Báo động tình trạng chất gây nghiện tấn công học đường

15/11/2021 - 06:56

PNO - Các loại ma túy, chất gây nghiện ngày càng “biến hóa” tinh vi và ẩn nấp dưới nhiều hình thức để tấn công vào học đường. Theo các chuyên gia, chúng ta cần có các biện pháp quyết liệt hơn để có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, bảo vệ sức khỏe, tâm lý của trẻ.

Sự phát triển của các loại ma túy tổng hợp, bóng cười, thuốc lá điện tử… đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình, đặc biệt khi các chất này ngày càng “biến hóa”, len lỏi vào 
học đường. 

Ma túy “núp lùm”, dụ dỗ học sinh

Mới đây, Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn ma túy tổng hợp trá hình rất tinh vi. Đó là những gói bột được đóng trong loại bao bì bắt mắt có in hình quả dâu, bên ngoài ghi chữ “Crispy Fruit”. Dù trên bao bì có ghi các thành phần thường thấy của nước uống trái cây, nhưng không ghi thông tin của nhà sản xuất cũng như xuất xứ của sản phẩm. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng buôn bán sản phẩm này, Crispy Fruit hay còn được gọi là nước dâu hay trái cây giòn có chứa thành phần ma túy tổng hợp, có thể gây ảo giác cho người sử dụng.


Trước đó, cơ quan công an TPHCM cũng phát hiện một đường dây buôn bán “nước xoài” có chứa ma túy. Trên gói sản phẩm này in hình quả xoài với dòng chữ “Crispy Fruit Mango”, bên trong chứa chất bột màu vàng.

Qua giám định, chất bột này là ma túy ở thể rắn, thuộc loại Bromazepam, có trọng lượng hơn 17,6 g/gói. Bromazepam nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất, là thuốc dùng hạn chế và có kiểm soát trong y khoa. Trọng lượng 17,6g trong gói “nước xoài” nếu chứa Bromazepam nguyên chất, theo các chuyên gia, cao gấp hơn 580 lần so với liều tối đa/ngày/người, có nguy cơ gây tử vong.

Hay trong tháng 10 vừa qua, vụ việc 13 học sinh tại Trường THPT Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh) ngộ độc sau khi ăn kẹo dẻo cũng khiến dư luận xôn xao, lo ngại. Được biết, nhóm học sinh này đã ăn một loại thực phẩm chức năng, được gửi về từ nước ngoài. Thực phẩm này chứa THC là một thành phần có trong cần sa, chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ. 

 Ma túy được ngụy trang dưới hình thức các gói nước trái cây
Không chỉ có ma túy trong kẹo, đồ uống, thực phẩm, sự hiện diện của các chất gây nghiện hiện nay còn vô cùng phức tạp với nhiều hình thức khác nhau. Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn… liên tục cảnh báo về các trường hợp trẻ vị thành niên phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc với các loại N2O (bóng cười), hay thuốc lá điện tử trộn cần sa, ma túy tổng hợp… 

Tiến sĩ - bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương), thông tin bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhi 16 tuổi (huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) nhập viện trong trạng thái không rõ tiếng, giọng run, lắp bắp, bồn chồn, đau ngực khoảng hai tháng nay. Bệnh nhân cho hay, đã sử dụng thuốc lá điện tử gần một năm nay, ngày hút mấy chục hơi nhưng dạo này không có tiền nên không tiếp tục hút. Kể từ đó, trẻ bồn chồn, khó chịu, dù đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh khiến gia đình vô cùng lo lắng. Đến khi tới Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ mới xác định được nguyên nhân là do trẻ bị ảnh hưởng chất gây nghiện có trong thuốc lá điện tử. 

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị kích thích, ảo giác khi nhập viện bởi thuốc lá điện tử hay bóng cười. Đặc biệt, kết quả kiểm nghiệm nhiều tinh chất đốt trong các mẫu thuốc lá điện tử mang tới bệnh viện, có loại không xác định được là ma túy gì do các loại chất cấm này “biến hóa” từng ngày khiến năng lực xét nghiệm phải… chạy theo sau.

Cần sớm phát hiện sự bất thường ở học sinh

Là lứa tuổi tò mò, ưa thích khám phá và khẳng định cái tôi, theo bác sĩ Ngô Anh Vinh, trẻ vị thành niên rất dễ bị bạn bè lôi kéo, rủ rê để sử dụng chất gây nghiện. Trong khi đó, trẻ chưa nhận thức được đầy đủ về tác hại mà các chất cấm này gây ra. Do đó, chuyên gia này đề xuất, nhà trường cần có hình thức tuyên truyền, giáo dục cho học sinh bằng các buổi chuyên đề hướng dẫn trẻ cách phòng tránh ma túy hay đơn giản là các chương trình ngoại khóa để học sinh giao lưu lành mạnh với nhau. 

Bên cạnh đó, với các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần đặt ra ở trẻ hiện nay, bác sĩ Ngô Anh Vinh cho rằng, cần tăng cường và đào tạo cán bộ tâm lý chuyên trách trong trường học để có thể tư vấn, sớm phát hiện những bất thường ở học sinh. “Trẻ sử dụng chất gây nghiện thường có các biểu hiện khá rõ nét như thường xuyên chán chường, học hành sa sút, thậm chí bỏ học… Trẻ thu hẹp giao tiếp với thầy cô, bạn bè do mất khả năng hòa nhập với cuộc sống. Do đó, nếu phát hiện sớm các biểu hiện này, nhà trường có thể phối hợp với gia đình để ngăn chặn trẻ ngày càng lún sâu vào các loại chất này”, bác sĩ Ngô Anh Vinh nói. 

Nhận diện các sản phẩm chứa ma túy tổng hợp 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, các loại bánh kẹo hay thực phẩm chứa cần sa, ma túy tổng hợp có đặc điểm chung là nhãn mác có các hình thù kỳ dị, méo mó, dị dạng. Ví dụ mặt cười, ma quỷ, hình ảnh nghịch ngợm, trêu đùa hoặc vui nhộn. Các sản phẩm có chất gây nghiện cũng không có nhãn mác đầy đủ và nghiêm túc như sản phẩm của các nhà sản xuất chính thống. Người bán thường mời chào, bán ở các tụ điểm vui chơi đặc biệt như sàn nhảy, quán rượu dưới dạng chuyền tay nhau. Hình thức bán không công khai, bán sau quầy, hoặc bán online… Các bậc phụ huynh thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ để phát hiện nếu trẻ sử dụng các sản phẩm có dấu hiệu nghi ngờ.

Vị chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng thẳng thắn chia sẻ, dù là vấn đề gây lo lắng, nhức nhối với toàn xã hội song chúng ta lại chưa có chiến lược đầy đủ, những cuộc khảo sát đủ lớn để đánh giá một cách rõ nét về câu chuyện này. “Đây cũng là vấn đề nhạy cảm mà ngay cả học sinh và giáo viên đều có tâm lý e ngại, muốn giấu giếm. Nguyên nhân là do tâm lý sợ bạn bè, người thân phát hiện, kỳ thị thậm chí là ảnh hưởng tới thành tích của lớp”, bác sĩ Ngô Anh Vinh phân tích. 

Bác sĩ mong muốn có sự chỉ đạo mạnh mẽ từ cơ quan chức năng, lãnh đạo các địa phương để các trường học nhận thức đầy đủ, tham gia đánh giá vấn đề sử dụng chất gây nghiện một cách toàn diện, kịp thời. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó có các vấn đề liên quan tới thăm khám, tư vấn sức khỏe tâm thần. Đây chính là một trong những nền tảng để thúc đẩy triển khai, giám sát mạnh mẽ hơn, ngăn chặn quyết liệt chất gây nghiện đang âm thầm tấn công học đường. 

Nguy cơ ngộ độc, tử vong

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, sử dụng các loại chất gây nghiện có thể gây ra các ngộ độc cấp tính, tác động tới thần kinh làm cho người sử dụng bị kích thích, lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần. Các loại ma túy đá, THC, cần sa... tác động lên tim mạch làm loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp; tác động nhiều cơ quan khác của cơ thể. Khi ngưng sử dụng đột ngột, người sử dụng có thể gặp chứng nôn nặng và dai dẳng khó chữa. Về lâu dài, các loại ma túy này có thể gây phổi tắc nghẽn, các bệnh mạch vành, tăng nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chứng minh, THC, cần sa làm giảm số lượng tinh trùng, giảm rụng trứng, rối loạn kinh nguyệt, suy giảm các tuyến nội tiết sinh dục, ảnh hưởng nội tiết tăng trưởng, tuyến giáp, tăng nguy cơ gây ung thư… 

 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ về hình ảnh tổn thương não trên bệnh nhân sử dụng bóng cười
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ về hình ảnh tổn thương não trên bệnh nhân sử dụng bóng cười

Đặc biệt với người trẻ, nghiện ma túy gây giảm khả năng nhận thức và học hành, giảm kỹ năng về toán, nói và giảm quá trình hồi phục trí nhớ, giảm khả năng tập trung, giảm chức năng điều hành…

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng cảnh báo khí N2O - bóng cười là thủ phạm nguy hiểm không kém ma túy và được không ít trẻ trong lứa tuổi học trò sử dụng. Đây là khí vốn được sử dụng trong y tế nhưng bị lạm dụng để tìm cảm giác ảo.

“Khi đi vào cơ thể, N2O gây ngộ độc cấp, khí này chiếm chỗ oxy trong phổi rất nhanh và mạnh. Người hít khí có cảm giác kích thích, hưng phấn nhưng có thể bị ức chế thần kinh, lơ mơ, thậm chí ngưng thở dẫn đến tử vong”. Hầu hết, các bệnh nhân vào viện khi bệnh đã trở thành mạn tính, bị tổn thương não, tủy sống và dây thần kinh. Bệnh nhân yếu cơ, liệt cơ, không thể đi lại. Về lâu dài, N2O cũng tác động tới hàng loạt các cơ quan khác của cơ thể như gây ức chế tủy xương khiến thiếu máu, làm giảm khả năng sinh sản ở nữ giới và dễ sẩy thai... 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI