Báo động tình trạng gan nhiễm mỡ ở trẻ em

26/12/2023 - 06:45

PNO - Bệnh gan nhiễm mỡ thường chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi, chủ yếu là nam giới uống quá nhiều rượu, bia. Thế nhưng, trong vòng 2 thập kỷ qua, trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh gan nhiễm mỡ (không do bia, rượu) ngày càng tăng.

Căn bệnh phổ biến ở trẻ em

Nhiều năm trước, khi các bác sĩ nói với Carmen Hurtado (sống ở Mỹ) rằng con gái 8 tuổi của cô mắc bệnh gan nhiễm mỡ, phản ứng đầu tiên của người mẹ không phải nỗi sợ mà là sự nghi ngờ. Cô tự hỏi liệu bệnh viện đã nhầm lẫn? Con gái của cô, Dani Rivera, là một đứa trẻ vui vẻ, năng động và ngoài việc tăng cân nhiều, cô bé không thể hiện vấn đề nào khác về sức khỏe. Cô Hurtado vẫn nghĩ gan nhiễm mỡ là căn bệnh xuất phát từ tuổi tác và lựa chọn lối sống kém, chẳng hạn như trong nhóm nam giới nghiện rượu. 

Levi Salomon (TP San Diego, bang California - Mỹ) bị đau bụng dữ dội lúc 10 tuổi do gan nhiễm mỡ. Cậu bé phải thay đổi chế độ ăn uống, kết hợp bơi lội để giúp gan hoạt động gần như bình thường - Nguồn ảnh: Da'Shaunae Marisa/The Washington Post
Levi Salomon (TP San Diego, bang California - Mỹ) bị đau bụng dữ dội lúc 10 tuổi do gan nhiễm mỡ. Cậu bé phải thay đổi chế độ ăn uống, kết hợp bơi lội để giúp gan hoạt động gần như bình thường - Nguồn ảnh: Da'Shaunae Marisa/The Washington Post

Mặc dù điều đó có thể đúng, nhưng mọi thứ dường như đã thay đổi vào đầu những năm 2000. Giới nhi khoa trên khắp nước Mỹ bắt đầu ghi nhận các trường hợp cơ thể trẻ em xuất hiện những khối tế bào mỡ trong gan với mật độ bất thường. Một số bệnh nhân cho thấy dấu hiệu này từ khi 2 tuổi. Cô Hurtado nói: “Tôi phải mất một lúc mới hiểu được chuyện gì đang xảy ra với con gái mình và sau đó tôi thực sự sợ hãi”.

Trước năm 2000, chỉ có một số ít trường hợp được ghi nhận về bệnh gan nhiễm mỡ không do bia rượu ở trẻ em trong tài liệu y khoa. Ngày nay, hàng triệu trẻ bị ảnh hưởng và các nhà nghiên cứu vẫn đang đau đầu tìm hiểu nguyên nhân. 

Ước tính 5 - 10% trẻ em ở Mỹ hiện mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu - mức độ phổ biến tương đương hen suyễn. Theo phân tích của tờ Washington Post, dữ liệu y khoa trong giai đoạn 2017-2021 cho thấy tỉ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do bia rượu tăng vọt ở mọi lứa tuổi trên toàn nước Mỹ, nhưng mức tăng mạnh nhất luôn rơi vào nhóm thanh thiếu niên dưới 17 tuổi. Không chỉ vậy, số liệu từ Mạng lưới hiến tặng nội tạng Mỹ thể hiện rằng số ca cấy ghép gan trong thập kỷ qua ở nhóm bệnh nhân từ 11-17 tuổi đã tăng 25%.

Trăn trở tìm nguyên nhân và cách khắc phục

Sự gia tăng các trường hợp gan nhiễm mỡ ở trẻ em diễn ra song song với sự xuất hiện ngày càng nhiều người trẻ tuổi mắc các bệnh từng được coi là đặc trưng cho tuổi già: huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và cả sỏi mật. 

Đáng quan tâm, béo phì chỉ là một phần của bức tranh. Các nhà khoa học rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng không phải tất cả trẻ béo phì đều bị gan nhiễm mỡ, và không phải tất cả trẻ mắc bệnh gan nhiễm mỡ đều có cân nặng bất thường.

Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng, một phần đáng kể trẻ em mắc bệnh gan nhiễm mỡ nghiêm trọng lại có chỉ số khối cơ thể BMI thấp. Nghiên cứu về nguyên nhân gây bệnh vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng nhiều bác sĩ tin rằng lối sống hiện đại - chế độ ăn uống kém, lười vận động, nghiện đồ công nghệ và phơi nhiễm hóa chất trong môi trường - đã góp phần làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ ở trẻ em. Một trong những công việc của gan là lọc chất độc và khi cơ thể mất cân bằng, cơ quan này có thể bị tổn thương, thậm chí ngừng hoạt động.

Một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng, cấu trúc di truyền của con người không phù hợp với các loại thực phẩm chứa nhiều đường và thức ăn chế biến sẵn - vốn thường có trong chế độ ăn của trẻ em. Mặt khác, điều này còn dẫn đến tình trạng thay đổi nội tiết tố, tạo nên áp lực cho cơ thể. Trong số những thay đổi về lối sống mà gia đình có thể thực hiện để giảm thiểu rủi ro gan nhiễm mỡ ở trẻ là hạn chế tiêu thụ đường. 

Sarah Anzlovar - chuyên gia dinh dưỡng tại Boston (Mỹ) - cho biết: “Cách tốt nhất để giảm lượng đường bổ sung ở trẻ em là hạn chế sản phẩm có nhiều đường bao gồm nước ngọt, nước trái cây, kẹo và các loại đồ ngọt khác. Đồng thời, phụ huynh cũng cần chú ý đến lượng đường ẩn giấu trong nhiều loại thực phẩm đóng gói như ngũ cốc và đồ ăn nhẹ. Việc ăn nhiều thực phẩm này cũng có thể khiến trẻ lười tiêu thụ thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe như rau củ và trái cây”. 

Linh La (theo Washington Post, Very Well)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI