ, không còn ai trồng. Gần đây, khoai lang có giá trở lại (700.000-800.000 đồng/60kg), nông dân mới quay lại trồng khoai lang, được vài chục héc ta”. 

Ông Lê Văn Toàn - Phó chủ tịch UBND xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long

 

Huỳnh Lợi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI