Bao giờ con mới đến tuổi trưởng thành cho mẹ thoát cảnh đòi nợ?

07/08/2018 - 12:30

PNO - Cuộc ly hôn và cấp dưỡng của tôi mới chỉ một năm, tôi không biết những tháng ngày tới, cho đến khi 2 con đủ 18 tuổi, tôi và cha chúng sẽ còn bao nhiêu tin nhắn dằn vặt, hậm hực nhau vì khoản tiền này.

Đọc những bài viết trên quý báo những ngày qua về việc chu cấp nuôi con sau ly hôn, tôi thấy đúng là chua xót. Câu chuyện của tôi cũng tương tự vậy, nhưng có lẽ may mắn hơn nhiều chị em khác, là kiên nhẫn đòi, thì nợ cũng được trả, dẫu không đủ nhưng còn hơn quỵt hẳn.

Tôi ở TP. HCM. Chúng tôi chia tay đã hơn 1 năm. Ra tòa, chồng tôi, người sắp sửa thành chồng cũ, là cha của hai đứa con tôi nói sẽ chu cấp cho hai con theo luật sau khi khen tôi khéo léo, biết vun vén và có thể nuôi dạy hai con chu đáo. Mức chu cấp là sáu triệu đồng một tháng cho hai đứa trẻ, vị chi mỗi đứa ba triệu.

Tôi không đồng ý, đã quá rõ tính nết của ông chồng dù chưa đến mức "đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành" nên tôi đã lên bảng kế hoạch chi tiêu chi tiết. Hai con tôi, một đứa đang học lớp 9, một lớp 6, lứa tuổi tốn kém rất nhiền khoản cho việc học thêm. Tiền học tại trường thôi một kỳ đã là ba triệu, trung bình sáu trăm một tháng, thêm sáu trăm tiền bán trú, mỗi đứa học thêm ba môn, mỗi môn ba trăm rưỡi, làm tròn là một triệu. Tính sơ sơ tiền học mỗi đứa đã hai triệu hai, chưa kể tiền ăn uống, quần áo, đóng góp này kia hoặc khi ốm đau bệnh tật.

Tôi đề nghị mỗi tháng bốn triệu cho một đứa, sau gần nửa tiếng phân bua thanh minh giải thích, cuối cùng anh ta cũng đồng ý. Tôi cũng giao hẹn thêm là phải chuyển đủ trước ngày mười hàng tháng.

Bao gio con moi den tuoi truong thanh cho me thoat canh doi no?
Ảnh minh họa

Tháng thứ nhất, ngày hai, điện thoại tin tít báo tin có hai triệu chuyển đến, nội dung là "tiền chu cấp cho con tháng..., lần 1", tôi gọi điện hỏi, anh ta nói đang khó khăn, ngày năm mới lấy lương, còn kể khổ là phải thuê nhà trọ, mua sắm này kia. Tôi cười khẩy, đi tìm cô ta mà than. Tôi quên chưa nói, lý do tôi làm đơn ly hôn là vì anh ta có người đàn bà khác. Ai có thể chung chồng nhưng tôi thì không.

Ngày sáu, lại tin nhắn báo có hai triệu, anh ta chủ động nhắn tin giải thích, rằng đang kẹt, còn nói tôi đã làm gì hết ngay số tiền ấy, nên gửi muộn mấy ngày có sao. Tôi nhắn tin trả lời, không phải bây giờ anh mới kẹt, mà anh kẹt lâu rồi, với người đàn bà kia.

Tin nhắn báo hai triệu đến sau đó... hai mươi ngày, từ đó cho hết tháng không thấy thêm lần nào nữa. Kiên nhẫn chờ đến hết tháng, tôi gọi điện đòi, anh ta giở giọng cùn nói "hiện giờ tôi không có, có giết có chém cũng không có!". Tôi giết hay chém anh ta làm gì, đành ấm ức cúp máy.

Tháng thứ hai có vẻ khá hơn khi lần đầu anh ta chuyển ngay năm triệu. Đã quen với kiểu lắt nhắt nên tôi không thèm chất vấn. Tôi còn phải sống, phải làm việc và lo cho hai đứa trẻ, tôi đâu thể hàng ngày ngồi ngóng tiền vào tài khoản và đi nhắn tin đòi nỡ mãi được. Được cái, anh ta vẫn đến thăm con tháng hai lần.

Tháng thứ hai dừng ở năm triệu, tháng thứ ba cũng chỉ có thế, nghĩa là mới ba tháng sau ly hôn, anh ta đã nợ hai đứa trẻ một tháng chu cấp, trong khi tôi một mình sấp ngửa với hai con. Tháng này con gái nhỏ lại bị sốt siêu vi nằm viện cả tuần.

Tôi gọi điện thông báo việc con bệnh nhân tiện nhắc anh chuyển khoản, anh ta thản nhiên, "con là con chung, cô nuôi con, tôi phụ tiền nuôi dưỡng, cô cũng đi làm có lương mà, đâu thể trông chờ vào mình tiền tôi?". Tôi tức giận nói có cần tôi gửi bảng chi tiêu cụ thể hàng tháng cho anh xem không, một bữa nhậu của anh hết bao nhiêu, cái túi xách của bạn gái anh giá bao nhiêu, một đôi giày ả mang có đủ cho con anh sống nửa tháng không? Thấy tôi lớn tiếng, anh ta mới xuống giọng nói tôi cứ lo cho con, anh ta sẽ thu xếp gửi thêm. 

Bao gio con moi den tuoi truong thanh cho me thoat canh doi no?
Ảnh minh họa

Những tưởng "hết nước hết cái" thế anh ta sẽ biết ý mà làm đúng cam kết, nhưng tháng sau cũng chỉ có sáu triệu không hơn, tháng sau nữa cũng thế, và lý do anh ta đưa ra là anh ta giữ lại hai triệu để đưa hai đứa con đi ăn và mua gì đó cho chúng nó. Tôi bật cười, hóa ra tháng hai lần con được ba ruột đưa đi ăn, hai bữa ăn cho hai đứa trẻ mà mất hai triệu!

Tôi không đồng ý, nói tiền phải gửi đủ, còn anh đến thăm con là việc của anh, hoặc không cần thăm cũng được. Anh ta hừ mũi, giở giọng nhầy: "Nếu thế từ tháng sau tôi không gửi đồng nào nữa xem mẹ con cô sống sao, cô đi kiện đi, kiện đến đâu tôi hầu đến đấy!"

Và anh ta làm vậy thật, giữa thành phố đắt đỏ, tôi không thể lo cho hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn với mức lương chưa đầy chục triệu của mình, anh ta còn thách thức "không nuôi nổi con thì mang nó sang tôi nuôi, đừng lấy con làm áp lực với tôi!". Anh ta biết người đàn bà như tôi chỉ còn con là tài sản quý giá nhất, tôi suýt gửi đơn nhờ tòa án can thiệp nếu tin nhắn không kịp thời đến, báo tin có năm triệu vừa chuyển vào tài khoản.

Cứ thế, tôi nhận tiền chu cấp mà quá bố thí, vui thì anh ta chuyển, buồn thì thôi, kiểu ưng cho sao thì cho. Sau những cãi vã tranh luận, tôi cũng đã mệt mỏi. Tôi ngày ngày sấp ngửa đi làm, lại sáng đưa chiều đón hai con, hết lớp nọ đến lớp kia tất tả ngoài đường đến tám chín giờ tối mẹ con mới về đến nhà. Trong khi đó anh ta thong dong nhàn nhã bên nhân tình và buông những lời đe dọa cùng dè bỉu, tôi phải kiềm chế để không tỏ vẻ gì trước mặt hai con, để chúng thấy chúng vẫn được ba mẹ quan tâm chăm sóc.

Chu cấp là bổn phận của người làm cha, tôi đâu phải ăn xin ăn mày mà phải chịu nhục, đôi lần tôi muốn đưa con cho anh ta nuôi, tôi sống một mình cho khỏe thân nhưng tôi không làm được, hoặc hai đứa con chia đôi mỗi người một đứa, lại thương anh em bị chia cắt. Đàn bà vốn nặng lòng cả nghĩ hơn đàn ông, tôi còn biết làm gì ngoài chấp nhận sự chu cấp nhỏ giọt tùy hứng.

Cuộc ly hôn và cấp dưỡng của tôi mới chỉ một năm, tôi không biết những tháng ngày tới, cho đến khi 2 con đủ 18 tuổi, tôi và cha chúng sẽ còn bao nhiêu tin nhắn dằn vặt, hậm hực nhau vì khoản tiền này. Tôi cũng không biết lòng kiên nhẫn, chịu đựng của mình sẽ đến đâu nhưng dẫu sao tôi vẫn tự an ủi mình, so với một số bạn bè và nhiều bạn đọc đang làm mẹ đơn thân mà không nhận được nửa xu chu cấp, ngẫm ra tôi cũng còn may chán.

Phương Minh

Có người mẹ đơn thân, một nách nuôi hai con, nhiều ngày liền một mình đứng trước cửa nhà người chồng cũ để hỏi về tiền cấp dưỡng. Cửa vẫn đóng bặt, không thể liên lạc được, trong khi những chi phí từ việc nuôi con như hứa hẹn trước đó trước tòa hoàn toàn là một con số không tròn trĩnh.

Một người mẹ kể, "năm lần bảy lượt nhắn tin gọi điện, anh ta còn trả lời đầy thách thức: “Đã hiểu là không có tao thì mẹ con mày cạp đất mà ăn chưa?”

Những câu chuyện đau lòng chỉ người trong cuộc mới hiểu. Chúng tôi mở diễn đàn bàn luận về vấn đề này, mời bạn chia sẻ quan điểm, câu chuyện của mình, gởi bài qua email tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn. Những bài viết tiêu biểu sẽ đăng tải lên chuyên mục phần nào xoa dịu nỗi lòng những người đồng cảnh ngộ, phần nào hi vọng giúp các nhà làm luật có động lực có thể cải tiến các chế tài mạnh hơn trong việc thực thi nghĩa vụ này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI