Báo động ngộ độc hóa chất ở trẻ em

23/07/2018 - 06:59

PNO - Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM tiếp nhận khoảng 20 ca bệnh nhi uống nhầm hóa chất, xăng dầu và các chất độc hại khác.

Mỗi ngày, tại các bệnh viện nhi ở TP.HCM cũng tiếp nhận trẻ bị ngộ độc vào viện cấp cứu. Nguyên nhân đều do sự bất cẩn của người lớn. 

Trẻ khát nước - uống nhầm hóa chất

Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM cho biết, đã tiếp nhận bé gái 17 tháng tuổi tên Võ G.B. (H.Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) uống nhầm xăng dẫn đến hôn mê, suy hô hấp, tổn thương gan, thận, nguy cơ tử vong đến 80%. Người thân của bé cho biết, do khát nước bé lấy chai nước suối uống mà không biết trong đó chứa xăng. Sau khi uống, bé lập tức ho sặc sụa, khó thở, tím tái nên gia đình đưa đi cấp cứu. Kết quả chẩn đoán xác định bệnh nhi bị tổn thương gan, thận, tổn thương phổi nặng, xuất huyết phổi, tri giác hôn mê, phổi mờ trắng hai bên. Sau hai tuần điều trị tích cực, sức khỏe của bé mới ổn định và được xuất viện.

Bao dong ngo doc hoa chat o tre em
Ảnh: Hiếu Nguyễn

Bác sĩ Đinh Tấn Phương - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, nơi đây từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc xăng, nước tro tàu, dung dịch tẩy rửa trang sức, thậm chí thuốc trừ sâu… do người lớn đựng trong những vật chứa quen thuộc như chai nước suối.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 từng cấp cứu một bé gái 5 tuổi ở tỉnh Long An bị ngộ độc phospho hữu cơ (thành phần của thuốc trừ sâu). Khi chơi đồ hàng, bé bày các chai lọ ra, trong đó có thuốc trừ sâu được gia đình đựng trong chai nước suối. Đang chơi bé khát nước nên lấy ngay chai có thuốc trừ sâu uống và bị lơ mơ tri giác, suy hô hấp. May mắn, bé được các bác sĩ cứu sống kịp thời.

Bên cạnh đó, có những ca ngộ độc không thể ngờ như trường hợp của bé Cẩm G., 8 tuổi ở Q.7. Bé ngủ trong phòng cùng với gia đình; tới gần trưa, không thấy ai dậy nên hàng xóm qua tìm và phát hiện cả gia đình đều hôn mê. Bốn người được đưa đi cấp cứu, bé G. được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bác sĩ chẩn đoán bé bị ngộ độc khí ga - rò rỉ từ chiếc máy lạnh mới được bảo trì vài ngày trước. Rất may, cả gia đình bé G. đều qua khỏi.

Có thể ảnh hưởng sức khỏe lâu dài

Từ thực tế trẻ nhập viện do ngộ độc ở các bệnh viện nhi và nghiên cứu của bác sĩ Lê Phước Truyền về ngộ độc ở trẻ em nhập viện điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy: với nhóm vô ý bị ngộ độc thì hầu hết đều rơi vào nhóm trẻ dưới 5 tuổi và do sự bất cẩn của người lớn. Có trường hợp gia đình mua thuốc diệt chuột có hình dáng, màu sắc giống như viên kẹo - rải dưới đất, góc bàn tủ; trẻ nhầm tưởng đó là kẹo nên lượm ăn và bị ngộ độc. 

Bao dong ngo doc hoa chat o tre em
Bé 17 tháng uống nhầm xăng, may mắn được Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM cứu sống

Hay, nhiều gia đình có trang bị tủ thuốc y tế, hoặc đang điều trị bệnh, nhưng không cất giữ cẩn thận và trẻ vốn tính tò mò nên đã có rất nhiều trường hợp vô ý bị ngộ độc thuốc tân dược. Vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã điều trị thành công cho hai đứa trẻ 3 tuổi chơi trò bác sĩ, lấy thuốc làm đồ chơi và đến phần “bác sĩ nhí” phát thuốc cho nhau uống thì cả hai đứa trẻ đều uống 3 viên thuốc trị đau khớp của người lớn. Rất may cả hai đã được đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu kịp thời. 

Theo các chuyên gia nhi khoa, khi bị ngộ độc hóa chất, trẻ sẽ bị phỏng đường hô hấp, dạ dày và các cơ quan nội tạng của trẻ thường bị tổn thương nặng nề. Thuốc diệt cỏ paraquat được xem là cực độc và nguy cơ tử vong rất cao. Những trường hợp ngộ độc vô ý hay uống thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu tự tử - ngay cả khi được cứu sống thì sức khỏe của trẻ cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng về sau. Do vậy, theo bác sĩ Lê Phước Truyền, để phòng tránh tình trạng trẻ vô ý ngộ độc hóa chất, tuyệt đối không được chứa hóa chất vào những dụng cụ sinh hoạt quen thuộc như ly tách uống nước, hay vỏ chai nước giải khát. Không được để hóa chất, thuốc tân dược trong tầm với của trẻ. 

Xử trí khi trẻ bị ngộ độc hóa chất

Dùng nước súc miệng cho trẻ, nếu trẻ nhỏ thì lau rửa miệng. Lau rửa nhiều làm giảm nồng độ a-xít, hạn chế tổn thương lan rộng. Có thể cho trẻ uống nước lọc, sữa để làm loãng nồng độ hóa chất và giảm bỏng rát cổ họng. Cho trẻ uống từ từ nhằm tránh sặc nước khiến tình hình nghiêm trọng hơn và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được cấp cứu, giải độc.

Nếu trẻ uống các hóa chất ăn mòn hay bay hơi như a-xít, vôi sống, xăng dầu thì tuyệt đối không được gây nôn cho trẻ, sẽ làm nặng nề hơn tình trạng ngộ độc. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI