Báo động về tỉ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ và trẻ em gái

03/12/2024 - 06:00

PNO - Trong báo cáo nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho biết: trên toàn cầu, có 96.000 trẻ em gái và 41.000 trẻ em trai trong độ tuổi 15-19 bị nhiễm HIV mới vào năm 2023, tức 7/10 ca nhiễm mới ở tuổi vị thành niên là trẻ em gái.

“Trẻ em sống chung với HIV phải được ưu tiên đầu tư nguồn lực và nỗ lực để mở rộng quy mô điều trị cho mọi người, bao gồm cả việc mở rộng các công nghệ xét nghiệm tiên tiến” - Phó giám đốc UNICEF về HIV/AIDS Anurita Bains - nói.

Có tới 77% người lớn nhiễm HIV có thể tiếp cận được liệu pháp kháng vi rút, nhưng chỉ có 57% trẻ em từ 14 tuổi trở xuống và 65% thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi có thể tiếp cận được thuốc cứu sống. Trẻ em 14 tuổi trở xuống chỉ chiếm 3% số người nhiễm HIV nhưng lại chiếm 12% (76.000) số ca tử vong liên quan đến AIDS vào năm 2023.

Trẻ em từ 0-14 tuổi chỉ chiếm 3% số người sống chung với HIV nhưng chiếm 12% số ca tử vong liên quan đến AIDS trong năm 2023 - ẢNH: GIANLUIGI GUERCIA (AFP)
Trẻ em từ 0-14 tuổi chỉ chiếm 3% số người sống chung với HIV nhưng chiếm 12% số ca tử vong liên quan đến AIDS trong năm 2023 - ẢNH: GIANLUIGI GUERCIA (AFP)

Liên hiệp quốc cho biết, tình trạng bất bình đẳng giới đã và đang khiến cuộc chiến chống HIV/AIDS trở nên khó khăn. Theo UNAIDS, phụ nữ đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm HIV từ chồng hoặc bạn tình, bởi họ không được tự quyết định về sức khỏe tình dục. Ở những khu vực có tỉ lệ HIV cao, phụ nữ bị bạn tình bạo hành phải đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV cao hơn tới 50%.

Tác động của bất bình đẳng giới đối với nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ đặc biệt rõ rệt ở khu vực châu Phi cận Sahara, nơi phụ nữ chiếm 63% số ca nhiễm mới HIV trong năm 2021. Trẻ em gái vị thành niên và nhóm từ 15-24 tuổi trong khu vực này có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 3 lần so với nam giới.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng: khả năng dễ bị lây nhiễm HIV của các trẻ em gái giảm tới 50% nếu các em được tiếp tục đi học và hoàn thành chương trình giáo dục trung học. Rủi ro này sẽ còn giảm nữa nếu các bé gái được hỗ trợ đúng mức.

Theo báo cáo của UNAIDS, thống kê cho thấy, số ca nhiễm HIV mới và tử vong trên toàn thế giới đã giảm, đánh dấu bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này.

Tuy nhiên, dù đã có thuốc kháng vi rút, năm 2023 vẫn có khoảng 630.000 người chết vì các bệnh liên quan đến AIDS. Đáng mừng, đây là mức thấp nhất kể từ mức đỉnh điểm 2,1 triệu người tử vong do AIDS vào năm 2004. Phần lớn tiến bộ này là nhờ vào phương pháp điều trị bằng thuốc kháng vi rút, giúp giảm lượng vi rút trong máu bệnh nhân.

Hmwe Kyu - thuộc Viện Đánh giá và đo lường sức khỏe có trụ sở tại Mỹ - cho biết trên Tạp chí The Lancet HIV: “Thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm số ca nhiễm HIV. Mỗi năm có gần 1,3 triệu ca mắc mới và 40 triệu người đang sống chung với HIV”.

Theo các nhà khoa học, hiện các phương pháp điều trị dự phòng - công cụ quan trọng giúp giảm thiểu tỉ lệ nhiễm HIV - là phương pháp PrEP (phòng ngừa trước khi tiếp xúc). Sử dụng đều đặn thuốc PrEP có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV qua đường quan hệ tình dục lên đến 99%.

Với những người đã nhiễm HIV, liệu pháp kháng retrovirus đã chứng minh hiệu quả làm giảm lượng vi rút trong máu xuống mức không thể phát hiện được, qua đó giúp giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, khi lượng vi rút giảm xuống mức không thể phát hiện được, khả năng truyền HIV từ mẹ sang con trong suốt thời kỳ cho con bú là gần bằng 0. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, lý tưởng hơn nữa là có vắc xin ngừa HIV.

Đến nay, đây vẫn là giấc mơ chưa thành hiện thực. Các nhà khoa học đang tạm coi thuốc tiêm lenacapavir như một vắc xin hiệu quả, vì có thể giúp ngăn ngừa nhiễm bệnh gần như hoàn hảo. Ngoài ra, dù đã có vài trường hợp được chữa khỏi HIV bằng phương pháp ghép tế bào gốc để điều trị ung thư máu, phương pháp này vẫn chưa khả thi cho đa số bệnh nhân.

Lệ Chi (theo UN, UNICEF)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI