Kẻ gian “mượn tay” trẻ em để phạm tội
Những ngày qua, nhiều đoạn video quay lại cảnh tội phạm “mượn tay” trẻ em trộm cắp tài sản được chia sẻ lên mạng xã hội. Trong đó thể hiện đối tượng chủ mưu và “công cụ phạm tội” phối hợp khá nhịp nhàng.
Mới đây nhất là vụ dàn cảnh trộm điện thoại của người bán dừa trên đường Bình Tiên, quận 6, TPHCM. Bà T.H.T., chủ tiệm bán dừa nơi xảy ra vụ trộm, cho biết lúc 11g30 ngày 21/10, em gái của bà tên M. đang bán hàng thì một người đàn ông khoảng 30 tuổi đi xe máy chở theo một đứa bé khoảng năm tuổi đến hỏi mua dừa. Trong lúc chị M. đang lúi húi chặt dừa thì người đàn ông liên tục ra ám hiệu cho bé trai đến chỗ chị để điện thoại và lấy trộm. Sau khi lấy được điện thoại, người đàn ông đưa đứa bé nhanh chóng rời đi.
|
Người đàn ông ra hiệu cho bé trai trộm điện thoại ở tiệm bán dừa trên đường Bình Tiên, quận 6, TPHCM |
Trước đó mấy ngày, tại một cửa hàng trên đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, TPHCM đã xảy ra vụ dàn cảnh trộm tài sản với chiêu thức tương tự.
Theo hình ảnh camera an ninh ghi lại, trưa 12/10, một phụ nữ đi xe tay ga chở theo hai đứa trẻ dừng trước cửa hàng. Lúc này, trước cửa hàng có một chiếc xe máy khác đang dừng, trên xe có treo một chiếc túi. Khi người phụ nữ xúi đứa trẻ lấy chiếc túi, đứa trẻ có vẻ sợ, định quay đi. Nhưng do người phụ nữ hối thúc nhiều lần đứa trẻ đã vội vàng tiến đến lấy chiếc túi rồi chạy ra xe cùng người này tẩu thoát.
Công an quận 3, TPHCM cho biết, vừa qua, đơn vị này đã bắt đối tượng Chu Thúy An (42 tuổi, ngụ quận Bình Tân) sau khi có hành vi xúi giục cháu bé chín tuổi trộm tài sản. Theo lời khai của An, tối 23/9, đối tượng chở theo bé P. đến chỗ bán nước giải khát ở đầu hẻm 420 Lê Văn Sỹ, quận 3. Thấy người bán quán không để ý nên An đã xúi bé P. chạy đến lấy túi tiền và thẻ cào điện thoại của chủ quán rồi lên xe rời đi.
Đáng nói, cháu P. bị sử dụng làm công cụ gây án là con nuôi và là cháu chồng của An. Bé P. sau đó đã được gia đình đón về nuôi dưỡng.
Chị Nguyễn Hoàng Thúy Liên, quản lý cửa hàng bán lẻ ở quận Bình Tân, cho biết thỉnh thoảng, khi kiểm tra lại camera an ninh trong cửa hàng, các nhân viên của chị giật thót người khi thấy hình ảnh người lớn đi cùng để cho trẻ giấu đồ đạc trong người hoặc xé thức ăn dùng trong cửa hàng để không phải tính tiền.
“Giá trị của món đồ nhiều khi chỉ vài ngàn hoặc vài chục ngàn nhưng việc làm trên thật sự phản cảm. Không biết phụ huynh có ý thức được họ đang dạy con mình trở thành kẻ phạm tội không”, chị Liên tâm tư.
Trẻ cần kỹ năng nhận diện hành vi sai trái
Đại tá - phó giáo sư - tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn (chuyên gia tội phạm học) cho biết, việc mượn tay trẻ em trộm cắp là hình thức để bọn tội phạm lợi dụng, như là lợi dụng trẻ em đi ăn xin. Tuy nhiên, với tội phạm thì cấp độ cao hơn. Các đối tượng phạm pháp biết rằng, pháp luật Việt Nam nhân đạo ở chỗ trẻ em thực hiện các hành vi phạm pháp dưới tuổi chịu trách nhiệm hình sự thường chỉ được đưa vào các trung tâm giáo dục hoặc được gia đình bảo lãnh về nhà quản lý giáo dục, nên lợi dụng biến những đứa trẻ thành đối tượng trộm cắp chuyên nghiệp.
“Tội phạm sử dụng trẻ em là vì nghĩ sẽ che giấu được hành vi phạm tội. Trẻ em ít bị đề phòng, cảnh giác và sẽ gây khó khăn khi điều tra”, đại tá Đỗ Cảnh Thìn nhận định. Ông cho biết, điều đáng báo động là trong các vụ việc lạm dụng trẻ em trộm cắp xảy ra gần đây, các cháu đều ở độ tuổi rất nhỏ. Việc bị lạm dụng như vậy sẽ tạo cho trẻ hành vi lệch chuẩn, lâu dài sẽ để lại hậu quả khôn lường, lớn lên sẽ rất dễ trở thành tội phạm, thậm chí là tội phạm chuyên nghiệp.
Chuyên gia tâm lý Đặng Lê Anh, phụ trách giáo dục Trường Nội trú IVS, nhận định thông thường trẻ con không ý thức được hành vi của mình, bố mẹ dạy làm gì thì sẽ làm vậy và coi điều đó là đương nhiên. Giống như những đứa trẻ ở trong gia đình bị bạo hành, dần dần sẽ xem chuyện bạo lực là bình thường và có xu hướng bạo lực hơn những đứa trẻ khác. Trẻ em bị dạy trộm cắp, ban đầu có thể chỉ là hành động nhất thời nhưng sau đó sẽ hình thành phản xạ và dần dần thành thói quen.
Theo ông Đặng Lê Anh, trên thế giới, ở các khu ổ chuột hay một số băng nhóm tội phạm cũng có xu hướng sử dụng trẻ em để thực hiện hành vi phạm tội, điều này cực kỳ nguy hiểm. Tại Việt Nam, trước đây, các đối tượng thường lạm dụng trẻ em vào những việc như đi ăn xin. Tuy nhiên, hiện nay, xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng trẻ em trộm cắp như vậy là điều rất đáng báo động.
Cha mẹ có thể bị tước quyền nuôi con nếu xúi giục phạm tội
Người lợi dụng trẻ em để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản có thể bị xử lý hình sự về “Tội dụ dỗ, ép buộc người dưới 18 tuổi phạm pháp” được quy định tại điều 325 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Hành vi này có thể bị xử phạt tù từ một đến 5 năm.
Ngoài ra, người xúi giục, chủ mưu có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm của tội trộm cắp tài sản. Khi quyết định hình phạt đối với người đồng phạm, chúng ta sẽ xét đến tính chất và mức độ tham gia phạm tội của người đồng phạm. Trong trường hợp này, người có vai trò đồng phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản như người thực hiện.
Cha mẹ có hành vi xúi giục, ép buộc trẻ thực hiện hành vi trộm cắp có thể bị tòa án không cho trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện pháp luật cho con trong thời hạn từ một đến 5 năm.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM)
|
Sơn Vinh