Bao giờ mới thôi đổ lỗi?

11/01/2021 - 18:04

PNO - Do, tại, bị... cùng những tác nhân khách quan thường bị réo tên khi tác phẩm thất bại nhưng đó không phải là cách NSX nên làm. "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", chấp nhận luật chơi, mới là điều cần phải nhớ.

Người cần quên phải nhớ sau 2 tuần ra rạp thất bại thảm hại với doanh thu chỉ 1,9 tỷ đồng. NSX, đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết phim lỗ khoảng 23 tỷ (1 triệu USD). Trong buổi giao lưu chiều 10/1, anh thẳng thắn thừa nhận phim thất bại do không chạm tới trái tim khán giả.

Ngoài Người cần quên phải nhớ, Võ sinh đại chiến cũng là phim có doanh thu thấp. Sau 6 ngày ra rạp, phim này chỉ thu về chưa đầy 1,4 tỷ đồng. NSX cho biết lỗ 24 tỷ.

Tuy nhiên, cách ứng xử của 2 NSX lại khác hoàn toàn.

Đạo diễn Bá Cường cho biết anh bị sang chấn tâm lý khi phim lỗ nặng vì đầu tư nhiều, tốn thời gian 5 năm nhưng kết quả lại không như kỳ vọng. Anh cho rằng phim bị chèn ép, không được xếp những khung giờ tốt. Ngoài ra, đạo diễn cũng phàn nàn về khâu quảng bá phim. Tất cả đưa đến thất bại thảm hại, sau đó, NSX quyết định rút phim khỏi rạp.

Đạo diễn Bá Cường cho rằng do phim bị chèn ép nên dẫn đến thất bại
Đạo diễn Bá Cường cho rằng do phim bị chèn ép nên dẫn đến thất bại

Trailer Võ sinh đại chiến:

 

 

Phim Người cần quên phải nhớ, chính NSX đã thấy được vấn đề, không cần bàn thêm. Còn với Võ sinh đại chiến, so với nhiều phim võ thuật, có bước tiến rõ rệt, mang đến những pha hành động đẹp mắt. Nhưng kịch bản lại khá quen thuộc, vốn từng là mô tuýp xuất hiện trong Never back down (2008) hay The karate kid (2010).

Nhiều nội dung được lồng ghép khiến tình tiết phim bị lan man, thiếu đi không gian để khắc hoạ nhân vật đậm đà. Vì thế, nhìn chung, phim được đánh giá ở mức trung bình khá, chứ không thực sự xuất sắc để kéo khán giả đến rạp.

Chưa kể, phim ra mắt ngay thời điểm Wonder woman 1984, Chị Mười Ba ra rạp - những tác phẩm rất được mong đợi nên việc "ngã ngựa" của phim trên đường đua doanh thu cũng không hẳn không có lý do.

Trên nhiều trang báo, diễn đàn, một bộ phận không nhỏ khán giả đều có những nhận định tương tự nhưng tiếc rằng NSX Bá Cường lại không nhắc tới những yếu tố này.

Khi một bộ phim được đầu tư số tiền khủng, lại liên quan rất nhiều cá nhân phải chịu sự thất bại thì cảm giác hụt hẫng, buồn phiền là điều dễ hiểu và khó thể tránh khỏi. Nhưng thay vì đổ lỗi cho ngoại cảnh, bản thân NSX phải  nhìn nhận lại một cách khách quan nhất ở tất cả các yếu tố, coi thất bại là bài học đắt giá, làm "tư lương" cho chặng đường tiếp theo mới là chuyện đáng làm.

Võ sinh đại chiến thực sự không quá xuất sắc so với một số phim cùng ra mắt vừa qua
Võ sinh đại chiến thực sự không quá xuất sắc so với một số phim cùng ra mắt vừa qua

Vài năm gần đây, điện ảnh trở thành miền đất hứa. Thị trường này cũng vận hành theo quy luật chung. Một sản phẩm tốt, hợp thị hiếu luôn có cơ hội nhiều hơn, còn sản phẩm chưa phù hợp và chưa đúng thời điểm phải chấp nhận sự thất bại. Charlie Nguyễn từng thành công với Em chưa 18, thì nay "ngã ngựa" với Người cần quên phải nhớ. Đó cũng là chuyện không lạ trong giới phim ảnh. 

Một bộ phim thắng, thường đạo diễn, NSX, diễn viên là những cái tên được nhắc đến đầu tiên. Nhưng khi thất bại, những khâu khác như hệ thống phát hành, nhà phát hành… lại bị réo gọi. Đó có thực sự là một cuộc chơi công bằng? Và cũng chẳng một nhà phát hành nào lại dại dột bỏ đi cơ hội kiếm tiền khi phim hot, hoặc có triển vọng.

Gần đây nhất, Nghề siêu khó, một phim của Hàn Quốc khi vào đến Việt Nam, không quảng bá rầm rộ nhưng doanh thu vẫn tốt. Điều đó cho thấy chất lượng phim vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Khán giả tin vào truyền miệng, trải nghiệm thực tế để có lựa chọn phù hợp.

NSX, đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ về thất bại của phim Người cần quên phải nhớ vào chiều 10/1
NSX, đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ về thất bại của phim Người cần quên phải nhớ vào chiều 10/1

Trước Võ sinh đại chiến, đạo diễn phim Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi cũng tạo nên một trường hợp vô tiền khoáng hậu trong làng phim Việt. Khi phim không có tín hiệu tốt trên thị trường sau 3 ngày ra mắt, Chung Chí Công đã lên tiếng kêu gọi mọi người ủng hộ phim. Niềm hy vọng của một đạo diễn với phim đầu tay cũng dễ thông cảm nhưng có vào rạp mới thấy được hết những hạn sạn, khiến chỉ mới nửa phim người xem đã muốn đi về.

Khán giả Việt ủng hộ phim Việt, nhưng đó phải là phim hay, chứ không ai bỏ tiền để chịu trận với một tác phẩm dở.

Không riêng phim ảnh, nhiều tác phẩm sân khấu kịch, cải lương khi vắng khán giả cũng thường trách móc người trẻ quay lưng với nghệ thuật truyền thống. Nhưng có mấy ai nhìn thấy lỗi của mình: do nội dung không hấp dẫn, nhảm nhí, dàn dựng cũ kỹ...?

Nhiều NSX, đạo diễn phim nghệ thuật cũng chê khán giả không có gu thưởng thức, nhưng mấy ai nhận ra nội dung, cách khai thác đều không hợp thị trường hiện tại.

Charlie Nguyễn nói: “Khi làm phim, tôi chỉ quan tâm tác phẩm được khán giả đón nhận hay không. Đây là cuộc chơi, đã vào cuộc phải gánh chịu tất cả, không thể xin khán giả mua vé...”

Xin ngừng đổ lỗi, than trách, bởi điều này không bao giờ giúp sản phẩm trở nên tốt hơn. 24 tỷ mang lại bài học cho đạo diễn Bá Cường, và cũng là bài học cho nhiều NSX khác. Thị trường vẫn luôn hoạt động theo quy luật cung cầu chọn lọc, không bao giờ thay đổi, chỉ có NSX, đạo diễn có thích nghi để tồn tại hay không mà thôi!

Trung Sơn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trần Khánh Dung 12-01-2021 14:38:18

    Bài viết này hay nè. Công bằng, khách quan. Tôi nghĩ, phim điện ảnh dù là nghệ thuật nhưng chung quy cũng chỉ là hàng hóa nên nếu sản phẩm tốt sẽ được đón nhận và ngược lại. Khán giả là người quyết định, nếu chiếu vào khung giờ "không vàng" mà khán giả coi đông, nhà phát hành chắc chắn sẽ thay đổi khung giờ, đúng như bài báo đã viết "chẳng một nhà phát hành nào lại dại dột bỏ đi cơ hội kiếm tiền khi phim hot, hoặc có triển vọng" vì nhà phát hành là thương nhân, mà thương nhân thì đâu bao giờ từ bỏ lợi nhuận, chối bỏ cơ hội kiếm ra lợi nhuận.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI