Việc làm vừa ít, vừa bấp bênh
Hàng ngàn người đã đến với ngày hội việc làm thời vụ do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ tổ chức cuối tháng 12/2023.
|
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp dạy nghề cho các thanh niên chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài - Ảnh: Huỳnh Lợi |
Dự ngày hội, chị Trần Thị Liên (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) cho biết, nhà chị vừa gieo sạ xong vụ lúa đông xuân 2023-2024 nên thời gian nhàn rỗi khá nhiều nên chị muốn tìm việc thời vụ để có tiền chi tiêu trong dịp tết sắp tới. Anh Huỳnh Hữu Phúc (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) cho hay, đã vượt hơn 40km để đến đây tìm việc. Trước đây, anh làm công nhân thủy sản, nhưng do việc xuất khẩu cá tra gặp khó khăn nên anh bị thất nghiệp, cần tìm việc mới.
Anh Trần Văn Nam (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) kể, anh làm công nhân trong nhà máy chế biến thủy sản, thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng, vợ làm công nhân may mặc, được 5-6 triệu đồng/tháng, tạm đủ để nuôi 2 con ăn học. Nhưng từ năm 2021 đến nay, xuất khẩu thủy sản và may mặc đều gặp khó nên giờ làm bị cắt giảm, có lúc tạm ngưng sản xuất, thu nhập bấp bênh nên phải chạy ra ngoài làm thuê.
Theo báo cáo kinh tế thường niên về đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 10 năm từ 2009-2019, có khoảng 1,1 triệu người ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long di cư khỏi vùng, lớn hơn dân số của một số tỉnh. Trong năm 2023, tỉ lệ thất nghiệp của vùng này là 2,76%, chỉ đứng sau vùng Đông Nam Bộ (2,88%); tỉ lệ thiếu việc làm của vùng này năm 2022 cao nhất cả nước với 3,61% và chưa quay về mốc trước khi có dịch COVID-19. Người ở nông thôn trong độ tuổi từ 15-24 là đối tượng chủ yếu trong số thất nghiệp hoặc thiếu việc làm.
|
Lao động nữ Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi (xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) đang chế biến sản phẩm - Ảnh: Huỳnh Lợi |
Bà Nguyễn Thị Kim Chung - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Cần Thơ - cho hay, trung tâm thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến nhằm kết nối cung cầu nguồn lao động. Trong năm 2023, có khoảng 16.000 lượt người lao động và 400 doanh nghiệp tham gia các phiên trên, tuyển dụng được hơn 5.840 người.
Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Sóc Trăng, An Giang cũng thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch để giới thiệu chỗ làm cho người cần việc cũng như giới thiệu nhân sự cho các công ty.
Phát triển kinh tế để tạo nhiều việc làm
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh An Giang cho hay, trong tháng 11/2023, toàn tỉnh có 1.701 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong số này, hơn 77% không có bằng cấp, chứng chỉ; 14,7% có trình độ trung cấp nghề và trung học chuyên nghiệp; 4,12% có trình độ đại học và trên đại học; số người làm trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, thủy sản, xây dựng chiếm số đông.
|
Công nhân vào làm việc tại khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) sau kỳ nghỉ tết dương lịch 2024 - Ảnh: Trung Phạm |
Theo giám đốc một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ở tỉnh An Giang, vài năm nay, xuất khẩu cá tra không thuận lợi nên nhiều công ty thủy sản ở An Giang và các tỉnh lân cận không tuyển mới mà còn cắt giảm người làm, góp phần gia tăng tỉ lệ người thất nghiệp.
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) - qua các số liệu, kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long phục hồi trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Điều đáng lo ngại là tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của vùng này vẫn cao nhất nước, dẫn đến thu nhập bình quân của vùng luôn thấp hơn mức bình quân cả nước. Ngoài ra, sau 2 năm (2020 và 2021) bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng trăm ngàn người lao động đã quay trở về quê, hết dịch lại di chuyển đến các vùng khác tìm kiếm việc làm, một số rơi vào cảnh thất nghiệp. Có nghĩa là, vùng đồng bằng sông Cửu Long thiếu nội lực kinh tế, dẫn đến ít cơ hội về việc làm. Do đó, giải pháp căn cơ về việc làm cho vùng là phải phát triển kinh tế.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI - cho rằng, nhiều năm qua, cơ cấu trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng đồng bằng sông Cửu Long gần như không có sự thay đổi mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là vùng này phải tiếp tục giữ trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước. Nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của vùng nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Cụ thể, nông nghiệp đóng góp 34% GRDP của vùng, được đầu tư lớn thứ hai (khoảng 32.000 tỉ đồng mỗi năm) nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng dưới 3%. Do hoạt động sản xuất nông nghiệp có tính mùa vụ nên người dân thường bị thiếu việc làm, thất nghiệp tạm thời.
Theo ông Phạm Tấn Công, cần thay đổi căn bản mô hình nông nghiệp hiện tại bởi đồng bằng sông Cửu Long đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của các vùng khác và cả nước. Cần thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng và khả năng tiếp cận. Nên cho phép các địa phương giữ một diện tích đất trồng lúa đủ cho tiêu dùng nội địa và dự trữ, xuất khẩu, còn lại chuyển đổi mục đích một cách linh hoạt sang các lĩnh vực khác có năng suất và giá trị cao hơn, tạo ra nhiều việc làm hơn.
Nhiều người khấm khá nhờ đi làm việc ở nước ngoài Đồng Tháp là tỉnh đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long về số người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chị Trần Thị Hạnh - 33 tuổi, ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung - kể: “Cách nay hơn 4 năm, sau khi học xong đại học ở TPHCM, tôi không về quê vì khó tìm được việc làm phù hợp. May lúc đó, có chương trình đưa người sang Nhật Bản làm việc nên tôi đăng ký đi. Nhờ vốn ngoại ngữ khá, tôi dễ dàng tìm được việc làm ở một công ty chuyên về cơ khí, lương khoảng 40 triệu đồng/tháng. Bình quân khoảng 6 tháng, tôi gửi về quê hơn 100 triệu đồng”. Anh Trương Hữu Nhân - ở cùng ấp - từng 3 lần sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc. Anh Nhân cho biết, nhà anh chỉ có vài công ruộng nên làm không đủ ăn, hết vụ lúa thì không có việc làm. Năm 2014, anh đăng ký sang Đài Loan làm trong lĩnh vực xây dựng, hưởng lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Xong đợt 1, anh tiếp tục đăng ký làm đợt 2, làm tổng cộng được hơn 9 năm, tích lũy được số vốn cần thiết để về quê đầu tư làm dịch vụ nông nghiệp. Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lai Vung - cho hay, UBND huyện rất quan tâm hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hoạt động này vừa giải quyết việc làm, giảm tình trạng thất nghiệp ở nông thôn, vừa giúp người lao động có thu nhập cao, góp phần giảm nghèo cho địa phương. Riêng năm 2023, toàn huyện đã đưa được hơn 280 người ra nước ngoài làm việc. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2014, UBND tỉnh khởi động lại chương trình xuất khẩu lao động với phương châm “đi làm thuê, về làm chủ”. Tỉnh ủy, UBND tỉnh xác định đưa người đi lao động ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế phát triển, gia tăng nguồn lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, biết ngoại ngữ. Ông Phan Văn Thắng - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Tháp - cho hay, lãnh đạo tỉnh đã cho thành lập ban chỉ đạo xuất khẩu lao động và yêu cầu UBND các huyện thực hiện nghiêm. HĐND tỉnh cũng ban hành các nghị quyết hỗ trợ người lao động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động được ra nước ngoài làm việc theo nguyện vọng, gồm đào tạo nghề, ngoại ngữ, phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2023, toàn tỉnh đưa khoảng 1.500 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu là sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Huỳnh Trọng |
Hơn 50.000 lao động nữ đi xuất khẩu lao động trong năm 2023 Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là khoảng 155.000 người, trong đó có hơn 50.000 lao động nữ. Hiện tại, có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với hơn 30 nhóm ngành nghề và thời hạn hợp đồng khác nhau. Hiện có hơn 500 doanh nghiệp được cấp phép đưa người Việt Nam lao động nước ngoài. Nhật Bản vẫn là thị trường chiếm ưu thế, với hơn 31.000 lao động nữ Việt Nam sang làm việc. Lao động nữ phần đông tham gia vào các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Số lượng lao động nữ ở các thị trường nước ngoài ngày càng tăng đã đặt ra nhiều vấn đề về an toàn cũng như thúc đẩy quyền của lao động nữ di cư. Tại các cuộc hội thảo về di cư lao động nữ được tổ chức trong năm 2023, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - thông tin, lao động Việt Nam hiện đang có mặt ở hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và góp phần nâng chất cho lực lượng lao động khi hồi hương. Tuy nhiên, khi tham gia vào thị trường lao động nước ngoài, lao động nữ di cư phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn so với nam giới, như ít được tiếp cận thông tin tuyển dụng, hạn chế trong việc được đào tạo an toàn, hiệu quả và di cư hợp pháp; có nguy cơ bị lạm dụng, bóc lột lao động, thậm chí bị xâm hại tình dục; gặp khó khăn trong tìm kiếm cơ hội việc làm… Khi hồi hương, lao động nữ di cư còn có thể phải đối mặt với các rạn nứt trong hôn nhân và gia đình, thậm chí cả bạo lực gia đình. Trước những thách thức đó, trong năm 2023 và trong thời gian tới, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đẩy mạnh các hoạt động thuộc dự án “Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” cũng như các đề án hỗ trợ lao động nữ tham gia thị trường xuất khẩu lao động. Nguyệt Minh |
Cả nước có hơn 1 triệu người thất nghiệp Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, giảm 14.600 người so với năm 2022; có 918.500 người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm; tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,2%, cao hơn 3,91% so với khu vực nông thôn. Trong quý IV/2023, cả nước có gần 1,5 triệu thanh niên từ 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học chữ, học nghề, chiếm 11,5% tổng số thanh niên trong độ tuổi trên. Trong số không có việc làm và không tham gia học chữ, học nghề, 12,8% ở khu vực nông thôn và 9,5% ở khu vực thành thị; 13,3% là nữ và 9,8% là nam. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2023, số không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người. Tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng phản ánh mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, cho thấy tình trạng thừa cung. Tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế, xã hội. Thanh Hằng |
Huỳnh Lợi