Bao giờ lương nhà giáo được xếp bậc cao nhất?

14/12/2023 - 16:27

PNO - Sáng 14/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Tại hội nghị, câu chuyện tiền lương của giáo viên lại một lần nữa được đưa ra.

Tại hội nghị tổng kết, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội - đề xuất bổ sung phần thực hiện chính sách về tiền lương cho nhà giáo, thực hiện đúng chủ trương ưu tiên xếp cao nhất về mức lương giáo viên. Đồng thời, đề xuất bổ sung nội dung thực hiện tự chủ tại các trường phổ thông công lập; ưu tiên dành quỹ đất sau khi di dời các cơ quan ra khỏi nội đô để xây dựng trường công lập. 

Về phía Bộ Nội vụ, ông đề xuất bộ cần nghiên cứu, điều chỉnh số lượng cấp phó tại các trường có quy mô lớn như trường liên cấp, trường có nhiều cấp học, trường trọng điểm và bổ sung biên chế tuyển dụng giáo viên, quy định vị trí việc làm, định mức giáo viên, không áp dụng giảm tối thiểu 10% biên chế đối với các cơ sở giáo dục.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM

Tán đồng quan điểm trên, ông Dương Xuân Huyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn - cũng cho biết, toàn tỉnh hiện thiếu 649 giáo viên so với định biên và 1.029 giáo viên so với định mức quy định nhưng công tác tuyển dụng rất khó khăn. Ông đề xuất Bộ GD-ĐT giao đủ số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập, theo tinh thần ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên để phù hợp với trường nhỏ lẻ ở khu vực miền núi. Đặc biệt, phải đảm bảo lương nhà giáo được ưu tiên, giúp giáo viên yên tâm gắn bó với nghề.

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc thừa nhận, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhiều nơi vẫn còn thiếu… Đặc biệt, lương của nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW. 

Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT đề xuất Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện trong thời gian tới là làm cho lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Đảm bảo ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước; khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo.

Trước đó, bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ - từng cho biết, tổng thu nhập của nhà giáo hiện nay gồm có tiền lương theo bậc chức danh nghề nghiệp, các loại phụ cấp lương cũng đã có cải thiện hơn so với các ngành, nghề khác. Tuy nhiên, so với tính chất đặc thù nhà giáo, thực tế vẫn còn thấp. Trong thời gian tới, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ theo Nghị quyết 27 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là quán triệt tinh thần Nghị quyết 29, đó là ưu tiên xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Ông Nguyễn Kim Sơn -Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tổng kết hội nghị
Ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu tổng kết hội nghị

 

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI