Bao giờ cho đến... ngày xưa?

15/04/2018 - 07:00

PNO - Thời gian gần đây, những sự kiện đáng tiếc dồn dập xảy ra khiến bức tranh giáo dục ngày càng xấu đi.

Tuần này, chuyện về một cô giáo chẳng như mẹ hiền ở Trường mầm non 30-4, Q.1, TP.HCM đã góp thêm gam màu xám cho ngành giáo dục nước nhà.

Buồn thay, những mảng xám này hiện diện ở mọi cấp độ. May là đích thân Thủ tướng chỉ đạo rà soát nên kịp thời ngăn chặn danh vị cao cả giáo sư, phó giáo sư suýt nữa đã được trao cho hàng chục người không đạt chuẩn.

Bao gio cho den... ngay xua?

Bé gái bị cô giáo bắt bưng tô cơm đứng ăn một mình ở trường Mầm non 30-4, TP.HCM

Đấy là chưa nói đến những người chỉ đạt chuẩn một cách hình thức, cũng chưa nói đến chuyện ngay cái chuẩn để xét phong giáo sư, phó giáo sư nước ta cũng chưa tiệm cận với chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới. 

Chương trình học thử nghiệm, thí điểm nối nhau biến nhà trường thành phòng thí nghiệm, học sinh trở thành đàn chuột bạch hết thế hệ này đến thế hệ khác. Chế độ thi cử, chính sách tuyển sinh mỗi năm mỗi đổi như trò chơi bông vụ, chất lượng giáo dục luôn là dấu chấm than.

Ở cấp trung, có tỉnh hàng trăm giáo viên đột nhiên mất việc. Giá một suất biên chế giáo viên lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ở cấp vi mô, trò đâm thầy, phụ huynh vào trường bắt cô giáo quỳ gối, cô bắt trò uống nước bẩn, ba tháng liền lên lớp không giảng bài - cô vẫn đều đều đến lớp.

Quan hệ thầy - trò, phụ huynh - nhà trường, trò với trò ngày càng xấu đi nghiêm trọng, kéo theo sự xuống cấp về trí dục song hành với sự suy đồi về đức dục.

Sau những sự cố đau lòng ấy, người ta ít nghe thấy tiếng nói trách nhiệm của vị đứng đầu ngành, cách xử lý của các cấp có trách nhiệm thì lúng ta lúng túng. Mức độ, cách thức xử lý sai phạm chưa nghiêm. Những thầy cô thiếu mẫu mực vẫn đứng trên bục giảng; những cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm vẫn loanh quanh đâu đó trong môi trường giáo dục. 

Ai phải chịu trách nhiệm về bức tranh xám xịt này? Nguyên nhân, tác nhân khó thể liệt kê ra hết nhưng chịu trách nhiệm cao nhất chính là lãnh đạo ngành. Các nhiệm kỳ gần đây, người dân ngày càng thất vọng trước dấu ấn của những vị tư lệnh giáo dục hầu như chỉ có những khẩu hiệu rất kêu, cùng những dự án tốn kém, không hiệu quả. 

Trước đây chúng ta từng có hai vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục đặc biệt: bộ trưởng Hoàng Xuân Hãn và bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, cả hai đều để lại những dấu ấn không phai cho nền giáo dục nước nhà.

Đất nước ta có 1.000 năm học hành thi cử bằng chữ Hán, 100 năm “Pháp thuộc” từ chương trình học đến ngôn ngữ, nhưng chỉ trong hai tháng (từ ngày 20/4 đến ngày 20/6/1945), với chức Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật, ông Hãn đã thiết lập, ban hành chương trình giáo dục bằng chữ quốc ngữ. Chương trình Hoàng Xuân Hãn ấy một thời gian dài được áp dụng ở một số vùng và là tiền đề quan trọng của những chương trình giáo dục sau này. 

Khác với ông Hãn chỉ giữ chức vụ trong 4 tháng, ông Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục đến 29 năm. Ngành giáo dục thời điểm ông Huyên lãnh đạo đã cung cấp cho đất nước bao thế hệ trí thức ưu tú trên mọi lĩnh vực.

Cả ông Hãn, ông Huyên đều có nhiều điểm tương đồng là học vị rất cao nhưng không chọn đường làm quan thênh thang mở rộng, mà chọn nghề giáo và nghiên cứu. Trước khi được bổ nhiệm, họ đều có nhiều công trình tâm huyết mang giá trị học thuật cao. Ông Hãn viết nhiều sách, đặc biệt là Giáo trình Lượng giác bằng tiếng Việt và cuốn Danh từ khoa học, bộ từ điển tiếng Việt về khoa học đầu tiên làm cơ sở để Việt hóa chương trình học sau này. Ông Huyên - vị tiến sĩ người Việt đầu tiên của Đại học Sorbonne - cũng không chịu làm quan mà chọn làm thầy, sau đó bỏ cả sự nghiệp công chức để tham gia Hội Truyền bá quốc ngữ.

Một trong nhũng công trình nghiên cứu quan trọng của ông là “Những vấn đề của nông dân ở Bắc kỳ”. Từ tư liệu sống động thu thập trong các cuộc điền dã dân tộc học và điều tra xã hội học, ông phân tích tình trạng cơ cực của nông dân, chỉ rõ những yếu kém của chính quyền đương thời. Trong đó ông nhấn mạnh nếu không có giáo dục, nông dân sẽ chẳng xây dựng được gì vững chắc. 

Học giỏi, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục thể hiện bằng công việc, bằng những công trình nghiên cứu, hai vị bộ trưởng này đã không buộc học trò làm xiếc với các dự án không tưởng, mà như những ngọn hải đăng dẫn đường bao thế hệ học trò đi đến bến bờ tri thức, đạo đức.

Ngành giáo dục hôm nay, bao giờ cho được như xưa? 

Lê Anh Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI