Đại dịch COVID-19 đã làm cho hàng triệu người Thái mất việc làm trong năm ngoái. Unyakarn Booprasert, một phụ nữ 59 tuổi, cũng rơi vào hoàn cảnh này và cạn kiệt tài chính trong khi không có bạn bè hay người thân giúp đỡ. Mỗi ngày bà chỉ có một gói mì ăn liền, chia ra cho ba bữa ăn. Unyakarn chỉ còn trông mong vào khoản tiền 15.000 bạt (khoảng 11 triệu đồng) mà chính phủ Thái Lan hứa hẹn sẽ hỗ trợ người gặp khó khăn theo chương trình “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
|
Đại dịch COVID-19 khiến tỷ lệ tự tử ở Thái Lan gia tăng mạnh |
Khi biết mình nằm trong số 15 triệu người không hội đủ điều kiện để nhận khoản tiền trợ cấp nói trên, Unyakarn quyết định gửi thư khẩn cầu lên các quan chức Thái Lan vào tháng 4 năm ngoái. “Khi tôi liên hệ với Bộ Tài chính, dĩ nhiên là họ đã không nghe và còn có những hành động xem thường tôi. Tôi muốn biểu tình. Không chỉ có tôi bị mới bị đối xử như vậy mà còn nhiều người Thái khác cũng đang chịu cảnh tương tự”, Unyakarn chia sẻ với Undercover Asia, loạt chương trình phóng sự bằng video của tờ Channel News Asia, và cho biết đã có ý định dùng thuốc diệt chuột để tự tử ngay trước tòa nhà Bộ Tài chính.
Sau sự kiện Unyakarn tìm cách tự tử vì tuyệt vọng, các quan chức Thái Lan đã xem xét lại trường hợp của bà và quyết định rằng bà đủ điều kiện để nhận tiền trợ cấp.
Theo giới quan sát, trường hợp của Unyakarn chỉ là một điển hình báo động tình trạng tự tử đang tăng mạnh ở Thái Lan trong đại dịch COVID-19. Trong nửa đầu năm 2020, đã có 2.551 người Thái tự tìm đến cái chết, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019. Giới chức y tế Thái Lan cho rằng dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Các nhóm bị tác động mạnh nhất bởi COVID-19 là nhân viên trong lĩnh vực du lịch, người làm việc trong công nghệ tình dục và người nhập cư. Du lịch, vốn đóng góp 12% tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Thái Lan, đã tụt dốc thảm hại khi nước này áp dụng nhiều hạn chế đối với du lịch quốc tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Mặt khác, những người hoạt động trong công nghệ tình dục thường không được đăng ký vào hệ thống an sinh xã hội nên lại là đối tượng ít nhận được sự hỗ trợ của chính phủ nhất, theo nhà kinh tế Thanaporn Sriyakul.
Bên cạnh đó, thành phần di dân từ nông thôn lên thành thị cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ chương trình “Không ai bị bỏ lại phía sau”, vì họ được ghi nhận là nông dân trong dữ liệu thông tin của chính phủ, và vì vậy được áp dụng các chính sách tài chính khác.
Theo Varoth Chotpitayasunondh, người phát ngôn của Cục Sức khỏe tâm thần thuộc Bộ Y tế công của Thái Lan, đất nước này đã từng trải qua tình trạng tự tử gia tăng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, với tốc độ tăng lên đến 20%-25%. Và ngay cả khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế gặp khó khăn thì Thái Lan cũng có tỷ lệ người tự tử thuộc mức cao ở châu Á - một thực trạng khiến nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần kêu gọi nhiều nguồn lực xã hội cùng chung tay giải quyết.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2018, tỷ lệ người tự tử ở Thái Lan là 14,4/100.000, trong khi tỷ lệ bình quân của thế giới là 10,5/100.000, theo cách tính loại bỏ sự khác biệt về cấu trúc tuổi tác trong dân số. Trong các nước Đông Nam Á, tỷ lệ này cũng chỉ từ 3,2 (của Philippines) đến 11,2 (của Singapore), tính trên 100.000 người. Và thống kê cho thấy, cứ 10 phút thì có một người Thái tìm cách tự tử.
Theo giáo sư Antonio L Rappa của Đại học Khoa học xã hội Singapore - người chuyên nghiên cứu văn hóa, lịch sử và chính trị Thái Lan trong hơn 20 năm qua - các lý do về kinh tế và văn hóa là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ tự tử ở Thái Lan khá cao so với các nước khác. Giáo sư Rappa cho rằng, việc xem bản thân mình như “những chiến binh” - một văn hóa đã ăn sâu - khiến người Thái thường có tâm lý “tìm đến cái chết” khi gặp thất bại hay bế tắc trong cuộc sống.
|
Những người làm việc trong công nghiệp tình dục cũng là đối tượng ít nhận được sự hỗ trợ của chính phủ Thái Lan |
Trong thời gian xảy ra đại dịch, các đường dây hỗ trợ những người có ý định tự tử do tổ chức từ thiện Samaritans ở Thái Lan luôn trong tình trạng quá tải. Varoth cũng thừa nhận rằng ngay cả sau khi tăng gấp đôi số lượng đường dây lên 20 cho Cục Sức khỏe tâm thần, thì người gọi đến cũng phải chờ 10 đến 12 phút mới nói chuyện được với nhân viên tư vấn. “Một số người không đủ kiên nhẫn để chờ lâu như vậy. Họ muốn được trả lời trong vòng 5 phút và điều đó rất khó. Tỷ lệ bỏ ngang cuộc gọi hiện đang ở mức 40%-50%”, Varoth nói.
Varoth cho biết thêm, trên thực tế chính phủ Thái Lan hiện đang hỗ trợ khá tốt những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như thông qua chương bảo hiểm y tế toàn dân, người dân có thể được điều trị sức khỏe tâm thần tại các bệnh viện công với chi phí chỉ khoảng 30 baht. Nhưng Varoth cũng thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm thần và bổ sung nguồn lực để chữa trị các chứng bệnh liên quan. Trong nỗ lực này, chính quyền Thái Lan đang liên kết với các tổ chức phi lợi nhuận, công ty công nghệ và thậm chí cả lĩnh vực giải trí.
Chẳng hạn, chính phủ Thái Lan đã thành lập một nhóm hoạt động đặc biệt có tên là Lực lượng đặc nhiệm Hy vọng, sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội như Facebook, TikTok và Line để giao tiếp với những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, Cục Sức khỏe tâm thần cũng phát triển một ứng dụng có tên Kiểm tra sức khỏe tâm thần, giúp người dùng tìm thấy câu trả lời cho một loạt các câu hỏi về các chủ đề mà họ đã chọn, bao gồm tình trạng kiệt sức, mức độ căng thẳng và trầm cảm.
Giới chức Thái Lan còn hợp tác với UNICEF và ứng dụng âm nhạc Joox Thailand vào năm ngoái trong một chiến dịch có tên “The Sound of Happiness” (Âm thanh Hạnh phúc), đăng tải các bài viết, bài hát và các câu chuyện nói về sức khỏe tâm thần của những người nổi tiếng.
“Tự tử và sức khỏe tâm thần phải là một vấn đề của mọi người. Chúng ta hiện đang thiếu các nguồn lực hỗ trợ sức khỏe tâm thần do tác động của dịch COVID-19. Nhưng chúng ta có thể giải quyết vấn đề này bằng cách mời nhiều bên, nói chuyện với nhiều người, hợp tác giữa các tổ chức quan tâm đến sức khỏe tâm thần và để người Thái quyết định đến với nhau, giúp đỡ lẫn nhau”, Varoth chia sẻ.
Nhất Nguyên (theo CNA)