Báo động nạn mua bán trẻ em núp bóng cho nhận con nuôi

30/05/2024 - 06:09

PNO - Tại Philippines, đang có sự gia tăng đột biến các tài khoản mạng xã hội quảng cáo bán trẻ em dưới hình thức nhận con nuôi bất hợp pháp.

Quảng cáo bán trẻ công khai

Mới đây, Bộ Phúc lợi và Phát triển xã hội (DSWD) của Philippines đã tiết lộ “xu hướng đáng lo ngại” về việc một số tài khoản mạng xã hội Facebook ở nước này chứa đầy quảng cáo bán trẻ em, bao gồm những trường hợp bị chính cha mẹ ruột rao bán. DSWD - thông qua Cơ quan Chăm sóc trẻ em quốc gia (NACC) - đã theo dõi khoảng 20 tài khoản Facebook liên quan đến việc mua bán trẻ em kể từ năm 2023. Những phát hiện của họ sau đó đã được chuyển cho Cảnh sát quốc gia Philippines để bắt giữ thủ phạm.

Một vụ việc điển hình là em bé chỉ mới 8 ngày tuổi đã được cảnh sát giải cứu. Mẹ của bé đã cố gắng bán con với giá 50.000 peso Philippines (859 USD) và một đại lý môi giới nâng giá chào bán lên 90.000 peso. Lực lượng chức năng đã buộc tội người mẹ và người môi giới vì buôn bán trẻ em, đứa bé hiện đang được chăm sóc tại trại trẻ mồ côi.

Chính phủ Philippines đã nỗ lực ngăn chặn nạn mua bán trẻ em, bắt đầu từ các nhóm “cho tặng” trẻ em trên Facebook  - Ảnh minh họa: Shutterstock
Chính phủ Philippines đã nỗ lực ngăn chặn nạn mua bán trẻ em, bắt đầu từ các nhóm “cho tặng” trẻ em trên Facebook - Ảnh minh họa: Shutterstock

Rex Gatchalian - thư ký DSWD - cho biết trong cuộc họp báo vào ngày 20/5: “Xu hướng này thật đáng lo ngại vì đang trở nên phổ biến hơn. Đây là một hình thức bóc lột trẻ em và buôn bán người tàn ác”. Theo ông Gatchalian, việc nhận con nuôi trái phép hoặc mua bán trẻ em được điều chỉnh theo Đạo luật Chống buôn bán người mở rộng, sửa đổi lần cuối vào năm 2022.

Bà Amihan Abueva - Giám đốc điều hành khu vực của Liên minh quyền trẻ em châu Á và là đồng sáng lập tổ chức chống buôn bán trẻ em ECPAT - cho biết: “Người mua trong các bài đăng thường là những cặp vợ chồng không có con, gặp khó khăn với các chính sách nhận con nuôi. Tuy nhiên, trẻ em cũng có thể trở thành đối tượng bị khai thác tình dục bởi các tổ chức chuyên săn tìm con mồi cho những kẻ ấu dâm”.

Theo tổ chức phi chính phủ International Justice Mission (trụ sở tại Mỹ), gần 500.000 trẻ em Philippines bị buôn bán để bóc lột tình dục vào năm 2022, gần 250.000 người lớn đứng sau các âm mưu buôn người này. Theo bà Abueva, khó khăn gia đình, hành vi tình dục vô trách nhiệm ở người lớn và việc thiếu giáo dục có thể khiến các bậc cha mẹ chọn bán con.

Bà tiết lộ: mua bán trẻ em không chỉ xuất hiện ở Philippines mà còn phổ biến ở các quốc gia khác như Malaysia, với các trang mạng xã hội và trang web công khai chào mời những em bé “đang cần một mái ấm yêu thương”.

Vào tháng 11/2023, 6 người đã bị bắt tại Hồ Bắc, Trung Quốc vì liên quan đến đường dây buôn bán trẻ em có liên kết với bệnh viện ở một trong những thành phố lớn nhất của tỉnh. Vụ việc nổi lên sau khi một người dùng mạng xã hội Weibo có tên Shangguan Zhengyi đăng một loạt cáo buộc về một giám đốc bệnh viện là bà Ye Youzhi.

Theo Shangguan, bà Ye đã thông đồng với “các bên trung gian trực tuyến” để bán giấy khai sinh với giá 96.000 nhân dân tệ (13.250 USD) nhằm hợp thức hóa cho những đứa trẻ bị mua bán.

Sau khi bán giấy khai sinh, bệnh viện sẽ thực hiện quy trình đăng ký “thông thường” cho trẻ sơ sinh, bao gồm cấp sổ tiêm chủng và hỗ trợ yêu cầu đăng ký hộ khẩu.

Anh Shangguan cho biết, một bé gái đã được bán vào tháng 9/2023 với giá 118.000 nhân dân tệ (16.290 USD) và sau đó chuyển đến gia đình tại tỉnh Tứ Xuyên. Hiện chưa rõ có bao nhiêu trẻ sơ sinh đã bị buôn bán qua đường dây này.

Ngăn chặn trục lợi trẻ em

Deborah Fry - giáo sư nghiên cứu về bảo vệ trẻ em quốc tế và Giám đốc dữ liệu tại Viện An toàn trẻ em toàn cầu Childlight, Đại học Edinburgh (Anh) - cho biết, trung bình hằng năm có hơn 300 triệu thanh thiếu niên trên thế giới trải qua lạm dụng, bóc lột tình dục trực tuyến trong giai đoạn 2011-2023.

Số trường hợp lạm dụng tăng vọt kể từ khi đại dịch làm thay đổi thói quen trực tuyến của thế giới. Tổ chức Theo dõi internet (IWF - Anh) báo cáo vào năm 2023 rằng, dữ liệu lạm dụng tình dục trẻ em từ 7-10 tuổi đã tăng hơn 1.000% kể từ khi Anh tiến hành phong tỏa để chống dịch.

Việc bóc lột trẻ em tồn tại ở mọi nơi trên thế giới. Dựa trên thông tin tình báo từ nhiều đối tác trong lĩnh vực này, giáo sư Deborah Fry và nhóm của ông nhận xét phần lớn các quốc gia thành viên Interpol thiếu nguồn lực để xử lý hoạt động tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em trên internet.

Ông nhận xét: “Sự hợp tác đa ngành, đa quốc gia, giáo dục nhiều hơn và trong một số trường hợp là quy định pháp luật chặt chẽ hơn đều có thể giúp ích. Chúng ta cần hành động ngay lập tức vì trẻ em không thể chờ đợi sự giúp đỡ”.

Linh La (theo SCMP, The Guardian, The Conversation, GMA Network)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI