Bao giờ hết nạn đạo thơ?

17/01/2018 - 07:35

PNO - Đạo thơ, dù sớm hay muộn, dưới dạng thức nào, cũng sẽ bị phát hiện. Đó cũng là cách nhanh nhất tự dìm mình xuống, tiếng xấu để đời.

Đạo thơ, dù sớm hay muộn, dưới dạng thức nào, cũng sẽ bị phát hiện. Đó cũng là cách nhanh nhất tự dìm mình xuống, tiếng xấu để đời.

Đến thời điểm này, nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long cũng chưa lên tiếng gì với báo chí sau khi bị cáo buộc đạo thơ. Trang Facebook cá nhân của chị hiện đang tạm khóa, điện thoại thì không liên lạc được. Nhà văn Trần Nhã Thụy - Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà văn TP.HCM - cho biết nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long đã có văn bản giải trình gửi lên hội.

Bao gio het nan dao tho?

Khúc thiếu phụKhúc dịu buồn - Nắng gió cao nguyên giống nhau đến từng câu chữ

Nghi án tác phẩm Những ký âm ngân đạo thơ của nhà thơ Lê Huy Mậu được cho là không có cơ sở khẳng định. Nhưng đến bài Khúc dịu buồn - Nắng gió cao nguyên, theo kết luận từ Ban Kiểm tra thì “hành vi đạo thơ khá rõ ràng”.

Tuy nhiên, bài thơ này không có trong tập thơ được tặng thưởng, chỉ được đăng trên Facebook của nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long vào ngày 11/8/2015. Sau đó, website trannhuong.com đăng lại và bị phát hiện sao chép nguyên mẫu nhiều câu, đoạn trong bài Khúc thiếu phụ của tác giả Thy Minh (in trong tập Mắt hoàng hôn, 2010), hiện đang tu hành, sinh sống tại Canada.

Nhà văn Nguyên Hùng - người đã phát hiện và gửi chứng cứ vụ việc lên Hội Nhà văn TP.HCM - cho biết nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long từng có lời xin lỗi tác giả Thy Minh và nhờ gỡ bài khỏi trang web của nhà văn Trần Nhương vào thời điểm đăng tải.

Khi Những ký âm ngân được trao tặng thưởng, vụ đạo thơ này đã được xới lại. Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long cũng vừa gửi thư xin rút khỏi giải thưởng năm nay - động thái được cho là chỉ giúp tránh cho giải thưởng vốn đang quá lùm xùm bớt chút lùm xùm, còn không thể tránh được tai tiếng cá nhân.

Một tình tiết bất ngờ khác, được nhà văn Trần Nhã Thụy tiết lộ: “Có một tác giả hiện sinh sống tại Phú Thọ (là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ) lấy danh dự mình ra để đảm bảo rằng bài Người đàn bà thơ là do người đó sáng tác, sau đó có tặng cho cả Thy Minh và Nguyễn Thị Thanh Long”. Vụ việc vẫn còn đang tiếp tục được Hội Nhà văn TP.HCM thẩm tra.

Xem ra, vụ đạo thơ còn chưa dừng lại. Nhưng cho dù thế nào, đó vẫn là vết ố khó gột rửa với danh dự của người làm thơ, vết nhơ trên văn đàn vốn có không ít điều tiếng. Trong rất nhiều vụ đạo thơ từng xảy ra, người bị đạo tác phẩm cũng chỉ cần một lời xin lỗi chính thức rồi sẽ rộng lòng cho qua. Mọi vụ “đạo” bị phát hiện đều kết thúc bằng những trao đổi, thỏa thuận bằng tình cảm của những người cầm bút, không ai phải chịu “hình phạt” hay “chế tài” nào cả.

Dư luận có quyền phán xét, công chúng rồi cũng sẽ lãng quên. Nhưng vụ việc lần này là lời cảnh tỉnh một lần nữa cho tất cả những người cầm bút. Đạo thơ, dù sớm hay muộn, dưới dạng thức nào, cũng sẽ bị phát hiện. Đó cũng là cách nhanh nhất tự dìm mình xuống, tiếng xấu để đời. 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI