Những con số đáng quan ngại
Là học sinh lớp Bốn, T.T. - 10 tuổi, ở TP Hà Nội, cao 132,6cm, nặng 37,3kg, tương ứng với chỉ số khối cơ thể (BMI) là 21,21, thừa cân so với mức trung bình tham chiếu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Thu Hồng - Phòng khám Dinh dưỡng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam - cho biết, bé T.T. dùng thức ăn nhanh 2-3 bữa/tuần, gồm gà rán, xúc xích rán, khoai tây chiên và nước ngọt có gas.
Tương tự, H.A. - là nữ sinh lớp Mười một, cao 159cm nhưng nặng tới 93,7kg, chỉ số BMI khoảng 37, được chẩn đoán béo phì nặng. Theo bác sĩ Đoàn Thu Hồng, H.A. có lượng mỡ 51,1%, vượt rất xa ngưỡng trung bình của nữ (khoảng 23%). Khi trao đổi, H.A. ý thức được cân nặng đang tăng cao nhưng không thể kiểm soát được thói quen ăn uống của mình. Mỗi bữa, H.A. ăn khoảng 2 bát cơm đầy kèm theo 2-3 lạng thịt. Áp lực học tập những năm cuối cấp căng thẳng khiến cô bé luôn cảm thấy lo lắng, bồn chồn nên thường ăn vặt, uống trà sữa để giải tỏa stress. Sau khi thăm khám, H.A. vẫn không thể tuân thủ được chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ đã tư vấn nên rất khó giảm cân.
 |
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Triết (TP Thủ Đức, TPHCM) tập võ sau giờ học chính khóa - Ảnh: Trang Thư |
Mới đây, Sở Y tế TP Hà Nội công bố thông tin mô hình can thiệp phòng, chống thừa cân, béo phì trong năm 2024 với những con số đáng báo động. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội đã đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở 3.600 học sinh 3 trường tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông), Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm) và La Thành (quận Đống Đa). Kết quả, có 43,2% học sinh thừa cân, béo phì. Trong đó, tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì của Trường tiểu học Nguyễn Du là 45,9%; Trường tiểu học Lê Lợi là 43,7%; Trường tiểu học La Thành là 34,9%. Về hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, năm 2024, CDC Hà Nội đã khảo sát 3.000 cặp mẹ con, cho kết quả tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 5,9%.
Sở Y tế TPHCM cho biết, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi năm 2017 là 11,1%; năm 2022 tăng lên 13,6% và hiện nay là 19,02% - cao hơn mức trung bình cả nước. Ở lứa tuổi học đường, tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì là 37,82%, gồm 20,62% thừa cân, 17,2% béo phì.
Không nên cho con ăn uống “thả ga”
Bà Lê Thị Thoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Kiều, quận 12, TPHCM - nhận định, học sinh ngày nay dễ bị thừa cân, béo phì là do chế độ ăn uống và vận động chưa hợp lý: “Cha mẹ thường cho trẻ ăn ngon, ăn no và chiều theo sở thích của trẻ, thậm chí khuyến khích trẻ ăn nhiều mà không quan tâm đến định mức, cân bằng dinh dưỡng. Một số trẻ có thói quen ăn nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn, đồ uống có đường, ăn vặt, ăn đêm nhưng lại ít vận động, nhất là khi ở nhà”.
 |
Học sinh thừa cân, béo phì được bảo mẫu Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1, TPHCM) yêu cầu ăn canh rau trước khi ăn cơm - Ảnh: Trang Thư |
Theo chuyên gia dinh dưỡng Đoàn Thu Hồng, béo phì là vấn đề mang tính toàn cầu. Thống kê năm 2022 của WHO cho kết quả: 390 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì. Còn theo số liệu từ cuộc tổng điều tra dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2020, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020, trong đó tỉ lệ này ở thành thị là 26,8%, ở nông thôn là 18,3% và ở vùng núi là 6,9%.
Bà nói, thừa cân, béo phì là mối đe dọa sức khỏe lâu dài, khiến trẻ có nguy cơ giảm tuổi thọ, tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường và thậm chí là ung thư. Béo phì khiến trẻ bị hạn chế về tăng trưởng, dậy thì sớm, bị ảnh hưởng đến tâm sinh lý, gây mặc cảm, tự ti, kém hòa đồng, học hành sa sút… Để phòng ngừa tình trạng này, cần nâng cao ý thức của cộng đồng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
 |
Bệnh nhân giảm béo tại Phòng khám Dinh dưỡng Viam, Viện Y học ứng dụng Việt Nam - Ảnh: P.K. |
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia - khuyến cáo, với trẻ béo phì, nhất thiết phải giảm năng lượng đầu vào: “Thay vì mỗi bữa ăn 2 bát cơm đầy, có thể giảm dần xuống 2 miệng bát, 2 lưng bát. Thay vì ăn 5 miếng thịt mỗi bát cơm, nên giảm số miếng thịt”. Theo ông, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn thực đơn phù hợp cho trẻ giảm cân, nhưng muốn giảm, cần có sự đồng hành, động viên của người thân bởi việc tự kiểm soát, thay đổi ý thức ăn uống không dễ.
Chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Trọng Hưng phản bác quan điểm rằng cho trẻ nhịn ăn hay tuyệt đối không dùng dầu mỡ, tinh bột để giảm cân, bởi tinh bột, chất béo cung cấp năng lượng cho cơ thể, khi cắt bỏ thì cơ thể phải chuyển hóa các chất theo đường khác và tạo ra những chất có hại cho sức khỏe.
Điện thoại làm tăng nguy cơ béo phì Theo Quỹ Dân số của Liên hiệp quốc (UNFPA), Việt Nam là 1 trong 10 nước có cư dân lười vận động nhất thế giới. Trong nghiên cứu năm 2022, WHO cũng cảnh báo, tỉ lệ vận động thể lực không đủ ở người Việt Nam còn khá cao, nhất là ở nhóm từ 11-17 tuổi. Tỉ lệ này là 81% ở trẻ trai và 92% ở trẻ gái. Lười vận động tiềm ẩn nhiều tác hại nghiêm trọng và là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tình trạng béo phì, thừa cân ở trẻ. Ngoài việc thiếu không gian sinh hoạt ngoài trời ở các khu đô thị, lạm dụng điện thoại là một trong những nguyên nhân khiến trẻ ngày càng lười vận động. Bác sĩ Đoàn Thu Hồng cho hay, nhiều trẻ thừa cân, béo phì từ 5-10 tuổi đến khám tại Viện Y học ứng dụng Việt Nam có thói quen dùng điện thoại nhiều giờ trong ngày, một số còn dùng điện thoại khi ăn. Do đó, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời để giúp trẻ vận động nhiều hơn và hạn chế cho trẻ dùng thiết bị điện tử. Việc dùng điện thoại khiến trẻ bị gián đoạn giấc ngủ, ngủ không đủ giấc. Đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ béo phì. Khi trẻ vừa ăn, vừa dùng điện thoại thì não bộ sẽ nhận được “tín hiệu báo no” chậm hơn nên ăn nhiều hơn so với nhu cầu. Xem điện thoại trong khi ăn làm giảm tỉ lệ trao đổi chất, khiến việc tiêu hóa thức ăn chậm hơn và chất béo bị đốt cháy chậm hơn, làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Cha mẹ cần xây dựng lối sống lành mạnh (tăng vận động, giảm dùng điện thoại) để làm gương cho các con noi theo. |
Huyền Anh - Trang Thư