Trắng đêm chạy lũ
“Mưa quá to, nước đổ về quá nhanh nên người dân không kịp trở tay. Có gia đình bị chết mấy con trâu, nhiều gia đình bị ngập hết tài sản vì không kịp di dời lên cao”.
Ông Nguyễn Hữu Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - thông tin thêm, đêm 28/9, trời mưa không to nên người dân khá chủ quan. Bỗng từ 0g đến 3g sáng 29/9, mưa to không ngớt đã khiến nước từ trên núi ầm ầm đổ xuống. Nước lũ lên rất nhanh, tràn vào gần 100 nhà dân, nhiều nhà hiện đã ngập sâu hơn 1,5m.
“Rạng sáng, thấy nước lũ về nhanh, chúng tôi phải huy động tất cả lực lượng đến từng nhà yêu cầu di dời. Do bị nước lũ chia cắt nên bà con chỉ có thể di dời tại chỗ, tức là những hộ có nhà bị ngập sâu tạm thời di dời sang những hộ có nhà ở vùng cao hơn” - ông Vĩnh nói.
|
Người dân xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An di dời tài sản khi nước lũ dâng cao - Ảnh: Phan Ngọc |
Ông Lê Đình Thanh - Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương - cho biết, mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều xã bị ngập sâu từ 1 - 3m, nhiều xã bị lũ chia cắt, lực lượng làm nhiệm vụ không thể tiếp cận.
Ướt sũng do phải liên tục lội nước để vận chuyển tài sản, bà Nguyễn Thị Phượng (xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương) kể, nước lũ lên quá nhanh nên nhà bà chỉ kịp kê một ít tài sản lên rồi lo chạy sang nhà hàng xóm tránh lũ. Thế nhưng, không ngờ nước lũ dâng cao gần 2m nên đồ đạc đều bị nhấn chìm. Theo thống kê nhanh của UBND xã Thanh Mỹ, toàn xã có khoảng 300 nhà bị ngập sâu hơn 1,5m, có nhà bị ngập tới mái trong khi nước lũ vẫn dồn dập đổ về.
Lượng mưa đo được ở huyện Quỳnh Lưu đêm 28/9 là trên 300mm, nên theo ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - nhìn đâu cũng thấy nước. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã hỗ trợ các nhà bị ngập nặng di dời tài sản và người đến nơi an toàn. Mưa lớn đã khiến đập thủy lợi ở xã Quỳnh Tam bị sạt lở và có nguy cơ vỡ. Trong đêm 28/9, hàng trăm người đã phải đội mưa đóng cọc tre, đóng bao cát để gia cố thân đập. Hiện thân đập đã cơ bản an toàn, nhưng UBND xã vẫn cắt cử lực lượng theo dõi.
Nước lũ cũng khiến thân đập ở xã Quỳnh Lâm bị vỡ 150m, hơn 2.000 nhà dân bị ngập sâu từ 0,3 đến gần 1m. Ông Nguyễn Đình Dung - Chủ tịch UBND xã - cho hay, nước lũ vẫn đang lên, lực lượng xung kích xã đã hỗ trợ di dời trẻ em, người già đến nơi an toàn. Một số đoàn cũng đã mang nước, nhu yếu phẩm vào hỗ trợ người dân.
Nước lũ chia cắt khắp nơi
Tối 28/9, đoạn Quốc lộ 7 qua xã Lạng Khê, huyện Con Cuông bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá tràn xuống đường khiến giao thông bị tắc nghẽn hoàn toàn. Ngay trong đêm, lực lượng chức năng đã cắt cử người trực, huy động máy móc để dọn dẹp đất đá nhưng do mưa lớn nên đến sáng 29/9, đoạn đường này vẫn chưa được thông. Quốc lộ 48 đi các huyện Quế Phong, Quỳ Châu hiện cũng bị ngập sâu, nhiều đoạn bị ngập cả mét nên các phương tiện không thể đi qua.
|
Bộ đội biên phòng Quảng Bình giúp người dân các xã vùng cao huyện Minh Hóa tránh lũ an toàn - Ảnh: Thuận Hóa |
Ở tỉnh Hà Tĩnh, nước ngập ở nhiều xã thuộc hai huyện miền núi Hương Sơn và Hương Khê. Từ chiều 28/9, nước từ thượng nguồn đổ về đã khiến tuyến độc đạo vào bản Rào Tre bị ngập sâu hơn 1,5m, cô lập hoàn toàn gần 50 hộ đồng bào dân tộc Chứt. Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Sơn, huyện Hương Khê đã cho gần 35.000 học sinh của 83 trường nghỉ học trong ngày 29/9.
Ông Võ Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3 thuộc Cục Quản lý đường bộ II, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, tuyến Quốc lộ 8A lên cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (huyện Hương Sơn) đang tiếp tục xảy ra sạt lở mái taluy ở nhiều điểm. Điểm sạt lở nghiêm trọng nhất là eo Cô Gái (thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn) với khoảng 1.000m3 đất đá tràn xuống đường, gây ách tắc hoàn toàn.
Ở tỉnh Quảng Nam, nước lũ khiến đường 14D qua huyện Nam Giang bị hư hỏng nặng, các phương tiện không thể lưu thông. Trong đó, đoạn từ Bến Giằng đi thôn Pà Dá, xã Cà Dy có đến 11 điểm sạt lở, ước có hàng ngàn m3 đất đá tràn xuống lòng đường. Ngoài ra, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã cũng bị sạt lở ở nhiều điểm.
Đất đá sạt lở do lũ đã chia cắt hoàn toàn tuyến đường ĐT 606 qua huyện Tây Giang. Các tuyến đường ĐH2, ĐH3, ĐH4 có hàng chục điểm sạt lở, chia cắt hoàn toàn các xã vùng cao.
Phố cổ Hội An cũng ngập lụt nặng sau cơn bão số 4. Đến trưa 29/9, nước mới rút, để lại bùn đất, rác la liệt. Người dân và cả du khách xúm nhau dọn dẹp bùn đất. May mắn là 43 di tích ở Hội An có nguy cơ bị sập đổ trong bão vẫn an toàn.
Nước đang rút dần, nhưng người dân xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị chưa biết đến khi nào mới được ra ngoài, bởi bị kẹt từ ngày 28/9. Nước chảy xiết trên sông Bến Hải đã cuốn trôi cây cầu tạm ra giữa sông. Cầu này bằng sắt, nối thôn Cây Tăm với thôn Thúc. Khi cầu bị trôi, các thôn còn lại như Lền, Xà Lời, Xà Nín, Mít đều bị cô lập.
|
Cây cầu tạm bằng sắt, tuyến giao thông độc đạo nối xã Vĩnh Ô vào đến trung tâm huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã bị nước lũ cuốn đi - Ảnh: Thuận Hóa |
Cây cầu tạm này là con đường duy nhất nối thôn Cây Tăm với trung tâm xã Vĩnh Ô, từ đó ra trung tâm huyện. Hiện xã Vĩnh Ô có 330 hộ bị cô lập do lũ. Ông Hồ Non - ở thôn Cây Tăm - cho hay, bà con trong thôn cũng đã trữ mì ăn liền, lương khô, đủ ăn trong mấy ngày tới. Tuy nhiên, sinh hoạt của dân rất bất tiện, như muốn đến bệnh viện huyện tái khám chân nhưng chưa thể đi được.
Ông Trần Văn Tặng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô - cho biết, hiện nước đang rút nhưng địa phương vẫn đang bị chia cắt. UBND xã đã thông báo với đơn vị chức năng sớm có biện pháp khôi phục cầu hoặc xây cầu, đồng thời cắt cử lực lượng chốt chặn, đảm bảo an toàn cho người dân. “Người dân đang rất mong có cầu tạm để học sinh đi học, người dân đi lại thuận tiện, an toàn” - ông nói.
Tỉnh Quảng Bình cũng có 17 điểm giao thông bị ngập và 1 điểm bị sạt lở, chủ yếu nằm ở các xã vùng núi, biên giới, thuộc các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy. Các nơi này đang bị ngập sâu từ 0,7 - 1,2m.
Ông Phan Thanh Hùng - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho biết, sau bão Noru, tình trạng sạt lở bờ biển ở tỉnh này càng thêm nặng nề. Ở các vị trí từng sạt lở từ vùng biển Thuận An đến xã Giang Hải, huyện Phú Lộc, có nhiều điểm sạt lở mới với chiều dài hơn 2km, ăn sâu vào bờ từ 3 - 5m. Ở xã Giang Hải, có kè chống sạt lở biển nhưng những điểm nằm ở mối nối kè chưa được đầu tư nên tiếp tục sạt lở nghiêm trọng với chiều dài khoảng 1.400m. Ngoài ra, đoạn bờ sông Bù Lu (phía thượng lưu gọi là sông Nước Ngọt) thuộc xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc cũng bị sạt lở khoảng 320m. |
Phan Ngọc - Nguyễn Dương - Ngọc Minh