Bao giờ bố có thời gian?

16/10/2018 - 15:00

PNO - Con gái của anh bất ngờ hỏi: “Công việc của bố quan trọng lắm à? Sao bố cứ như không phải người nhà mình thế?”. Câu hỏi quá đỗi ngây thơ nhưng làm anh chột dạ.

Anh về muộn, thấy mâm cơm chuẩn bị sẵn trên bàn ăn, vợ ngồi bên hai đứa con kèm chúng học. Thấy bố về, hai đứa nhỏ ào ra ríu rít. Vợ anh đứng lên, hâm lại đồ ăn. Ba mẹ con giải lao một chút bên mâm cơm cùng với bố rồi lại yên vị bên bàn đầy sách vở. Nhà còn mình anh hình như lệch ra ngoài nhịp sinh hoạt ban ngày lẫn buổi tối. Anh thấy có gì đó là lạ.

Mọi khi mỗi lần anh về muộn là vợ lại cau có cằn nhằn, hoặc cô ấy tức giận trong yên lặng. Nhưng những ngày gần đây anh cảm thấy vợ khang khác, thay đổi rất nhiều. Cô ấy không chờ cơm, không cằn nhằn. Việc nhà, việc chăm sóc con, cô ấy lẳng lặng làm như thường, và không thông báo hay càm ràm chồng nữa.

Anh, vẫn giữ nguyên lịch trình sống như cũ, bao nhiêu thời gian gần như dành hết cho công việc. Anh cho rằng đàn ông phải làm việc lớn, phấn đấu có sự nghiệp cho riêng mình.

Bao gio bo co thoi gian?
Anh cho rằng đàn ông phải làm việc lớn, phấn đấu có sự nghiệp cho riêng mình. Ảnh minh họa

Thực ra tổ ấm nhỏ của hai người có khá nhiều nhu cầu. Nguyên lương của vợ, của chồng chỉ dừng lại ở mức vừa phải, không dư giả nhưng cũng chẳng đến nỗi thiếu hụt. Vợ muốn anh dành nhiều thời gian cho con hơn. Anh lại muốn chăm chút cho sự nghiệp. Những mối quan hệ, giao tế bên ngoài cứ thế cuốn anh đi. Tranh luận, cãi nhau, rồi cuối cùng vẫn việc ai nấy làm. Lời hứa của anh với hai đứa nhỏ luôn là “bao giờ có thời gian, bố sẽ đưa cả nhà mình đi nghỉ”. Nhưng bao giờ là bao giờ? Những cuộc điện thoại bất ngờ, những công việc đột xuất, những lần tiếp đối tác cần anh có mặt. Những dự án luôn luốn kéo anh ngược phía gia đình. Đàn ông phải thế... câu cửa miệng ấy của anh luôn khiến vợ thở dài.

Thói thường, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Anh nghĩ thế khi nhận thấy vợ dần thay đổi. Không còn nặng nhẹ với chồng. Vẫn nhẹ nhàng chu đáo, vẫn đầy đủ sự chăm lo cho gia đình. Nhưng có vẻ như vợ chủ động về mọi chuyện. Con học đâu, đi đâu, giờ nào đón, giờ nào đưa. Vợ bận việc thì nhờ bà ngoại. Thậm chí ba mẹ con còn tự đặt vé đi chơi cùng mọi người mà không có anh. Lý giải của cô ấy là: “Chờ anh biết đến bao giờ, mà con cái thì chỉ gần bố mẹ vài năm nữa thôi. Tuổi dậy thì nó đâu còn gần mình như giờ nữa...”. Bận việc, anh tặc lưỡi kệ. Thôi thì vợ con làm gì thoải mái tinh thần là được. Anh nghĩ mình chỉ cần ngồi được vào ghế trưởng phòng thôi thì sẽ cố gắng sắp xếp lại thời gian cho gia đình.

Bao gio bo co thoi gian?
Rảnh rỗi, cuối tuần ba mẹ con lại hào hứng lên kế hoạch ra khỏi nội thành chật hẹp. Ảnh minh họa.

Nhưng vợ anh đâu có đi chơi một - hai chuyến, cứ rảnh rỗi là cuối tuần ba mẹ con lại hào hứng lên kế hoạch ra khỏi nội thành chật hẹp. Khi đi cùng gia đình này, khi đi cùng người anh em nọ. Đám trẻ cực kì háo hức. Còn anh, vẫn như người ngoài lề của nhịp sống ấy. Anh đi công tác chục ngày, vợ con vẫn nhịp sống ấy. Anh trở về nhà, nhịp sống của vợ con vẫn không thay đổi gì. Có chăng là chuẩn bị thêm mâm cơm để dành sau đó cho anh về ăn sau.

Mới đầu cảm giác vợ không còn bị quản lý, nhắc nhở thật thoải mái. Còn gì hơn sự tự do tuyệt đối, còn gì hơn mình thích làm gì cũng được? Nhưng chỉ được một thời gian, anh cảm giác có gì đó không ổn. Hai vợ chồng ít nói chuyện, chia sẻ với nhau. Giữa họ khoảng trống cứ rộng ra mãi. Dần dần thấy nhàn nhạt cả sự yêu thương. Nhưng anh biết sắp xếp thế nào khi chính mình bị công việc cuốn vào vòng xoáy của nó? Chính con gái của anh cũng bất ngờ hỏi: “Công việc của bố quan trọng lắm à? Sao bố cứ như không phải người nhà mình thế?”. Câu hỏi quá đỗi ngây thơ mà làm anh chột dạ. Ừ, anh đứng ngoài nhịp sống của gia đình từ bao giờ?

Vợ anh sắp xếp, dọn dẹp lại cuộc sống là để bọn trẻ không còn phải nghe những cãi cọ từ người lớn. Vợ thực sự muốn hai con được bình yên trong tổ ấm nhỏ. Vợ cũng không muốn bỏ phí những khoảng thời gian “chết” chờ đợi một người chồng ham công tiếc việc dừng lại. Chỉ có điều cô ấy chỉ sắp xếp lại gia đình cho hợp với con thơ mà không “dọn dẹp” lại hôn nhân của chính mình. Ba mẹ con luôn bên nhau, nhưng hai vợ chồng thì ngoảnh lưng về hai phía. Lâu lâu anh còn "tiết kiệm" cả những cử chỉ yêu thương mà anh cho là lãng xẹt.

Sao bố cứ như không phải người nhà mình thế? Một đứa trẻ con cũng đã nhận ra điều đó ư? Anh ngồi thần người, thấy lòng tự nhiên chùng xuống. Làm thế nào anh mới cân bằng được công việc và cuộc sống, để cùng vợ con xây lại những yêu thương?

                                                                                                                    Đỗ Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI