Báo đưa tin sai sự thật hay cách bảo vệ trẻ chưa đến nơi đến chốn?

01/07/2020 - 18:00

PNO - Sự im lặng của cơ quan bảo vệ trẻ em khi thấy báo chí đưa tin sai sự thật liên quan lĩnh vực mình phụ trách, cho dù vì lý do gì cũng là không làm tròn trách nhiệm

Chiều 22/6, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin và tham vấn báo chí về công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em năm 2020.

Tại đây, khi đề cập đến nghi án “bé ba tuổi ở Nhà Bè bị xâm hại tình dục”, đại diện Phòng LĐ-TB&XH H. Nhà Bè cho rằng, báo chí đã thông tin phiến diện, sai sự thật; không liên hệ với cơ quan chức năng, cụ thể là Phòng LĐ-TB&XH, để biết rõ sự thật; kết luận về tội phạm khi chưa có kết luận từ cơ quan chức năng. Báo chí đã bị gia đình nạn nhân “dẫn dắt”… Thông tin sai sự thật đó, vô tình làm cho cuộc sống của cháu bé bị xáo trộn, gia đình phải chuyển nhà đi nơi khác.

Về vụ việc trên, xin nói rõ, ngay từ đầu việc thu giữ mẫu giám định là không kịp thời, khi sự việc xảy ra, gia đình nạn nhân đã bị hướng dẫn chạy lòng vòng… Khi báo chí phản ánh cũng ghi nhận ý kiến từ nhiều phía, trong đó có ý kiến của cơ quan công an và các luật sư. Trong các bài viết cũng không ghi rõ địa chỉ, tên họ của cháu bé, cha mẹ bé lẫn nghi phạm đều được viết tắt; hình ảnh cũng được xử lý để tránh nhận diện. Cách thức và quy trình tác nghiệp như vậy là không có gì phải bàn.

Hơn thế, trong bài viết Xâm hại tình dục trẻ em: Hệ lụy “chìm xuồng” nhìn từ việc không khởi tố vụ án bé ba tuổi ở Nhà Bè đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM ngày 9/10/2019, luật sư Võ Thị Anh Loan - Đoàn Luật sư TPHCM, người trợ giúp pháp lý miễn phí cho cháu bé và gia đình - sau khi tìm hiểu thực tế cũng như nghiên cứu hồ sơ vụ án - đã khẳng định: “Sau khi cha mẹ cháu tố cáo kẻ xâm hại, phía gia đình nghi can đã dọa giết, chửi rủa đến mức họ phải chuyển nhà”.

Sự thật đó cho thấy, việc Phòng LĐ-TB&XH H. Nhà Bè cho rằng, “bài báo ghi nhận thông tin phiến diện, viết sai, khiến cuộc sống của cháu bé bị xáo trộn, gia đình phải chuyển nhà đi nơi khác” là không có căn cứ.

Thiết nghĩ, khi báo chí thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín ngành LĐ-TB&XH, xâm phạm đến quyền lợi của nạn nhân và gia đình nạn nhân, thì với trách nhiệm của mình, Phòng LĐ-TB&XH cũng phải lên tiếng yêu cầu báo nói lại cho đúng để bảo vệ mình và cũng là bảo vệ nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Sự im lặng của cơ quan bảo vệ trẻ em khi thấy báo chí đưa tin sai sự thật liên quan lĩnh vực mình phụ trách, cho dù vì lý do gì cũng là không làm tròn trách nhiệm. Và như thế chúng ta sẽ chẳng thể bảo vệ được gì cho trẻ cũng như không sòng phẳng cùng báo giới.

Nghi Anh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trương Liên 01-07-2020 23:17:31

    Tôi thấy đau lòng khi nghĩ đến những đứa trẻ bị xâm hại. Và căm phẫn với những kẻ gây ra nhưng cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm một cách tàn nhẫn hay chính những con người làm công việc đó không có đủ năng lực chuyên môn, khuyết lòng yêu thương ở đây.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI