Diễn đàn "Sống cho mình từ tuổi nào?"

Bao giờ má mới hết khổ?

06/12/2020 - 16:56

PNO - Bà Tô Mẫn bên Trung Quốc trước đây khổ hay sướng hơn má tôi, tôi không rõ, nhưng chắc chắn những ngày sắp tới của bà sẽ thong dong, hạnh phúc.

Tôi đọc câu chuyện của người phụ nữ tên Tô Mẫn bên Trung Quốc mà nhớ tới má. Người phụ nữ 56 tuổi ấy đã kịp nhìn ra: phải sống cho mình bằng cách quẳng lại những gánh lo, thôi gồng mình phục vụ người khác.

Người phụ nữ ấy trước đây khổ hay sướng hơn má tôi, tôi không rõ, nhưng chắc chắn những ngày sắp tới của bà sẽ thong dong, hạnh phúc. Còn má tôi, bao giờ má mới thôi gánh gồng, thôi khổ? Bao giờ má tôi mới biết sống cho mình? Quả là câu hỏi không lời giải.

Năm nay má tôi 70 tuổi. Đông con và vất vả nên má tôi trông già hơn người ta. Nhiều lần tôi mua các loại đồ bổ cho má ăn để có sức. Tôi đi học xa, không tự đi chợ hay siêu thị mua các thứ được, tôi chuyển tiền nhờ vợ chồng đứa bạn thân ở quê rảnh đi mua dùm. Mỗi lần như vậy, má tôi có thể trữ trong tủ đông ăn dần đến cả một tuần.

Những dịp về quê thăm má, tôi tranh thủ đi chợ. Nói là mua thức ăn để đãi bạn nhưng thực chất là tôi muốn mà trữ nhiều món ăn dinh dưỡng. Thịt cá cứ làm sạch, chia phần, trái cây cứ để trong ngăn mát, ngoài ra là những sản phẩm tốt cho sức khỏe người già.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi nhớ mãi lần sau khi bạn mang đồ ăn về nhà giùm tôi, má gửi tin nhắn qua Viber: “Nho bạn con mua ngon quá, lần đầu má được ăn nho ngon vậy”. Chỉ là mấy trái nho ngon ngoại thôi, vậy mà hôm đó má rất vui.

Bởi vì niềm vui của má nào có nhiều đâu, má chẳng dám bỏ tiền mà mua thức ăn lạ hay món yêu thích. Ngày nào cũng có chuyện này chuyện nọ để má lo nghĩ, giải quyết. Nào là thằng cu Út ham chơi lêu lổng, có vợ con rồi mà còn cặp kè đàn đúm với mấy con nhỏ làm móng ở kế nhà xe.

Nào là "thằng anh bây" dạo này khốn khó nhưng đẻ chi mà đẻ lắm, giờ vợ bệnh con đau chăm không nổi phải đưa về má. Má nuôi gà nuôi vịt, trồng rau và cây ăn trái các loại nhưng chẳng mấy khi tuổi già được tận hưởng. Bao nhiêu là hoa lợi từ mảnh đất quê nhà với đôi tay má làm ra chẳng biết trôi về đâu mà lúc nào cũng thấy má túng thiếu, tiền con cái cho chẳng thấy má mang ra xài, cứ lâu lâu lại thấy má “inbox” nói khéo để xin.

Có lần về nhà tôi hỏi má: “Con hỏi thật má là má có lấy cho ai mượn không?”. Má chẳng trả lời, giận dỗi bước thẳng xuống nhà sau.

Năm nay má  đã già, tay chân má đã yếu lắm rồi (Ảnh minh họa)
Năm nay má đã già, tay chân má đã yếu lắm rồi (Ảnh minh họa)

Má năm nay tròn 70 tuổi. Mắt má đã mờ, tai má đã lãng đi, mỗi bước thấp bước cao lên xuống thềm nhà cũng cực nhọc. Vậy mà má đang nuôi một bà bầu và một phụ nữ có con nhỏ.

Hôm tôi về thăm nhà, má chỉ một đứa bé: “Con anh Tư mày đó”, rồi nói: “Con cho nhỏ Lan - vợ sau của thằng Út ở nhà mình nghen, nó đang mang thai”. Tôi nhìn má ngại ngần, định thốt: “Sao cứ gánh khổ cả một đời hoài vậy má”, nhưng tôi sợ má buồn, lại thôi.

Tìm hiểu mới biết, sau khi ly thân, vợ thằng Út đệ đơn ly dị giải thoát cuộc đời khốn khổ khỏi ông chồng lăng nhăng. Cô ấy xuất ngoại lấy chồng khác, con cái thì gửi lại cho bà nội, bà ngoại nuôi.  Sau khi vợ xuất cảnh, thằng Út đường đường chính chính đưa cô khác về sống cùng với má, không cưới hỏi. Má bật mí tụi nó cặp kè nhau từ lúc thằng Út chưa thôi vợ.

Mà đâu chỉ thằng Út làm bận lòng má, ông anh thứ Tư cũng lăng nhăng trai gái, rồi một ngày đẹp trời dẫn về giao cho má một người phụ nữ tay bồng đứa bé, tay dắt đứa lớn. Đứa bé còn đỏ hỏn trên tay trông giống anh Tư, còn đứa nhỏ đi lững thững bên chân người phụ nữ thì trông lạ lắm. Má bảo, nó là con riêng của vợ thằng Tư.

Có lần tôi tâm sự với người bạn, bạn tôi bảo, việc ôm hết trách nhiệm vào mình chưa chắc đã là khổ. Má tôi cũng như bao bà má khác, vì thương con mà gánh về mình những nỗi lo. Nhìn thì xót vậy thôi, chứ biết đâu đấy cũng là những niềm vui, hạnh phúc của tuổi già...

Trương Đoan Nguyên (Bà Rịa- Vũng Tàu)

Bạn đã được "sống như mơ ước", "sống cho ra sống" hay còn chịu những ẩn ức hôn nhân, những góc kẹt vì trách nhiệm và thiên chức?

Diễn đàn "Sống cho mình từ tuổi nào?" mời bạn gửi ý kiến chia sẻ về địa chỉ mail online@baophunu.org.vnCác bài được chọn đăng sẽ nhận nhuận bút của toà soạn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI