Báo động nguồn nước giếng chứa chất gây ung thư

07/10/2016 - 08:00

PNO - Công bố mới đây của trung tâm y tế dự phòng TP.HCM về chất lượng nước giếng một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ mắc các chứng bệnh, trong đó có ung thư, do sử dụng nước giếng.

Điều đáng nói là, TP.HCM hiện vẫn còn hơn 200.000 hộ dân đang sử dụng nước giếng.

Biết ô nhiễm, vẫn phải xài

Đến khu vực “làng ung thư (UT)” gần bãi rác Đông Thạnh thuộc xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn nơi có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm trầm trọng, chúng tôi thật bất ngờ khi nhiều hộ dân đến nay vẫn chưa được cấp nước sạch dù đường ống nước đi ngang nhà. Dẫn chúng tôi ra sau nhà, nơi đặt bồn lọc nước tự chế, ông Nguyễn Văn

Cón ở tổ 7, ấp 2 dùng ngón tay quệt nhẹ vào lu nước đang đóng váng vàng khè, bức xúc nói: “Nước vừa tanh hôi lại vàng và có váng thế thì ai dám xài, vậy mà gia đình tôi và hàng chục người ở trọ phải bấm bụng tắm giặt, rửa ráy rau thịt 20 năm rồi. Thấy nhiều người quanh khu vực này bị bệnh UT, u nhọt nên cả nhà tôi phải chi thêm 300.000-400.000 đồng/tháng để mua bình nước lọc về uống và chỉ dám uống thôi, còn nấu canh, rửa rau thì vẫn phải xài nước giếng khoan”. Tương tự, con gái ông Cón và một số hộ dân ở tổ 7 cũng chưa có nước sạch do hồ sơ xin gắn đồng hồ nước đang chờ giải quyết.

Bao dong nguon nuoc gieng chua chat gay ung thu
Ông Cón với lu nước vàng khè, hôi tanh mà gia đình phải sử dụng hàng chục năm nay

Cách bãi rác Đông Thạnh khoảng 600m , con đường đất dẫn vào các hộ dân thuộc ấp 3, xã Đông Thạnh cũng chưa có đường ống nước đi vào. Cô Huỳnh Thị Phờ, nhà số 8/25 lo lắng hỏi: “Ống nước ngay trên đường, cách nhà tôi hơn 30m mà sao chưa đi vào các hộ dân? Mấy chục năm nay, tụi tui xài nước giếng, biết là ô nhiễm nhưng đành chịu”.

Tại khu vực tổ 9, ấp 6A, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, nơi có đường ống nước đi qua từ đầu năm nay, một số hộ dân vẫn trông ngóng nước sạch từng ngày. Chị Phạm Thị Thắm ở nhà không số, lấy ngay ly nước chưa được lọc cho chúng tôi xem: nước vừa đục vừa vàng, lại hôi tanh kinh khủng.

Chị Thắm phải mua bộ lọc mất ba triệu đồng, nhưng do nguồn nước giếng bị ô nhiễm nặng nên chỉ giảm độ đục, còn mùi hôi thì vẫn còn. “Nếu cứ xài nước này thì khỏi nói cũng biết rước bệnh vào người, chỉ có điều là không biết có bị UT không. Chúng tôi chỉ hạn chế bệnh bằng cách mua nước bình lọc về uống thôi”, chị Thắm âu lo.

Bao dong nguon nuoc gieng chua chat gay ung thu
Ly nước vừa vàng đục vừa có mùi hôi được chị Thắm mang cho chúng tôi xem.

Ngược lại, tại một số nơi có nguồn nước ô nhiễm, dù đã được cung cấp nước sạch nhưng người dân vẫn sử dụng nước giếng khoan để tiết kiệm kinh phí, hoặc do không quen mùi clo trong nước.

Cụ thể, tại xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, nhiều hộ dân chỉ xài nước máy cho có lệ, hoặc chỉ dùng nước máy để uống, còn các sinh hoạt khác thì vẫn sử dụng nước giếng khoan. Hay các hộ dân dọc các đường Tân Chánh Hiệp 25, Tân Chánh Hiệp 13, Tân Chánh Hiệp 21 thuộc P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, dù có nước sạch nhưng nhiều tháng nay vẫn không chịu dùng.

Ngoài ung thư, còn mắc nhiều bệnh khác

Đây không phải lần đầu, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước giếng do hầu hết chất lượng nước được lấy mẫu xét nghiệm tại các quận, huyện đều có “vấn đề”.

Mới đây nhất, người dân giật mình khi Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM công bố kết quả giám sát tám tháng về chất lượng nước giếng khoan tại các quận 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, các huyện Hóc Môn, Bình Chánh mà nhiều chất tồn đọng trong nước có khả năng gây UT cho người dùng.

Cụ thể, theo bác sĩ Lê Văn Nhân, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, qua lấy mẫu, có khoảng 42% mẫu có độ pH thấp. pH thấp làm tăng tính axít trong nước, ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa và tích lũy các ion kim loại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, như gây ngứa khi tắm gội, gây hỏng men răng, và có thể tạo điều kiện xuất hiện các bệnh ngoài da, đồng thời làm mau hỏng vải, quần áo khi giặt.

Đáng lưu ý, có 9,14% mẫu nước có hàm lượng amoni cao hơn giới hạn cho phép (khi lấy mẫu tại các quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và huyện Hóc Môn). Nước có hàm lượng amoni cao tức đã bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ; amoni trong nước ngầm khi gặp oxy trong không khí sẽ chuyển hóa thành nitrat và nitrit; nitrat và nitrit khi vào cơ thể gây nên hiện tượng methemoglobin (thiếu ôxy trong máu), đặc biệt là khi kết hợp với các axít amin trong cơ thể còn tạo thành chất nitrosamine gây UT.

Có khoảng 4% mẫu nước không đạt chỉ tiêu vi sinh như ecoli, coliforms do nước thải thấm vào mạch nước ngầm, dễ gây các bệnh đường ruột như tả, lỵ, thương hàn, sử dụng lâu dài có thể gây suy thận, nhiễm khuẩn huyết. Có 2% mẫu nước không đạt hàm lượng sắt tổng số, gây khó tiêu khi ăn…

Phân tích thêm, giáo sư - tiến sĩ Lê Huy Bá, chuyên gia môi trường cho rằng, ô nhiễm nước ngầm tại TP.HCM đang ngày càng trầm trọng do nguồn nước thải từ các cơ sở, nhà máy, khu công nghiệp chưa qua xử lý thẩm thấu xuống các tầng nước ngầm. Khu vực có thành phần đất cát nhiều (H.Hóc Môn, H.Củ Chi, Q.Thủ Đức) thì khả năng thẩm thấu càng nhiều; riêng đất có nhiều lớp sét thì thẩm thấu ít hơn. Nếu con người cứ khoan giếng và bơm nước lên dùng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Theo GS Bá, các tầng nước ngầm chưa đến 40m, tức tầng nước thổ nhưỡng, sẽ thẩm thấu gần như tất cả những gì nguồn nước mặt có, khi nước mặt ô nhiễm thì chắc chắn người sử dụng không tránh khỏi nguy cơ bệnh tật do các chất ô nhiễm tồn đọng gây ra, nhất là ô nhiễm hữu cơ amoni (ô nhiễm các chất có nguồn gốc từ nitơ như nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi…).

Các tầng nước ngầm được người dân khoan sâu từ 70-120m vẫn chưa thể gọi là an toàn, vẫn dễ dàng nhiễm các chất như kim loại nặng, asen… do quá trình khoan giếng, lắp đặt ống và bơm nước lên tạo ra hiện tượng thẩm lậu và nếu sử dụng nước có những kim loại nặng tích trữ lâu ngày, sẽ dẫn đến các chứng bệnh về thận, gan, thậm chí là UT.

“Không thể cứ nhìn nước trong, không có mùi thì cho là tốt, sạch bởi có nhiều thành phần mà mắt thường không thấy được. Theo tôi, để đảm bảo sức khỏe cho chính mình, người dân tuyệt đối không sử dụng nguồn nước ngầm”, GS Bá khuyến cáo.

Khoảng 200.000 hộ dân sử dụng nước giếng

Thống kê mới nhất của Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho thấy, tính đến ngày 15/8/2016, toàn TP còn khoảng 170.000 hộ dân (tương đương khoảng 8% tổng hộ) chưa được cấp nước sạch, chủ yếu tập trung tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và các Q.12, Bình Tân. Để đạt mục tiêu 100% hộ dân được sử dụng nước sạch trong năm 2016, UBND TP.HCM đề ra kế hoạch lắp đặt khoảng 1.282km mạng lưới ống, 128 đồng hồ tổng, nâng cấp và mở rộng 21 trạm cấp nước, lắp đặt thêm 433 bồn chứa nước và lắp 1.193 thiết bị lọc nước hộ gia đình.

Ngoài 8% hộ dân chưa có nước sạch, ngược lại cũng có 7% hộ dân có nước sạch nhưng lại không xài (0m3 /tháng) và 10% hộ dân xài rất ít (từ 1 - dưới 4m3 /tháng), tập trung tại các quận ven 12, Bình Tân, Gò Vấp và các huyện ngoại thành, cao nhất là huyện Hóc Môn với 6.766/27.030 đồng hồ nước có số đo sử dụng 0m3 /tháng

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo: Đối với khu vực chưa được cung cấp nước sạch, cần xử lý nước tại hộ gia đình trước khi đưa vào sử dụng bằng cách vệ sinh hệ thống lọc, vật chứa định kỳ , đậy kín các vật chứa nước, đồng thời UBND quận huyện có kế hoạch thay thế nguồn nước sạch tại các khu vực này. Đối với khu vực đã được cung cấp nước sạch, người dân cần ưu tiên sử dụng nó, chính quyền địa phương cần vận động người dân khu vực đã có nước sạch không khai thác ngầm, đồng thời trám lấp các giếng khoan tại hộ gia đình.

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI