Bao giờ hết tình trạng bỏ bê di tích?

01/08/2023 - 07:44

PNO - Nhiều di tích đã rơi vào tình trạng bị bỏ bê, xuống cấp, bị xâm hại. Đến khi người dân, báo chí lên tiếng, chính quyền địa phương mới vào cuộc.

Tháp Hòa Lai (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Người dân phản ánh: xung quanh di tích cỏ dại mọc um tùm, các lùm cây bao kín; nhiều mảng tường gạch mủn nát, cây dại che phủ; một số hộ dân biến nơi đây thành bãi rác, gây mùi hôi thối.

Sau khi có phản ánh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian tới UBND tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Hòa Lai, gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2030.

Di tích quốc gia Thành Hoàng Đế (thị xã An Nhơn, Bình Định) trong tình trạng nhếch nhác. Ảnh chụp vào tháng 2/2023 - Ảnh: Nguyễn Gia
Di tích quốc gia Thành Hoàng Đế (thị xã An Nhơn, Bình Định) trong tình trạng nhếch nhác. Ảnh chụp vào tháng 2/2023 - Ảnh: Nguyễn Gia

Cách đây vài tháng, di tích lịch sử cấp quốc gia Thành Cha (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) cũng bị phản ánh rác bủa vây, đất bên trong thành bị cày xới để trồng cây. Sau phản ánh, lãnh đạo địa phương mới thừa nhận một phần trách nhiệm trong việc quản lý, dẫn đến thực trạng trên. Trước đó không lâu, di tích lịch sử cấp quốc gia thành Hoàng Đế (thị xã An Nhơn, Bình Định) cũng bị người dân tự ý để ngổn ngang các loại cây cảnh, trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, gây mất mỹ quan.

Tình trạng này cũng từng xảy ra tại đền thờ Phúc Khê tướng công Nguyễn Văn Nghi (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), đình Hội Thống (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), di tích Núi Đọ huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa)...

Tại TPHCM, việc để xâm hại, làm mất dần di tích lò gốm Hưng Lợi (quận 8) vẫn được nhắc nhớ. Tháng 9/2022, toàn bộ khu vực di tích chỉ còn là mảnh đất trống cỏ mọc um tùm, người dân đốt rác bên trong. Bảng báo di tích bị xịt sơn trắng, không còn lưu lại dấu tích gì của di tích đã phát lộ sau cuộc khai quật năm 1997.

Trong một cuộc trao đổi, bà Nguyễn Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản TPHCM - cho rằng việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích đang đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt ở các địa phương xa. Trong đó, trình độ về quản lý, nhìn nhận và phát huy giá trị của chúng là điều đáng bàn.

Thực tế, ở nhiều vụ việc vừa qua, có thể thấy rõ sự thiếu trách nhiệm trong việc quản lý di tích từ cấp địa phương. Đến khi việc đã rồi mới bắt tay vào khắc phục thay vì chủ động bảo vệ, gây ra sự tốn kém cho ngân sách, hư hại di tích. Chưa kể, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên liên quan cũng là căn bệnh trầm kha.

Một số địa phương cho biết, việc bảo tồn di tích khó khăn do thiếu kinh phí. Có nơi nói do không có khách du lịch tham quan nên lâu ngày di tích thành ra hoang phế… Giá trị của các di tích vô cùng lớn, cần phải có sự đầu tư, chăm chút chứ không chỉ khai thác dựa vào những gì sẵn có. Nhiều di tích thiếu nhà vệ sinh, không được đầu tư chỉnh trang, cộng với tình trạng ô nhiễm, hoang tàn… Vắng khách là điều dễ hiểu.

Bao giờ mới thôi điệp khúc di tích bị bỏ bê, khiến dư luận bức xúc rồi chính quyền mới hứa hẹn vào cuộc chấn chỉnh, khắc phục? 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI