Bao giờ dân hết nỗi lo biển “nuốt” nhà?

28/10/2022 - 07:08

PNO - Bờ biển Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị bị sạt lở nhiều nơi với chiều dài hơn 20km, hàng ngàn hộ dân đối mặt với nguy cơ mất đất, mất nhà.

Sau bão số 5, bờ biển hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị bị sạt lở nhiều nơi với chiều dài hơn 20km, hàng ngàn hộ dân đang đối mặt với nguy cơ mất đất, mất nhà. Trong khi nguồn lực để giúp địa phương làm kè, đê chắn sóng ven biển hiện rất khó khăn.

Đường sá, nhà cửa, hàng quán bị… hà bá nuốt

Những ngày này, người dân thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải, H.Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) như ngồi trên đống lửa khi “phải gánh” trong lòng hai nỗi sợ.

Hàng quán của người dân thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị sóng biển đánh sập - ẢNH: THUẬN HÓA
Hàng quán của người dân thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh (Quảng Trị) bị sóng biển đánh sập - Ảnh: Thuận Hóa

Đầu tiên là khu vực biển xâm thực đã mở ra một con lạch mới có chiều dài 60m, nước biển ồ ạt chảy vào khu ruộng rộng hơn 100ha chuyên nuôi trồng hải sản của dân. Kế đến là tính mạng của bà con sinh sống gần khu vực biển đang bị đe dọa từng ngày. Nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời, nơi đây có nguy cơ sẽ hình thành một cửa biển mới, uy hiếp trực tiếp đến 2.000 hộ dân đang sinh sống tại khu vực.

Nói như lời ông Lê Bền (45 tuổi, người dân thôn Mỹ Cảnh): “Mùa hè biển ở đây hiền hòa, dịu êm, nhưng hễ đến mùa mưa bão là dân làng lại lo sốt vó, vì biển xâm thực ngày mỗi nhiều. Bà con đầu tư tiền tỷ nuôi trồng hải sản trên diện tích hơn 100ha gần bờ, nay phải trắng tay. Họa sắp tới rồi”.

Theo quan sát của chúng tôi, bờ biển xã Giang Hải H.Phú Lộc sau bão số 5 bị ăn sâu vào đất liền từ 5 - 7m. Nước biển xé toang dải cát và rừng phi lao phòng hộ ven bờ, cát biển lùa vào vùi lấp đồng ruộng, ao hồ của dân. Tình trạng xâm thực đất nông nghiệp đã xuất hiện tại đây nhiều năm qua và nay ảnh hưởng của cơn bão số 5 càng thêm nghiêm trọng.

Đặc biệt, sóng biển dâng cao hơn 4m làm vỡ tuyến đê biển ở thôn Mỹ Cảnh, hệ thống cột điện trên tuyến đường dọc biển nối xã Giang Hải với xã Vinh Mỹ, H.Phú Lộc cũng đổ ngổn ngang. Tại xã Lộc Vĩnh, trong đêm 19/10, hơn 20 hàng quán sát biển đã bị sóng lớn cùng triều cường bất thường cuốn mất.

Còn ở xã Phú Thuận, H.Phú Vang, chính quyền đang khẩn trương cùng lực lượng công an xã, Hải đội 2 (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh) bố trí nhiều phương tiện máy móc phối hợp cùng người dân địa phương khẩn trương thực hiện đắp bao cát, rọ đá tại điểm sạt lở bờ biển ở thôn An Dương 1. Bà con ở đây cho biết: Rừng phi lao 20 năm tuổi đã bị… nuốt gọn, nhiều đoạn sạt lở ăn sâu vào bờ từ 10 - 15m, dài 300m, tạo ra nhiều hàm ếch nguy hiểm.

Tại Quảng Trị, tình hình cũng tương tự. Triều cường dâng cao trong mấy ngày qua đã gây sạt lở nặng tại bờ biển thôn Đông Luật, xã Vĩnh Thái, H.Vĩnh Linh, kéo sập nhiều hàng quán của bà con. Bà Trần Thị Thu - một hộ kinh doanh tại đây - nói: “Tôi kinh doanh ở đây hơn 20 năm, chưa khi nào thấy sóng to hơn 7m như năm nay. Hôm 19/10, sóng lớn ập vào làm trơ cả móng, tường nhà đổ sập. Mong chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục giúp bà con kinh doanh ở đây sớm ổn định”.

Dọc bờ biển xã Vĩnh Thái, triều cường xâm thực, gây sạt lở nặng với khoảng 150m chiều dài và sâu vào đất liền hơn 10m. “Điều kiện xã rất khó khăn, không đủ nguồn lực để làm kè bảo vệ. Đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí làm kè chống xói lở bảo vệ bờ biển khu vực này” - ông Nguyễn Hữu Trường - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái - ý kiến.

Cần hỗ trợ khẩn cấp

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, hiện tuyến bờ biển qua địa bàn các thôn An Dương 1, Xuân An, Tân An vốn đã bị sạt lở nay càng nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng thiên tai.

Chiều dài bờ biển bị xâm thực hơn 500m, ăn sâu vào đất liền 20m. “Ngoài đắp bờ kè tạm, về lâu dài, chính quyền địa phương và người dân rất mong các cấp bộ ngành trung ương tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án xây kè chắn sóng kiên cố tại các điểm sạt lở. Việc bố trí quỹ đất và hỗ trợ xây nhà tái định cư cho hơn 100 hộ dân ảnh hưởng trực tiếp, vượt quá khả năng của xã” - ông Đặng Tiến Tùy đề xuất.

Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 12,4km bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, tài sản của hơn 10.000 hộ dân sinh sống ở khu vực giáp bờ biển. Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, tình hình rất nghiêm trọng, nên mới đây ban đã kiến nghị UBND tỉnh đề xuất trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện các dự án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, nâng cấp an toàn hồ chứa, di dời khẩn cấp 123 hộ.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI