"Bao giờ chủ tịch tỉnh đi công tác vẫn xử lý được công việc ở nhà mới là chính quyền điện tử"

26/08/2020 - 19:22

PNO - Chiều 26/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử các bộ ngành và ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành.

Tại hội nghị, nhiều bộ, ngành và địa phương đã thông tin về kết quả vượt bậc trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử. Văn phòng Chính phủ cho biết, sau 8 tháng hoạt động, đến nay Cổng dịch vụ Công quốc gia đã cung cấp 1.039 dịch vụ công trực tuyến/6.842 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Song song, nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp với trên 60 triệu lượt truy cập, trên 235.000 tài khoản đăng ký...

Đánh giá chung, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tuy việc triển khai, xây dựng Chính phủ điện tử có nhiều tiến bộ, cố gắng, có nhiều cách làm mới nhưng so với thế giới, nước ta vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử vẫn giậm chân tại chỗ
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử vẫn giậm chân tại chỗ

“Chìa khóa cuối cùng nhắc đi nhắc lại mãi vẫn chưa tiến bộ được nhiều” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đồng thời phân tích “chìa khóa” này chính là các sở, ngành, địa phương phải có sự đột phá về thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ hoàn toàn bằng máy tính.

Dẫn chứng vẫn còn nhiều lãnh đạo không thể xử lý công việc khi vắng mặt, trong đó có nhiều bộ, tỉnh; ông Đam nói: “Bao giờ chủ tịch tỉnh đi công tác vô tư, thoải mái, đi đâu cũng được kể cả ra nước ngoài mà vẫn xử lý được công việc ở nhà trên máy thì mới xem là được”.

Khẳng định tin học đã rất phát triển, nhưng khâu chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các bộ ngành, địa phương vẫn chưa liên thông, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ “đứng ra” chỉ đạo bằng văn bản đối với nội dung này, sao cho dứt khoát phải có sự chia sẻ dữ liệu dùng chung được.

Ông Đam tiếp tục cho hay, có những vấn đề ông hỏi không ai nắm được gì, thậm chí hỏi lấy thông tin này ở đâu cũng không ai biết. “Một ví dụ rất thật, đó là biên chế giáo viên một thời gian dài mấy chục năm không ai quản lý, hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo thì bộ này đổ cho Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ đổ tiếp cho các tỉnh”.

Từ năm 2017, TPHCM đã từng bước chuyển biến về tỷ lệ người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến: năm 2017 là 32%, năm 2018 là 41% và năm 2019 là 56%
Từ năm 2017, TPHCM đã từng bước chuyển biến về tỷ lệ người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến: năm 2017 là 32%, năm 2018 là 41% và năm 2019 là 56%

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc xây dựng Chính phủ điện tử là vấn đề lớn, thúc bách để đưa đất nước phát triển nhưng thời gian qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử làm quá ì ạch, thời gian gần đây mới có tiến bộ.

Theo Thủ tướng, có nhiều tồn tại cần phải khắc phục triệt để như xây dựng hoàn thiện thể chế Chính quyền điện tử, hoàn thiện môi trường pháp lý; phát huy tối đa hạ tầng công nghệ số, cải thiện tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ít nhất đạt mục tiêu 30%...

Tại hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc chi ngân sách cho các địa phương dành cho công nghệ thông tin trung bình chỉ khoảng 0,3%; đồng thời đề xuất, con số này phải tăng lên ít nhất 1%.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI