Báo động: Nhựa từ rác thải ngấm vào hải sản, và lên bàn tiệc

21/12/2017 - 15:44

PNO - Những mảnh nhựa nhỏ xuất hiện trong cơ thể các con sò, từ Bắc Âu đến Trung Quốc, cho thấy rằng ô nhiễm đại dương trên toàn cầu có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu nguồn nước Na Uy (NIVA), những con sò ở vùng nước Bắc Cực chứa nhiều chất nhựa dẻo nhất trong số các mẫu được kiểm tra dọc chiều dài bờ biển Na Uy.

Theo nhà nghiên cứu Amy Lusher của NIVA, mảnh nhựa có thể bị cuốn trôi theo các dòng hải lưu từ châu Âu và châu Mỹ, sau đó tích tụ tại vòng xoáy quanh Bắc Băng Dương.

Bao dong: Nhua tu rac thai ngam vao hai san, va len ban tiec
Những mảnh nhựa nhỏ li ti (đốm xanh) trong cơ thể một con sò.

Bà cho biết: “Các chất dẻo xuất hiện trong mẫu nghêu sò ở khắp mọi địa điểm được xem xét”.

Nhiều cuộc điều tra trước đây cũng chỉ ra sự “nhiễm nhựa” trong cơ thể sinh vật ở ngoài khơi các quốc gia như Trung Quốc, Chilê, Canada, Anh và Bỉ.

Ở Na Uy, mỗi con nhuyễn thể chứa trung bình 1,8 mảnh nhựa nhỏ hơn 5 mm, con số này ở Bắc Cực là 4,3.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu Trung Quốc gợi ý rằng loài sò có thể là một "chỉ báo sinh học về ô nhiễm mảnh nhựa" toàn cầu, bởi vì loài động vật thân mềm này sống ở đáy biển, và không di chuyển nhiều như các loài cá.

Tác động của những mảnh nhựa li ti lên sinh vật biển hoặc con người, thông qua chuỗi thức ăn, hiện không rõ ràng.

Bao dong: Nhua tu rac thai ngam vao hai san, va len ban tiec
Những mảnh nhựa ừ rác thải có thể xâm nhập vào cơ thể con người thông qua rất nhiều món ăn là hải sản.

Richard Thompson, giáo sư tại trường Đại học Plymouth, chuyên gia về vi chất, nói với Reuters về những phát hiện trên toàn thế giới: “Đây là tín hiệu cảnh báo rằng chúng ta cần phải làm gì đó để giảm lượng rác thải nhựa đổ vào đại dương”.

Vừa qua, gần 200 quốc gia đã ký một nghị quyết của LHQ trong việc loại bỏ nguồn rác thải gây ô nhiễm nhựa ở biển, ước tính khoảng 8 triệu tấn mỗi năm bao gồm chai lọ, túi siêu thị và bao bì thực phẩm.

Các nghiên cứu của giáo sư Thompson còn chỉ ra rằng hàm lượng nhựa dẻo cao ở đại dương có thể gây hại cho nhiều loài động vật sống dưới đáy biển, tích lũy dần trong các mô của chúng.

Trên thực tế, khả năng con người tiếp xúc với mảnh nhựa dẻo trong hải sản vẫn thấp hơn quá trình sử dụng các loại sản phẩm nhựa hàng ngày như đồ chơi, quần áo.

Linh La (Theo Reuters, TODAY)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI