Bao giờ Hoành Sơn Quan “hồi sinh”?

06/01/2025 - 09:14

PNO - Chứng kiến Hải Vân Quan “hồi sinh” khi Đà Nẵng hợp tác với Huế cùng tu bổ, phục hồi để phát huy giá trị di tích, nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi đến Hoành Sơn Quan, mong chờ cái “bắt tay” tương tự giữa Hà Tĩnhvà Quảng Bình.

2 tỉnh cùng xếp hạng di tích

Cổng trời Hoành Sơn Quan được xây dựng từ năm 1833 trên đỉnh Đèo Ngang, với hệ thống tường thành bao quanh cánh cổng bằng gạch đá. Cổng của kiến trúc thành lũy này cao hơn 4m, trên cổng vòm hướng ra phía bắc có tấm biển khắc 3 chữ Hoành Sơn Quan bằng chữ Hán. Từ hướng Hà Tĩnh lên, cổng Hoành Sơn Quan hiện vẫn còn hàng trăm bậc thang bằng đá lên xuống, nay đã phủ kín rêu phong. Trải qua hàng trăm năm, nơi được mệnh danh là cổng trời này vẫn còn giữ được một phần kiến trúc thuở ban đầu của triều Nguyễn.

Cổng trời Hoành Sơn Quan trên đỉnh Đèo Ngang - ẢNH: HÙNG PHƯƠNG
Cổng trời Hoành Sơn Quan trên đỉnh Đèo Ngang - ẢNH: HÙNG PHƯƠNG

Trong lịch sử, Hoành Sơn Quan có vị trí chiến lược trên đường thiên lý Bắc - Nam. Đây là cửa ải quan trọng để kiểm soát đường đi vào kinh thành Huế từ phía bắc, còn Hải Vân Quan giữ vai trò kiểm soát từ phía nam.

Từ năm 2004, tuyến đường đèo dài hơn 6km uốn lượn quanh Đèo Ngang dần vắng phương tiện qua lại khi hầm đường bộ xuyên qua Đèo Ngang được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, dịp cuối tuần, những ngày nghỉ lễ, Hoành Sơn Quan thường có rất đông du khách lên tham quan, chụp ảnh.

Từ Hoành Sơn Quan nhìn về Quảng Bình hay Hà Tĩnh đều có thể chiêm ngưỡng được nhiều cảnh đẹp. Ngay dưới chân Đèo Ngang là đền Mẫu Liễu Hạnh - một trong những đền thờ nổi tiếng nhất tỉnh Quảng Bình. Mới đây, trong quá trình bảo tồn và chỉnh trang khu di tích đền Mẫu Liễu Hạnh, người dân bất ngờ phát hiện hệ thống bậc đá cổ với hơn 1.000 bậc, nối từ đền lên Hoành Sơn Quan. Đây được cho là dấu tích còn lại của con đường thiên lý Bắc - Nam xưa kia. Ông Trần Quang Trung - Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình - cho biết, địa phương đang lên kế hoạch khôi phục hiện trạng tuyến đường cổ này để phát triển du lịch.

Không chỉ là công trình có giá trị rất quan trọng trong lịch sử, Hoành Sơn Quan còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch - văn hóa. Song hiện di tích này đang xuống cấp do ít được trùng tu, bảo vệ đúng cách. Nhiều năm qua, di tích bị du khách, người dân xâm hại với các vết vẽ, chữ viết, chữ ký trên những bức tường ở cổng Hoành Sơn Quan; thậm chí lập am thờ trái phép trên khu vực di tích. Bà Trần Thị Thìn - Phó phòng Văn hóa thị xã Kỳ Anh - cho biết, trước thực trạng này, địa phương này đã phải cắt cử người bảo vệ, lắp đặt hệ thống camera, giám sát thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý.

Một trong những nguyên nhân khiến Hoành Sơn Quan có nguy cơ trở thành phế tích là do nhập nhằng trong phân định địa giới hành chính, phương thức quản lý. Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Quảng Bình nói: Hoành Sơn Quan từng thuộc địa giới Quảng Bình, nhưng theo đường phân thủy hiện tại thì di tích lại nằm trên đất Hà Tĩnh. Năm 2002, tỉnh Quảng Bình xếp hạng Hoành Sơn Quan là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; 3 năm sau, tỉnh Hà Tĩnh cũng xếp hạng công trình này là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Cả 2 địa phương này đều đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công nhận di tích quốc gia, song chưa được chấp thuận.

Chờ cái bắt tay lịch sử

Từ đó đến nay, Hoành Sơn Quan vô tình bị chia đôi, phía bắc do Hà Tĩnh quản lý, còn phía nam thuộc Quảng Bình. Ông Nguyễn Trí Sơn - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Tĩnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh - cho biết, Sở VH-TT-DL Hà Tĩnh và Sở VH-TT Quảng Bình đã từng làm việc với nhau để hướng tới chủ trương cùng nhau đề xuất xếp hạng di tích quốc gia cho Hoành Sơn Quan. Nhưng rồi kế hoạch này đã không thành.

Trải qua hàng trăm năm, Hoành Sơn Quan đã phủ kín rêu phong, xuống cấp cần được trùng tu - ẢNH: PHAN NGỌC
Trải qua hàng trăm năm, Hoành Sơn Quan đã phủ kín rêu phong, xuống cấp cần được trùng tu - ẢNH: PHAN NGỌC

Theo ông, Hoành Sơn Quan do vua Minh Mạng trực tiếp chỉ đạo xây dựng và theo ghi chép của sử sách thì đây là di sản văn hóa quốc gia, không thuộc sở hữu của Hà Tĩnh hay Quảng Bình. Căn cứ vào đường phân thủy của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2007, trên bản đồ ghi rõ Hoành Sơn Quan thuộc địa phận xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh. Vì vậy, tỉnh Hà Tĩnh giao cho địa phương bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Hoành Sơn Quan là đúng thẩm quyền và trách nhiệm theo Luật Di sản văn hóa. “Lâu nay nhiều người vẫn nói 2 tỉnh tranh chấp di tích là không đúng bản chất, bởi lẽ di tích nằm trên địa phận của mình thì mình phải khoanh vùng, bảo vệ” - ông Nguyễn Trí Sơn nói.

Ông cũng cho hay, từ năm 1994 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã khôi phục bậc đá cổ từ Quốc lộ 1 lên cổng di tích, lắp bảng giới thiệu, xây bậc thang… cho di tích Hoành Sơn Quan. Tuy nhiên, việc đầu tư, tu bổ này còn hạn chế. Trải qua thời gian dài trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cũng như ý thức của cộng đồng, di tích đã xuống cấp, cần trùng tu lớn. Từ sự “hồi sinh” của Hải Vân Quan, ông Nguyễn Trí Sơn kiến nghị lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn của Hà Tĩnh và Quảng Bình cần hợp tác và học hỏi kinh nghiệm của Đà Nẵng và Huế để thống nhất xây dựng hồ sơ trình Bộ VH-TT-DL công nhận di tích quốc gia, cùng khai thác theo hướng phát triển di sản văn hóa, phục vụ du lịch.

“Tôi cũng đã cung cấp các hồ sơ và đề xuất với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh sớm có kế hoạch làm việc với tỉnh Quảng Bình. Không chỉ sở hữu cảnh đẹp, Đèo Ngang còn từng là biên giới tự nhiên giữa Đại Việt và Champa. Hiện trên dãy Hoành Sơn còn phế tích Lũy Lâm Ấp của Champa có từ thế kỷ IV. Ngoài ra, còn rất nhiều câu chuyện lịch sử xung quanh di tích này. Thế nên nếu được tu bổ, cổng trời Hoành Sơn Quan có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch” - ông Nguyễn Trí Sơn nói.

Đến nay, việc làm hồ sơ trình Bộ VH-TT-DL công nhận Hoành Sơn Quan là di tích quốc gia vẫn tiếp tục phải chờ sự thống nhất giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI