Báo động: Trẻ em Việt Nam đang quá béo!

27/02/2016 - 16:31

PNO - Theo PGS Lê Bạch mai trẻ em Việt đang lười vận động và càng ngày càng béo phì. Chỉ trong 10 năm tỷ lệ béo phì tăng 9,2 %.

13 tuổi, đủ thứ bệnh bám theo

Giáo sư Tạ Văn Bình – Nguyên Giám đốc bệnh viện Nội tiết Trung ương tâm sự có rất nhiều trẻ nhỏ học lớp 6, lớp 7 đã mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá, tiền đái tháo đường, thậm chí có trẻ học lớp 5 đã bị đái tháo đường tuyp 2.

Theo vị giáo sư, đa số trẻ nhỏ Việt ngày nay đang quá lười vận động, nghiện ăn thức ăn nhanh và ưa ngồi nhiều.

Trường hợp của em Nguyễn Nam Anh trú tại Đống Đa, Hà Nội là điển hình. Học lớp 6 nhưng em nặng 97 kg, việc đi lại chậm chạp, sinh hoạt khó khăn. Thêm nữa, do hay bị bạn bè trêu đùa nên Nam Anh càng tự ti về bản thân, ít vận động, đi lại hơn.

Kết quả là, hàng ngày, cậu ở nhà chơi game thay vì chơi các trò vận động. Không đi học thì Nam Anh ăn bim bim, nước ngọt và các đồ ăn liền. Nhiều lần, bố mẹ cũng đã lo lắng vì con béo quá cũng lo nhưng vì nghĩ con mình béo từ nhỏ nên ít quan tâm.

Bao dong: Tre em Viet Nam dang qua beo!
Trẻ Việt đang quá lười vận động. Ảnh minh hoạ.

Cho đến khi cậu bé mệt mỏi, chán nản, học hành đi xuống, bố mẹ mới quan tâm tra hỏi. Câu bé chỉ kêu mệt và đi học như có người kéo lại.

Gia đình tưởng cậu bé bị ma theo còn đi cúng bái mãi đến khi cậu mệt quá mới đưa con đi khám bác sĩ. Tại đây, khi thử máu bác sĩ giật mình vì đường huyết lúc đói lên đến 15ml/mol. Nam Anh bị nghi ngờ tiểu đường tuýp 2 và được bác sĩ theo dõi tiểu đường tuýp 2.

Tại phòng khám dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia rất nhiều trường hợp trẻ được bố mẹ đưa đến khám với triệu chứng béo phì như vậy.

Trường hợp bé Nguyễn Thuỳ Vy trú tại Gia Lâm, Hà Nội cũng tương tự. Bé Vy 24 tháng tuổi nhưng nặng 20 kg. Bố mẹ em cho biết cháu ăn không biết no và có thể ăn hết cả chục xiên thịt nướng.

Qua kiểm tra bác sĩ kết luận cháu bé phì độ 3 và yêu cầu kiểm soát cân nặng, theo dõi chuyển hoá. Phải tới khi bác sĩ tư vấn về nguy cơ của béo phì, bố mẹ của Vy mới lo lắng. Ban đầu anh chị nghĩ thấy con ăn nhiều là tốt không ngờ rằng đây là nguy cơ của hàng chục bệnh trong tương lai.

Do lối sống từ cha mẹ

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết trẻ bị thừa cân béo phì là do chế độ ăn giàu năng lượng có nghĩa là năng lượng đưa vào cơ thể vượt quá năng lượng tiêu hao, nhất là năng lượng từ chất béo. Tuy nhiên, ăn nhiều chất đạm, bột đường cũng bị thừa cân béo phì vì các chất này khi vào cơ thể dư thừa đều có thể chuyển hóa thành chất béo dự trữ.

Trong trường hợp đó, việc trẻ ít hoạt động thể lực là yếu tố song hành, nguy cơ cao gây thừa cân béo phì. Béo phì ở trẻ em là yếu tố nguy cơ béo phì ở người lớn. Những người lớn bị béo phì nặng thường có tiền sử béo phì ở tuổi thiếu niên. Béo phì ở trẻ em ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành, nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, tăng cholesterol dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... và có nguy cơ mắc các bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, bệnh sỏi mật, cơ xương khớp...

Bên cạnh đó, trẻ béo phì thường vụng về, chậm chạp, hay bị bạn bè trêu chọc ảnh hưởng đến tâm lý và khả năng học tập. Hơn nữa, việc điều trị những bệnh này lại góp phần làm tăng cân hoặc hạn chế hoạt động như vậy càng làm béo hơn. Vì thế, can thiệp sớm là việc làm cần thiết để ngăn ngừa các biến chứng này.

Bác sĩ Hưng khuyến cáo nên cân đối chế độ ăn cho trẻ. Khi giúp trẻ giảm cân phải phân tích cả về tâm lý cho con. Đặc biệt, nên tách các loại đồ uống có ga giàu năng lượng nhưng lại nghèo vi chất dinh dưỡng như nước ngọt, cocacola…. Đồ ăn đóng gói vì chúng thường ngọt cung cấp cơ thể đường đơn, đường đôi; cung cấp năng lượng rất nhanh nhưng không có đường đa.

Điều đặc biệt, cha mẹ nên tạo cho con thói quen tập luyện. Ngày nay, các gia đình ở thành phố cũng như nhiều vùng nông thôn trẻ rất ít vận động mà dành thời gian cho ngồi học và chơi điện tử, xem điện thoại điều này rất nguy hiểm. Theo khuyến cáo của các bác sĩ dinh dưỡng cha mẹ cần đưa con đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt khi con mình có vấn đề về mặt cân nặng.

Đặc biệt có thể nguyên nhân gây chứng béo phì bắt nguồn từ một tình trạng rối loạn nội tiết, bác sĩ sẽ giới thiệu con bạn đến nhà chuyên khoa nội tiết để kiểm tra. Trong trường hợp nghi ngờ là do căn bệnh nào, bác sĩ sẽ có khuyến cáo về chế độ ăn. Ðồng thời khuyên bạn những giải pháp để khuyến khích đứa trẻ tiêu hao nhiều năng lượng hơn.

Mai Hạ
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI