Từ những người con ngoan hiền…
Vừa xem điện thoại, cậu bé Khoa - 9 tuổi, ở quận Tân Phú, TPHCM - vừa chào hỏi người khách ghé chơi một cách ngoan ngoãn. Mọi người vào bàn ăn, Khoa mở bộ phim hoạt hình yêu thích, giảm âm lượng điện thoại để người lớn tiện nói chuyện. Mẹ đưa chén cơm qua, Khoa ăn nhanh gọn, mắt vẫn không rời màn hình điện thoại. Để tiện tiếp khách, mẹ Khoa chỉ liếc qua con. Khoa hiểu ý, cầm điện thoại vào phòng.
Cả ngày, Khoa chỉ chịu rời điện thoại trong 15 phút để học bài hoặc khi tắm rửa, đến trường. Bận bịu công việc nên mỗi ngày, chị Nguyễn Thị Hồng Thắm - mẹ Khoa - chỉ nói chuyện với con vài câu vào buổi tối. Sau khi hỏi con ăn cơm chưa, kiểm tra tập vở các môn học theo sổ báo bài cô giáo, chị Thắm tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm cho ngày hôm sau và cho con thoải mái xem ti vi, chà điện thoại thông minh.
Gần giống như Khoa, ngoài giờ học, bé Kim Loan - 10 tuổi, ở quận 5, TPHCM - thường ôm bé búp bê được mẹ mua cho từ lúc em còn nhỏ. Bé Loan thích thủ thỉ với búp bê các chuyện trường lớp, bạn mà mình thích, bạn hay trêu ghẹo mình. Lo kiếm tiền, cha mẹ Loan thường làm xuyên đêm. Mỗi tối, nhớ cha mẹ, Loan ôm búp bê vào lòng, ngủ thiếp.
|
Chuyên gia tâm lý Đặng Lê Anh hướng dẫn cho một sinh viên phương pháp vượt qua trầm cảm - Ảnh: Đ.L.A. |
Mẹ bé Loan kể: “Tôi và chồng đều làm công nhân. Sau đợt dịch COVID-19, tụi tôi thất nghiệp mấy tháng liền nên khi tìm được việc mới, tụi tôi cố gắng làm việc để kiếm thêm thu nhập. Loan hiền lành, ít nói nhưng học hành hơi chậm hơn so với bạn. Tôi không có thời gian kiểm tra bài, bé cũng không được đi học thêm nên tôi cũng không ép con phải học giỏi. Bà nội lớn tuổi, chỉ cần con ngoan ngoãn, không làm phiền bà nội là được”.
Từ khi đến TPHCM nhập học, Quang Minh - 20 tuổi, quê ở tỉnh Vĩnh Long - khiến gia đình rất yên tâm, tự hào. Chỉ mới học năm thứ hai trường y nhưng Minh đã gọi điện thoại về nhà, báo tin đã tự mình lo được tiền nhà trọ, tiền chi tiêu, gia đình chỉ cần gửi tiền học phí. Mỗi lần về quê, Minh được mẹ dẫn đi chào hỏi bà con, hàng xóm. Mẹ Minh tự hào khoe con có điểm số ở trường loại giỏi, lại đi làm có tiền, mỗi lần về quê đều có quà cho mẹ, cho ông bà. Ai cũng ngưỡng mộ mẹ con Minh.
… đến những phản ứng bất thường
Đầu năm học, cô giáo mời mẹ của Khoa đến trường, phàn nàn rằng ở trong lớp, Khoa hay làm việc riêng, không tập trung nghe giảng. Mỗi khi cô quay đi, Khoa liền trêu ghẹo, giật viết, vở của bạn. Đôi lúc, cô giáo phải xếp Khoa ngồi một mình ở bàn gần cô nhất, Khoa mới chịu ngồi im. Gần đây, những lúc không được như ý, Khoa hay la hét, đánh bạn; mỗi lần bị cô trách phạt, Khoa phản ứng dữ dội. Cô giáo khuyên chị Hồng Thắm nên đưa Khoa đi khám tâm lý.
|
Bác sĩ Trần Quang Huy đang điều trị tâm lý cho bé trai 8 tuổi tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: Phạm An |
Khi được đưa đến Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM), Khoa vẫn nghe lời mẹ, lễ phép chào bác sĩ, trả lời được mọi câu hỏi của bác sĩ nhưng ánh mắt vẫn “dán” vào màn hình điện thoại. Khi bác sĩ Trần Quang Huy nhờ chị Hồng Thắm lấy điện thoại, Khoa liền giật lại và tỏ thái độ hằn học. Khi chị Thắm giữ chặt điện thoại, Khoa liền la hét, lao vào đánh mẹ cho đến khi được đưa lại điện thoại. Bác sĩ Trần Quang Huy nhận xét, Khoa quá lệ thuộc vào điện thoại, bị giảm tập trung chú ý, rối loạn hành vi, lo âu, căng thẳng, cần được điều trị trong thời gian dài.
Trái ngược với Khoa, mỗi khi nói chuyện với bác sĩ, bé Loan lộ rõ vẻ hồi hộp, căng thẳng, chớp mắt, xoa tay liên tục. Khi bác sĩ hỏi vài câu trong bài tập, Loan run rẩy, lo sợ rồi gục mặt lên bàn trốn tránh. Khi nghe mẹ nói nếu không trả lời, sẽ không cho ở với em búp bê nữa, Loan liền khóc thét, đập đầu xuống nền gạch liên tục khiến đầu chảy máu. May mắn là bé chỉ bị tổn thương ngoài da.
|
Trẻ đang được đánh giá tâm lý tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: Phạm An |
Còn chàng sinh viên Minh Quang có vẻ ngoài vui vẻ, cởi mở nhưng trong lòng luôn âu lo sợ hãi, nhất là sau những lần về quê hay sau các cuộc trò chuyện qua điện thoại với mẹ. Trong lần nghe giảng viên nói về sức khỏe tâm thần, cuối buổi, Quang Minh liền chạy theo cô giáo nhờ giúp đỡ: “Cô ơi, cô giúp em, em sợ lắm cô ơi, em đã nghĩ đến việc tự tử”.
Thì ra, Quang Minh vào trường y là chiều theo ý mẹ, còn bản thân chỉ muốn học công nghệ thông tin. Vừa học vừa đi làm, Minh rất đuối, nhưng Minh còn em gái đang đi học ở quê, sợ một mình mẹ nuôi không nổi. Hiện Minh đang nợ 3-4 môn chứ không phải là học sinh giỏi như mẹ cậu đã khoe với mọi người. Minh tâm sự với giảng viên: “Em sợ không theo nổi các bạn, không tốt nghiệp nổi. Thậm chí, em sợ phải bỏ học giữa chừng thì mẹ sẽ xấu hổ”.
|
Rất đông sinh viên tham gia khóa học vượt qua trầm cảm với sự hướng dẫn của chuyên gia tâm lý trị liệu, chữa lành Đặng Lê Anh - Ảnh: Đ.L.A. |
Theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) năm 2021, trên thế giới, cứ 7 thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi thì có 1 trường hợp được chẩn đoán sống chung với chứng rối loạn tâm thần. Còn theo một khảo sát ở Việt Nam, 26,3% trẻ bị trầm cảm, 6,3% trẻ có nghĩ về cái chết, 4,6% trẻ lập kế hoạch tự tử, 5,8% trẻ từng cố gắng tự tử.
Phạm An
Gần 15% dân số cần được chăm sóc sức khỏe tâm thần Theo thống kê của Bộ Y tế, có 14,9% dân số mắc 1 trong 10 loại rối loạn tâm thần thường gặp, tương đương gần 15 triệu người, bao gồm 0,47% bị tâm thần phân liệt, 5 - 6% trầm cảm, lo âu, còn lại là rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới rượu bia, ma túy, chất gây nghiện khác. Tuy nhiên, cơ sở vật chất và nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. |
Hàn Quốc và nỗi lo trầm cảm ở người trẻ Theo dữ liệu mới công bố của Cơ quan Bảo hiểm y tế quốc gia Hàn Quốc, tỉ lệ người trầm cảm trong toàn dân số năm 2022 đã tăng 32,9% so với năm 2018. Những người trong độ tuổi 20 chiếm tỉ lệ lớn nhất, tiếp đến là người trong độ tuổi 30 và trong độ tuổi 60. Số người được chẩn đoán trầm cảm trong độ tuổi 20 tăng gần gấp đôi năm 2018. Các chuyên gia cho biết có nhiều lý do dẫn đến xu hướng này như khủng hoảng thất nghiệp, chênh lệch giàu nghèo, căng thẳng quá mức. Kwak Geum Joo - giáo sư tâm lý học Đại học quốc gia Seoul - cho rằng, nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc vẫn sống dưới sự kiểm soát của phụ huynh cho đến khi tốt nghiệp cấp III. Sau đó, họ đột ngột trở thành người lớn khi tâm lý chưa sẵn sàng. Chính vì vậy, người trẻ Hàn Quốc dễ rơi vào tuyệt vọng khi gặp khó khăn tại trường đại học hay nơi làm việc. Suy thoái kinh tế và dịch COVID-19 càng làm những vấn đề của người trẻ thêm trầm trọng, nhất là khi các doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, nhân viên phải nghỉ không lương. Kể cả khi được làm việc trở lại, họ vật lộn với cạnh tranh khốc liệt và nỗi bất an về tương lai… Mỹ Uyên |
Tạo nguồn năng lượng mới cho chính mình Mỗi ngày, Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức đều tiếp nhận các ca đến khám và điều trị về tâm thần, phần đông ở độ tuổi học sinh, sinh viên. Điều đáng mừng là các em chủ động nhận ra vấn đề của bản thân và tìm kiếm sự giúp đỡ thay vì cố gắng chịu đựng một mình. Có nhiều sinh viên chia sẻ, từng có suy nghĩ về cái chết, phương thức tự tử. Thực thể và tinh thần có mối liên kết chặt chẽ với nhau. Khi điều trị về bệnh thực thể, nếu tâm lý không ổn định thì sự hồi phục sẽ chậm hơn. Nếu bị căng thẳng, lo âu kéo dài, giấc ngủ sẽ rối loạn dẫn đến rối loạn hành vi, trầm cảm ở mức độ nặng, gây ảnh hưởng đến các nơ ron thần kinh, làm hao hụt một số chất trong não bộ. Lúc này, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh mà chỉ định một số thuốc nhằm hỗ trợ điều trị. Người bệnh phải tuân thủ đúng liều lượng, thời gian dùng thuốc theo chỉ định và quan trọng là có những suy nghĩ tích cực, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tham gia các hoạt động giải trí nhằm tạo ra các chất dẫn mới cho hệ thần kinh một cách bền vững. Để não bộ phát triển tốt nhất, người có vấn đề về sức khỏe tâm thần - nhất là người từ 12-22 tuổi - cần cố gắng dùng thuốc ít nhất có thể. Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến (Khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức) |
Cha mẹ cần quan tâm bản thân và con cái Các ông bố, bà mẹ trẻ, năng động nào cũng đặt ước mơ của mình lên con cái, ít người có đủ thời gian để lắng nghe, chia sẻ cùng con. Có thể chính cha mẹ cũng đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần mà không biết hoặc không chấp nhận. Nếu cha mẹ không chăm sóc tốt cho bản thân thì không thể giúp con mình vượt qua được các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Do đó, việc đầu tiên là cha mẹ cần nhìn nhận lại xem gia đình mình cần gì. Hãy lắng nghe con trẻ để biết con đang lo lắng về điều gì và giúp con vượt qua. Nếu không có nhiều thời gian, tiền bạc, người lớn chỉ cần cùng trẻ đi dạo gần nhà, cùng trẻ chơi trò chơi để trẻ không lệ thuộc vào điện thoại, ti vi hay các thiết bị điện tử. Nói chuyện về trường lớp, bạn bè của con cũng là một cách để các thành viên thư giãn tinh thần, giúp trẻ cảm thấy an toàn, cởi mở, hoạt bát hơn. Nếu trẻ bỗng nhiên chán ăn, than mệt mỏi, hay trốn tránh nơi đông người, luôn nhốt mình trong phòng, khó tập trung khi học, ban đêm trằn trọc, khó ngủ, gặp ác mộng, lo lắng mỗi khi đi ra ngoài hoặc bồn chồn, căng thẳng, đi vệ sinh thường xuyên, dễ khóc, dễ cáu gắt, bạo lực, học hành sa sút... thì rất có thể trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý, tâm thần. Lúc này, người lớn cần gần gũi trẻ, cùng trẻ tìm ra vấn đề và cùng giải quyết, tránh để tình trạng như trên kéo dài. Bác sĩ Trần Quang Huy (Khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2) An Nguyên (ghi) |