Diễn đàn “Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0”

Báo động nạn nói tục, chửi bậy

25/12/2023 - 19:20

PNO - Đầu tháng Mười hai, dư luận lại dậy sóng với việc nhân viên một quán xôi chè nổi tiếng ở Hà Nội chửi thực khách bằng những lời lẽ thô tục, nặng nề. Không biết từ khi nào chuyện “chửi bậy như hát hay” đã trở nên thịnh hành trong đời sống xã hội?

“Mốt” thời thượng?

Nói tục, chửi bậy đang là tình trạng phổ biến đến mức rất đáng lo ngại hiện nay. Rất nhiều người có thể dễ dàng phát ngôn những ngôn từ tục tĩu khiến người nghe thấy… mắc cỡ và không dám nhắc lại.

Văn hóa Việt Nam vẫn gắn hành vi nói tục, chửi bậy với những người thiếu giáo dục, những kẻ hay gây rối, học sinh cá biệt… Những gia đình có gia phong, lễ giáo không bao giờ phát ngôn những lời lẽ đáng xấu hổ như vậy. Nhưng giờ đây, hình ảnh những “nam thanh nữ tú” cứ hễ mở miệng là hồn nhiên nói tục, chửi bậy đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”.

Đáng lo ngại hơn, nói tục, chửi bậy đã hiện diện cả ở công sở lẫn nhà trường. Có những nhân viên công sở, thậm chí những người ở vị trí quản lý, đang xem việc nói tục là cách nói chuyện… hài hước. Nói tục, chửi bậy đã trở thành khẩu ngữ trong giao tiếp hằng ngày của họ. Không ít học sinh từ bậc tiểu học đã biết dùng ngôn ngữ thô lỗ, dùng tiếng lóng để giao tiếp, đùa giỡn với nhau. Thậm chí ở không ít trường học, số học sinh có khả năng chửi bậy chiếm đa số. Có học sinh đã thú nhận với cha mẹ: “Nếu không nói tục, chửi bậy, con sẽ bị bạn bè tẩy chay, không thèm chơi chung vì khác biệt với số đông”. Mọi việc cứ tiếp diễn, nhiều và thường xuyên đến mức người ta đã xem chuyện văng tục chửi bậy là điều quá đỗi bình thường, ai cũng có thể nói, có thể nghe trong cuộc sống hằng ngày.

Phim Nhà bà Nữ từng bị phản ứng vì  để các nhân vật nói bậy, chửi tục quá nhiều
Phim Nhà bà Nữ từng bị phản ứng vì để các nhân vật nói bậy, chửi tục quá nhiều

Một diễn viên hài khi trả lời báo chí từng lập luận: “Diễn hài thì phải có chửi bậy, nói tục mới hài, khán giả mới cười”. Hay ở bộ phim Nhà bà Nữ công chiếu hồi tết, điều gây ra nhiều tranh luận nhất chính là việc các nhân vật trong phim mắng chửi và dùng quá nhiều từ ngữ thô thiển. Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có luồng ý kiến ủng hộ, cho rằng đó là điều bình thường vì “thể hiện đúng tinh thần ngôn ngữ bình dân của nhân vật” và “bộ phim đã phản ánh chân thực ngôn ngữ của đời sống thị dân” (?).

Đáng buồn thay, khi có quá nhiều khẩu hiệu về xây dựng khu phố, gia đình, cộng đồng văn hóa, văn minh… thì ngôn ngữ chửi bậy lại phát triển với tốc độ chóng mặt trong cuộc sống. Sự ô nhiễm về mặt ngôn ngữ có khả năng lan tỏa không kém so với ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường. Việc nói bậy, chửi thề còn phát triển thành một hệ thống ký tự viết tắt đa dạng, sử dụng phổ biến trong các cuộc trò chuyện, trao đổi cả trong đời thực lẫn mạng xã hội.

Xã hội bỗng dưng xuất hiện những bậc “thánh chửi” với những nickname nghe rất chối tai: “Nữ hoàng chửi thề”, “Hot girl chửi tục”, “Thánh chửi”… Điều đáng lo ngại nhất là những clip nói tục, chửi bậy của những nhân vật này thu hút hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn lượt chia sẻ, nhiều người like. Cá biệt như Facebook của một “thánh chửi” ở Bắc Ninh (từng bị công an bắt vì tội gây rối trật tự công cộng) có đến hơn 700.000 người theo dõi. Sau khi Facebook và kênh YouTube cũ bị xóa sổ, “thánh chửi” này lập kênh YouTube mới và chỉ sau 1 tuần, kênh này lại có hơn 100.000 người theo dõi. Hay L.D. - một người bỗng dưng nổi tiếng rần rần “cõi mạng” nhờ những clip chửi bới bằng ngôn ngữ không thể tục tằn, thô lỗ hơn. Ngay cả hoa hậu cũng có người bị công chúng phát hiện văng tục, chửi bậy trong đời thường lẫn mạng xã hội.

Tại Các tiểu vương quốc Ả Rập (UAE), hành vi chửi thề trên bất kỳ mạng xã hội nào bị xem là phạm luật. Việc chửi thề ở nơi công cộng bị cấm hoàn toàn kể cả với việc sử dụng chữ “F” (viết tắt của từ chửi thề) cũng bị coi là phạm tội, vì nó “làm mất danh dự, sự khiêm tốn” của con người. Nếu bị phát hiện, người vi phạm có thể bị phạt 1 năm tù và nộp khoản tiền lên tới 2.700 USD. Người nước ngoài có hành vi dùng “ngón tay thối” cũng sẽ bị trục xuất.

Học đòi theo các “thánh chửi”, một bộ phận giới trẻ đã bắt chước live stream hoặc đăng clip nói tục, chửi bậy nhằm mục đích câu view, mong muốn trở thành người nổi tiếng. Từ đây, hàng loạt trang fanpage, hội nhóm nói tục, chửi thề cũng đã được thành lập. Nhiều hội nhóm có đến hàng ngàn thành viên tham gia.

Dị tật của văn hóa

Theo những tài liệu cũ, từ xa xưa người Việt đã xem việc chửi rủa, nhục mạ người khác là hành vi bị lên án và cần tẩy trừ. Thời nhà Lê còn quy định nhiều hình phạt về tội đánh nhau, chửi nhau, áp dụng từ hàng quan tam phẩm xuống đến dân thường. Nhẹ thì bị phạt đánh bằng roi, nộp tiền; nặng có thể bị tù đày, thậm chí bị xử tử… Việc xử phạt đối với hành vi nói tục, chửi bậy không phải là không có lý do. Thực tế trong đời sống cho thấy nhiều cuộc xô xát, đánh nhau, thậm chí dẫn đến án mạng đau lòng bắt đầu từ hành vi nói tục, chửi bậy, mạt sát nhau.

Ấy vậy mà ngày nay người ta lại sẵn sàng văng tục vì những lý do rất đơn giản: nói tục cho vui, nói tục để xả stress, nói tục để cho thấy mình cũng là người sành điệu, nhanh chóng tiếp thu xu thế mới của xã hội… Nhiều người lên mạng xã hội xem các clip nói tục, chửi bậy như một trò mua vui, giải trí không mất tiền. Trong gia đình, người lớn hồn nhiên nói tục, chửi bậy, làm sao tránh được việc trẻ nhỏ bắt chước? Ở trường học, biết học sinh nói tục mà giáo viên không nghiêm khắc nhắc nhở, quở phạt thì học trò cũng xem việc nói bậy, chửi tục “cũng thường thôi”.

Rất nhiều tài khoản với nội dung chính là chửi lan tràn trên YouTube
Rất nhiều tài khoản với nội dung chính là chửi lan tràn trên YouTube

Khi việc nói tục, chửi bậy trở thành thứ ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp, trên mạng xã hội thì không thể xem là chuyện bình thường. Dù biện minh bằng bất kỳ lý do nào, không thể thừa nhận việc nói tục chửi bậy như một thói quen trong giao tiếp, ứng xử.

Trở lại với câu chuyện của bộ phim Nhà bà Nữ, không phủ nhận chuyện nói tục, chửi bậy là thực trạng của xã hội. Phim ảnh chính là những phản chiếu thực tế của đời sống. Nhưng đã gọi là nghệ thuật, dù mang nhiều yếu tố giải trí thì sự thật phải được kể lại bằng hình thức, thủ pháp nghệ thuật và có giá trị nghệ thuật, không thể mô tả đời sống hiện thực một cách tự nhiên chủ nghĩa. Không chỉ riêng Nhà bà Nữ, có lẽ những người làm nghệ thuật cũng nên chú ý đến quy tắc này khi xây dựng tác phẩm, bởi sức ảnh hưởng của các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật và người nổi tiếng với công chúng, cộng đồng là rất lớn.

Nói tục, chửi bậy đang làm méo mó sự trong sáng của tiếng Việt. Khi đất nước đang nỗ lực xây dựng một xã hội văn hóa, văn minh, hiện đại thì càng không có lý do gì để có thể “bình thường hóa” những ngôn ngữ thô lỗ, tục tằn, vô văn hóa và cho phép chúng ngang nhiên tồn tại trong xã hội.

Khi im lặng trước những thói hư, tật xấu và xem đó là chuyện bình thường, liệu có ai chợt nghĩ, một khi không thể kiểm soát, việc nói tục chửi thề trở thành thói quen trong giao tiếp thì hệ lụy để lại cho tiếng Việt sẽ ra sao? Những chuẩn mực trong văn phong, ngữ pháp tiếng Việt sẽ đi về đâu với cách sử dụng ngôn ngữ vô tội vạ hiện nay của một bộ phận không nhỏ người dân trong cộng đồng?

Giữ gìn, xây dựng lối sống văn hóa thời đại 4.0 đôi khi không cần phải có hành động gì quá to tát. Khi từng cá nhân không để những ngôn ngữ thô tục kia xâm nhập vào kho dữ liệu ngôn ngữ của mình và gia đình, đồng nghĩa với việc bạn đã góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; góp phần giữ chuẩn mực cho văn hóa giao tiếp ngay từ gia đình - môi trường quan trọng đầu tiên và có nhiều ý nghĩa quyết định trong việc tạo nên nền tảng cho các thành viên trong xã hội.

Và khi mỗi cá nhân có đủ bản lĩnh, vững vàng để không bị cuốn vào “trend” nói tục, chửi bậy của đám đông, bạn cũng sẽ bảo vệ được cả vẻ đẹp ngôn ngữ của chính mình. Ngôn ngữ của mỗi cá nhân thường phản ánh hình ảnh và tính cách của cá nhân đó. Sử dụng ngôn ngữ có kiểm soát giúp chúng ta xây dựng hình ảnh tích cực. Đó là cách để chúng ta tôn trọng bản thân đồng thời cũng là sự tôn trọng đối với người xung quanh. 

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn

Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn 

Ngọc Linh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI