Báo động về bạo lực gia đình trong đại dịch COVID-19 - Bài cuối: Đi tìm “vắc xin”ngăn ngừa bạo lực

18/08/2021 - 06:35

PNO - Theo các chuyên gia, áp lực kinh tế, xã hội trong đại dịch COVID-19 khiến các thành viên trong gia đình bị sang chấn tâm lý, dẫn đến hành vi bạo hành gia tăng. Để kéo giảm bạo lực, cần hỗ trợ để người dân vượt qua khủng hoảng tâm lý.

Sang chấn tâm lý trong đại dịch

Theo một nghiên cứu khoa học từ tháng 6 - 8/2020, được công bố trên trang www.ijsmsjournal.org, ảnh hưởng từ dịch COVID-19 gây xáo trộn cuộc sống gia đình là những bất lợi lớn trong sự phát triển của trẻ em. Việc nuôi dạy con cái trong đại dịch COVID-19 là một thách thức lớn. 

Nghiên cứu trên lấy mẫu là gia đình có con và tuổi trung bình của cha mẹ là 41,7. Kết quả, hơn 50% cha mẹ cho biết, họ bị căng thẳng bởi sự xa cách xã hội và việc đóng cửa các trường học, các cơ sở chăm sóc trẻ em. Căng thẳng của cha mẹ gia tăng đáng kể trong đại dịch: 12,3% có triệu chứng trầm cảm, 9,7% lo lắng. 1/3 số mẫu cho rằng, đại dịch gây ra trải nghiệm bất lợi cho trẻ. 29,1% trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình trong đại dịch và 42,2% quấy rối tình dục bằng lời nói. 

Phụ nữ và trẻ em thường là nạn nhân của những vụ bạo hành trong đại dịch COVID-19
Phụ nữ và trẻ em thường là nạn nhân của những vụ bạo hành trong đại dịch COVID-19

Cũng theo nghiên cứu trên, những thay đổi sâu sắc do đại dịch gây ra đối với cuộc sống gia đình hằng ngày có thể thúc đẩy căng thẳng của cha mẹ và căng thẳng trong gia đình, từ đó có thể dẫn đến sự gia tăng các trải nghiệm thời thơ ấu bất lợi cho trẻ em trong gia đình như bạo lực gia đình, ngược đãi và bỏ bê trẻ em. Đang xuất hiện các bằng chứng về di chứng tâm lý xã hội của đại dịch COVID-19 đối với người dân, trẻ em và thanh thiếu niên.

Tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận - giảng viên Khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TPHCM - cho biết sang chấn tâm lý của các thành viên gia đình trong đại dịch COVID-19 đã được các nhà khoa học trên thế giới khẳng định là có thật. Mỗi thành viên trong gia đình cảm thấy rất căng thẳng trước khả năng nhiễm COVID-19; việc phải tiếp nhận quá nhiều luồng thông tin khiến người ta hoảng loạn; những thay đổi về kinh tế, xã hội khiến người ta lo âu, căng thẳng; tình trạng mất việc hoặc phải làm việc trực tuyến gây ức chế cho nhiều người; môi trường sống (nơi ở) chật chội, chứa nhiều người trong thời gian giãn cách xã hội gây bức bối cho các thành viên. 

Ông Đặng Lê Anh - chuyên gia tâm lý trị liệu và chữa lành - nhận định thông thường, bạo hành gia đình phần lớn là do ức chế về tâm lý, tức là khi con người sống trong một môi trường mà môi trường đó tạo ra những yếu tố tăng stress thì sẽ dẫn đến bạo lực. Ông phân tích: “Bạo hành không phân biệt giới tính. Đôi khi, đàn ông cũng là nạn nhân của bạo hành. Bạo hành không chỉ đơn thuần là về mặt thể xác mà còn bằng nhiều hình thức khác. Con người vốn có nhiều tổn thương về mặt tâm lý. Tất cả tổn thương đó được ghi nhận trong ký ức, khi bị môi trường bên ngoài kích thích thì phản ứng. Bạo hành đôi khi không hẳn là yếu tố đạo đức mà là bệnh lý”.

“Vắc xin” ngăn ngừa bạo lực

Ông Đặng Lê Anh cho rằng, một giải pháp được xem là “vắc-xin” ngăn ngừa bạo lực chính là làm cho mọi người hiểu được về giá trị sống. Điều này phụ thuộc vào vấn đề tuyên truyền, 
giáo dục. 

Ông phân tích thêm: “Khi mọi người bị buộc ở nhà để phòng, chống dịch, chỉ có truyền thông là hữu hiệu nhất; người ta đang ở một chỗ, chỉ có thể xem báo đài, mạng xã hội. Lúc này, việc can thiệp trực tiếp các vụ bạo hành cũng khó, nên cần mở rộng các kênh tư vấn, dạng như tổng đài, để giúp mọi người vượt qua ức chế, sang chấn tâm lý mùa dịch. Ví dụ, Nhà nước nên khuyến khích các luật sư, nhà tâm lý, nhà giáo hoặc những người có trình độ, hiểu biết về tâm lý, bạo lực gia đình lên mạng xã hội chia sẻ nhiều về vấn đề này với tư cách cá nhân, như một cách làm việc thiện trong giai đoạn khó khăn này”.

Ông Đặng Lê Anh cho rằng, giải pháp cho nạn nhân của các vụ bạo hành là “hãy lên tiếng”.  Hiện tại, Việt Nam đã có hệ thống các trung tâm công tác xã hội, tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hay tổng đài ngôi nhà bình yên 1900 969 680 (tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới và cung cấp dịch vụ bình đẳng giới). Thực tế, đại đa số phụ nữ đã chọn cách im lặng hoặc tự tìm cách tự giải quyết khi phải hứng chịu bạo lực gia đình, càng làm gia tăng bạo lực. Ngay cả trong dịch bệnh, người dân cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ qua các kênh đã nêu trên.

Tiến sĩ Lê Minh Thuận cũng cho rằng, hiện tại, việc chống dịch vô cùng cấp bách và cần phải được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, không thể để người dân “tự bơi” trong những rối loạn tâm lý, rối loạn các chức năng gia đình. Họ cần được hỗ trợ. Đặc biệt, nạn nhân bạo lực gia đình càng cần sự kịp thời can thiệp của chính quyền địa phương, trong đó có vai trò giám sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp.

“Với hơn 2.040 tổ tư vấn cộng đồng ở khu phố, trong đó nhiều chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học, bác sĩ, luật gia, luật sư nghỉ hưu cộng tác, Hội Liên hiệp Phụ nữ cần phát huy hơn nữa vai trò của các tổ này, tăng cường tư vấn tâm lý qua kênh điện thoại hoặc các mạng xã hội để giúp người dân - đặc biệt là phụ nữ, trẻ em - giải tỏa áp lực tinh thần, tháo gỡ ngay những mâu thuẫn nhỏ” - tiến sĩ Lê Minh Thuận nói. 

Nghi Anh - Sơn Vinh 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI