Trẻ mang thai, sinh con khá phổ biến
Tháng 8/2024, thấy con gái 16 tuổi có biểu hiện bất thường, chị V.T.U. - 35 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ngãi - đưa đến Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) khám, mới biết con mình đã mang thai hơn 4 tuần. Chị như chết lặng, không thể ngờ cô con gái học giỏi nhiều năm liền lại sắp làm mẹ khi đang học lớp Mười. Sau nhiều lần bị gặng hỏi, bé tiết lộ cái thai là hậu quả của một lần trót dại với bạn trai.
Bệnh viện Từ Dũ ghi nhận, trong 8 tháng đầu năm 2024, đã tiếp nhận gần 800 ca thai phụ, sản phụ dưới 18 tuổi. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM) tiếp nhận 412 trẻ gái vị thành niên khám thai, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu được công bố tại hội thảo “Xâm hại tình dục trẻ em qua mạng và giải pháp phòng, chống” do Trường đại học Cảnh sát nhân dân tổ chức ngày 4/10, từ năm 2020 đến tháng 9/2023, cả nước ghi nhận 7.883 trẻ bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm trên 80%. Còn theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), trong năm 2023, lực lượng công an trên toàn quốc tiếp nhận, phát hiện, điều tra, xử lý 2.063 vụ xâm hại trẻ em với 2.192 nạn nhân, trong đó có 1.677 vụ xâm hại tình dục với 1.747 nạn nhân.
|
|
Trong những vụ trẻ em bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai thời gian gần đây, có không ít vụ nạn nhân thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Trong vụ việc nữ sinh lớp Tám B.T.H. ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa mang thai, cuối tháng 9/2024, mẹ H. đang lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) thì cô giáo chủ nhiệm của H. gọi điện thông báo nữ sinh này có dấu hiệu mang thai. Ngày 3/10, khi người thân đưa đi khám, bác sĩ xác định H. đã mang song thai 24 tuần. Nghi phạm xâm hại tình dục H. là người đàn ông hàng xóm 60 tuổi.
Nhiều hệ lụy, khổ đau khi làm mẹ nhí
Làm mẹ ở tuổi 15, Trần T.T. (xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) kể, năm 13 tuổi, em quen và yêu một thiếu niên 17 tuổi rồi mang thai khi vừa bước sang tuổi 14. Có bầu, T. bỏ học, ở nhà chờ sinh, bỏ lại giấc mơ trở thành cô giáo. Do chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, cặp đôi này được gia đình tổ chức lễ ra mắt đơn giản để về chung nhà. Do còn quá nhỏ tuổi, T. không biết chuẩn bị gì để làm mẹ nên mẹ ruột, mẹ chồng phải thay nhau mua tã, sữa, đồ dùng cho em bé. Sinh con chưa được bao lâu, đôi trẻ đã lục đục rồi đường ai nấy đi, kết thúc cuộc hôn nhân chóng vánh khi chưa kịp được pháp luật công nhận. T. phải bỏ nhà đi biệt, để lại con gái cho mẹ ruột nuôi. Do sớm bỏ học nên T. chỉ xin được chân phụ việc ở quán cơm.
Sinh con ở tuổi 14, bà mẹ nhí P.T.H. (quận 6, TPHCM) suýt tử vong. Sau khi sinh con, H. về quê “chồng” (17 tuổi) ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang sinh sống. Tuy nhiên, do không quen với cuộc sống ở nông thôn, không chịu được tiếng trẻ con khóc, H. đã bỏ lại con khi bé gái chưa tròn 3 tháng. Vài tháng sau, cha đứa trẻ cũng bỏ nhà đi làm ăn xa, giao con mình cho cha mẹ ruột chăm sóc.
|
Sau khi sinh con, sản phụ Đ.H.G. - 14 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TPHCM - được chăm sóc tại một địa chỉ tạm lánh thuộc “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em ở TPHCM” - Ảnh do Bệnh viện Hùng Vương cung cấp |
Bác sĩ Huỳnh Thị Trong - Cố vấn cao cấp Khoa Phụ sản, Bệnh viện An Sinh, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và Kế hoạch hóa gia đình TPHCM - cho biết, trong hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực sản khoa, bà gặp khá nhiều trẻ em mang thai, sinh con. Các bé gái mang thai sớm thường phải đối mặt với áp lực lớn từ gia đình, bạn bè và xã hội. Cảm giác tội lỗi, xấu hổ, lo lắng về tương lai khiến các em dễ cáu gắt, trầm cảm, tự cô lập. Phần lớn thai phụ nhí và phụ huynh không muốn giữ thai, nhưng có những trường hợp khi phát hiện thai đã quá lớn, các em phải sinh con ngoài mong muốn của bản thân và gia đình. Vì vậy, những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ trẻ em phần nhiều có gương mặt và đôi mắt buồn bã.
Theo bà, có nhiều trẻ mang thai giấu gia đình, gia đình khi biết chuyện cũng che giấu vì sợ xấu hổ với người quen. Do vậy, nhiều thai phụ trẻ em không được khám thai, không phát hiện được những bất thường của thai kỳ như huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược và sinh ra con nhẹ cân, dị tật. Có những trường hợp khi sinh, sản phụ bị băng huyết, tiền sản giật, rất nguy hiểm tính mạng.
|
Em N.Q.T.N. - 14 tuổi, ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang - trong lễ mừng đầy tháng con vào tháng 9/2024 - Ảnh: N.S. |
“Còn có một hậu quả nặng nề, dai dẳng là các em phải sống trong sự hối tiếc, nơm nớp sợ người chồng sau này của mình biết quá khứ từng sinh con. Gần đây, tôi khám thai cho một cô gái 20 tuổi. Lúc khám, tôi hỏi: “Em đã sinh con rồi phải không?”. Cô gái hoảng hốt, nhìn ra cửa - nơi chồng đang đợi. Em thú thật đã từng có mối tình học trò và sinh con năm 14 tuổi, sau đó giao con cho mẹ ruột ở quê nuôi. Con gái của em gọi bà ngoại bằng mẹ và gọi mẹ bằng chị. Em giấu kỹ quá khứ và luôn phập phồng lo sợ bị chồng phát hiện” - bác sĩ Huỳnh Thị Trong kể.
|
|
Vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng Ở thời đại 4.0, trẻ em dễ dàng tiếp cận với phim ảnh và những thông tin không chính thống về tình dục. Vì vậy, gia đình và nhà trường nên sớm giáo dục giới tính, tình dục an toàn cho con. Giáo dục giới tính cần giúp trẻ hiểu rõ về bản thân, bảo vệ trẻ khỏi xâm hại, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Từ đó, trẻ biết được cơ thể mình thay đổi như thế nào, nhận biết được những hành vi không đúng mực, biết cách bảo vệ bản thân trước những nguy cơ xâm hại, biết tôn trọng cơ thể của mình và của người khác… Khi hiểu về giới tính, hiểu rõ giá trị của bản thân, trẻ sẽ biết cách bảo vệ mình khỏi cám dỗ, xâm hại. Chúng ta vẽ đường cho hươu chạy đúng tốt hơn là để hươu chạy vào bụi rậm và chịu những hậu quả đáng tiếc. Bác sĩ Huỳnh Thị Trong |
Cần giáo dục giới tính theo hướng toàn diện Chúng ta cần làm quen với khái niệm “giáo dục giới tính và tình dục toàn diện”. Theo đó, việc giáo dục không chỉ ở môi trường chính quy mà nên cân nhắc triển khai ở môi trường không chính quy, giúp trẻ có môi trường cởi mở để bày tỏ. Về hình thức, cần giáo dục trẻ về giới tính và tình dục theo tiến trình phù hợp với từng độ tuổi, trang bị những kiến thức giúp trẻ nhận thức, bảo vệ bản thân. Về nội dung, việc giáo dục cần hướng đến mục tiêu giúp trẻ nhận thức được sức khỏe, giá trị bản nhân, hình thành các mối quan hệ xã hội và quan hệ tình dục trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, nhận thức được rằng lựa chọn của mình ảnh hưởng tới bản thân và người khác như thế nào, có ý thức bảo vệ các quyền của mình trong suốt cuộc đời chứ không chỉ đơn thuần với các hành vi tình dục. Nguyễn Như Quỳnh - chuyên viên tư vấn tâm lý, Hội Tâm lý trị liệu Việt Nam |
Bất cập trong quá trình xử lý vụ xâm hại tình dục Hiện nay, công tác tiếp nhận, xử lý tin tố giác, tin báo về tội phạm, khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn chậm trễ. Trong một số vụ việc, cán bộ tiếp nhận còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm thu thập tài liệu, chứng cứ để trưng cầu giám định, ảnh hưởng không tốt đến quá trình xác định người phạm tội. Trong một số vụ, cơ quan điều tra và viện kiểm sát đòi hỏi phải có người chứng kiến, làm chứng trực tiếp. Điều này hết sức vô lý bởi không ai thực hiện hành vi xâm hại tình dục mà để cho người khác thấy. Thủ tục, quy trình giám định xâm hại tình dục cũng mất nhiều thời gian. Khâu này cần được rút gọn, đặc biệt là quyết định trưng cầu giám định bị hại ngay khi tiếp nhận vụ việc và xác minh trẻ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Việc khởi tố vụ án, điều tra bị can ngay khi có kết luận giám định sẽ giúp hạn chế tình trạng bỏ lọt tội phạm. Luật sư Võ Thị Loan Anh (Đoàn Luật sư TPHCM) |
Thuỳ Dương - Nhã Chân - Diệu Hiền