Bao giờ mình sẽ sống cho mình?

02/12/2016 - 11:30

PNO - “Đợi sống” đã thành thói quen, không dễ nhận ra nhưng phổ biến. Người đợi về hưu, sống nghỉ ngơi. Người đợi kiếm đủ tiền, sống hưởng thụ. Người đợi con lớn tự lập được, sống thảnh thơi…

Chờ đợi là số phận của phụ nữ, người ta vẫn hát về hòn vọng phu suốt đấy thôi. Vậy nên, chị em yên tâm rằng mình không phải vọng phu đã là tốt, mình có chờ đợi một chút thì cũng không sao. Có hẹn là có đợi. Lâu dần thành nếp, không ai hẹn với mình thì chị em tự hẹn với mình, để tự mình chờ đợi.

Đợi khi cưới nhau về, mình sẽ bắt chàng bỏ cái tật nhậu nhẹt bia rượu, vừa mất thời gian, vừa tốn tiền, vừa hại sức khỏe. Cái hẹn đợi này có khi được mở ra tới tận cuối đời, mà tật nhậu thì không bỏ. Hết lần này tới lần khác, người đàn bà tự hẹn mình “đợi khi ổng tỉnh, mình sẽ nói chuyện…”.

Chị bảo đợi sinh xong đứa thứ hai đã, rồi thì tính chuyện nghỉ ngơi, tập tành lấy lại vóc dáng, sẽ đi du lịch cả gia đình, sẽ thu xếp đi học thêm tiếng Anh… Nhưng trời chẳng chiều người, đứa thứ hai lại là con gái, vậy là mất thêm mấy năm trời cân nhắc, tranh cãi, mà biết rằng thế nào rồi mình cũng thua, cũng phải sinh thêm lần nữa, cố kiếm cho nhà nội đứa cháu đích tôn. Thôi thì đợi sinh xong đứa này nữa, rồi mình sẽ...

Bao gio minh se song cho minh?
Ảnh minh họa.

Đợi tòa giải quyết ly hôn xong, mình sẽ quẳng hết mọi chuyện, đi chơi, đi du lịch cùng con, cùng bạn bè. Ngã rẽ này không ít người phải qua. Họ, giữa sóng gió bão giông, níu con thuyền đời của mình vào cánh cửa của tòa, và đợi. Các chị tin rằng đến ngày đó, cửa mở toang, mình sẽ tự do và thực sự bắt đầu “sống”.

Thế nhưng, khi vượt qua cái ngưỡng ấy rồi, ít ai thực hiện những gì mình dự định. Những cái ngưỡng khác lại được đặt ra: qua hết giai đoạn mệt mỏi trống vắng này đã, rồi thu xếp xong chỗ ở, rồi thu xếp một món tiền… Để rồi, chuyến du lịch trở nên xa xôi, xa xỉ, hoãn hủy vì những lý do chẳng đâu vào đâu.

“Đợi sống” đã thành thói quen, không dễ nhận ra nhưng phổ biến. Người đợi về hưu, sống nghỉ ngơi. Người đợi kiếm đủ tiền, sống hưởng thụ. Người đợi con lớn tự lập được, sống thảnh thơi… Những cuộc sống dự định đã được lập trình sẽ mở ra trên cái nền là một thời điểm, một biến động nào đó, thực chất là một niềm mong đợi. Về bản chất, vẫn là cái mơ ước nhỏ nhoi quanh quẩn của ông cha “Bao giờ cho đến tháng Mười/ Thổi nồi cơm nếp vừa cười vừa ăn”. Cái tháng Mười ấy có khi vụt qua chẳng nhận ra, ngẩng đầu lên đã thấy tháng Mười hai về trước cửa, hết một năm rồi...

Phụ nữ nói chung, hễ nhắc tới “sống cho mình” là cứ thấy có gì đó ích kỷ, thu vén riêng tư, nên ngại ngần, không muốn nói tới, không muốn nghĩ tới. Phải đợi thu vén, chăm sóc cho chồng con, cho người thân, cho gia đình xong hết đã, rồi mới tới phiên mình. Cuộc đời ngắn bởi cứ loay hoay ngày hôm nay đi chợ lúc nào, trưa nay ăn gì, tối nay ăn gì, con mình sao tháng rồi học đuối, may quá, lúc này đã đỡ hơn… Những chuyện của đàn bà, kể tên ra chẳng phải công chuyện gì to tát mà quanh quẩn hết ngày hết giờ. Những lúc dành riêng cho mình hiếm hoi, cũng là những lúc bần thần tự nhủ sao thời gian qua mau, sao những vết chân chim đã hằn lên nhanh thế.

Bao giờ mình sẽ sống cho mình? Câu hỏi ấy không dễ trả lời. Nhiều chị nói “tôi đang sống đây thôi, sống thực sự, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình!”. Nhưng cũng nhiều chị biết rằng, đàn bà, hễ đã chồng con, thì thời gian sống tính bằng thời gian của chồng của con ấy, không còn là thời gian cho mình nữa. Chẳng lẽ cứ phải dứt ra, đường ai nấy bước, thì mới là sống cho mình?

Nhưng thu xếp sao đây giữa việc nhà, việc cơ quan để còn thời gian cho mình, để làm được những điều mình muốn, mà không phải hẹn phải đợi, thì không phải ai cũng có thể. Nói: đừng đợi, hãy sống đi - dễ lắm. Nhưng làm được điều ấy, khó vô cùng.

Giữa những cột mốc của cuộc đời vẫn là chính cuộc đời. Đừng chia cuộc đời mình thành những đoạn đường, để rồi đứng ở mốc này và ngóng sang mốc khác. Cái tài thu xếp, vén khéo của người phụ nữ, xin hãy tự dành cho mình lấy một phần, thu xếp sao cho mình có cuộc sống của mình bên cạnh những thành viên khác trong gia đình.

Chẳng ai thu xếp giỏi bằng mình, nên cũng chẳng ai thu xếp cho mình, nếu tự mình không ý thức lấy, không sắp đặt lấy. Đừng đợi đến khi nào đó rồi mới sống, bởi có khi đến được đó thì mắt đã mờ, lưng đã đau, chân đã mỏi, mình chẳng còn đủ sức lực, tinh thần mà sống cái đời sống “để dành” ấy nữa đâu.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI