Báo động nạn bạo lực đối với phụ nữ ở châu Á

28/11/2021 - 16:47

PNO - Bị cố tình “đụng chạm” nơi công cộng, bị bạn tình cũ sát hại, bị chủ đánh đập là những gì phụ nữ ở nhiều nước châu Á đang phải hứng chịu. Thêm vào đó, họ còn phải đối mặt với tình trạng bạo lực gia đình gia tăng, cùng với lạm dụng tình dục và phân biệt đối xử theo giới trong đại dịch COVID-19.

Theo phân tích của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRCRC) - được nêu ra trong một báo cáo được công bố trong tuần qua, nhân sự kiện Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ - có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó chủ yếu là do áp lực căng thẳng kinh tế, xã hội đối với phụ nữ châu Á ngày càng tăng, và việc các nước áp đặt lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 buộc phụ nữ phải ở nhà nhiều hơn.

Phụ nữ Pakistan tuần hành nhân ngày Thế giới chống bạo lực
Phụ nữ Pakistan tuần hành ở Karachi nhân ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 

Báo cáo cho biết, tại các quốc gia như Pakistan, các chuyên gia và những nhà hoạt động vì phụ nữ và trẻ em cho rằng bạo lực đối với các đối tượng này đã lên đến mức báo động.

Trường hợp gây chấn động gần đây nhất là Noor Muqaddam, 27 tuổi, người đã bị tra tấn và chặt đầu ở Islamabad vào tháng 7/2021. Theo báo chí địa phương, Zahir Jaffer - nghi phạm chính trong vụ án - đã giam giữ Noor trong 3 ngày, và khi nạn nhân tìm cách trốn thoát, Jaffer đã cho nhân viên bảo vệ và người làm vườn đóng cổng chính.

Cha mẹ của Jaffer cũng bị buộc tội tiếp tay cho tội ác, vì biết rằng Noor đang bị giam giữ nhưng vẫn không thông báo cho cảnh sát.

Ở các quốc gia khác, chẳng hạn như Singapore, số vụ bạo lực tình dục cũng gia tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây của tổ chức phi lợi nhuận Aware, trong 70% những trường hợp này, nạn nhân không khiếu nại chính thức, vì nhiều người sợ rằng lời khai của mình sẽ không được tin tưởng, còn gia đình và bạn bè thì cũng sẽ có những phản ứng tiêu cực.

Theo báo cáo của IFRCRC, khoảng 1/3 phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới - tương đương 736 triệu người - đã từng bị bạo lực tình dục ít nhất một lần trong đời. Và con số này vẫn chưa bao gồm các vụ quấy rối tình dục.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm tệ nạn này thêm trầm trọng ở nhiều quốc gia trong thời kỳ đại dịch.

Các nhà hoạt động vì nữ quyền kêu gọi các quốc gia hành động
Các nhà hoạt động vì nữ quyền kêu gọi các quốc gia hành động

Một người phát ngôn của Harmony House - nơi lánh nạn đầu tiên dành cho những phụ nữ bị lạm dụng ở Hồng Kông - cho biết đã tiếp nhận 272 gia đình từ tháng 1/2020 đến tháng 2/2021.

“Dịch COVID-19 đã làm gia tăng số lượng và tần suất xảy ra các vụ bạo lực gia đình, làm cho số trường hợp được nhận vào nhà tạm lánh tăng lên”, người phát ngôn này cho biết.

Trong khi đó, bà Linda S.Y. Wong - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Chống bạo lực tình dục đối với phụ nữ, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hồng Kông - cho biết từ tháng 4/2020 đến tháng 3/2021, đường dây hỗ trợ và dịch vụ tư vấn trực tuyến của tổ chức này đã nhận được 2.665 yêu cầu, con số cao nhất trong 4 năm qua.

Theo nhận định của IFRCRC, do đại dịch, nhiều trẻ em gái và phụ nữ trẻ - bao gồm cả một số người thuộc các dân tộc thiểu số ở Hồng Kông và Anh - không có cơ hội học tập và thường bị “cưỡng hôn”.

Đây là cũng là một tệ nạn kéo dài ở một số quốc gia như Ấn Độ và Pakistan, và càng trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch khiến nhiều người bị mất việc làm, áp lực tài chính gia đình tăng lên. Một số gia đình thậm chí còn ép những bé gái mới 8 tuổi kết hôn để thoát cảnh túng thiếu.

Theo IFRCRC, những phụ nữ là lao động nhập cư còn thường xuyên bị trầm cảm và kiệt sức. Một số khác thì phải đối mặt với bạo lực thể xác.

Tại Hồng Kông, một người giúp việc gia đình là người nhập cư cho biết cô đã bị lạm dụng trong hơn một năm, gây ra sự phẫn nộ trong cộng đồng khoảng 370.000 lao động trong lĩnh vực này tại đây, với đa số là phụ nữ đến từ Philippines và Indonesia.

Trong vụ việc này, Eden Gumba Pales, 37 tuổi, người Philippines, đã cáo buộc chủ của cô đã thường xuyên có những hành vi bạo lực và lạm dụng đối với cô, như tát vào mặt, đánh bằng muỗng, ép cô ăn cháo có pha chất tẩy rửa và đập đầu cô vào tường vì quên vệ sinh đồ chơi cho con chủ nhà.

Pales còn cho biết cô phải làm việc quá nhiều giờ, không được đi chơi vào những ngày nghỉ, khiến cô cảm thấy kiệt sức và có nguy cơ tử vong. Vì vậy, cô đã quyết định bỏ trốn khỏi nhà chủ vào ngày 30/5 và đưa vụ việc ra tòa. Phiên điều trần tiếp theo của vụ án này dự kiến ​​sẽ diễn ra vào tháng 1/2022.

Tại Afghanistan, kể từ khi Taliban nắm quyền vào tháng 8, trẻ em gái và phụ nữ bị hạn chế rất nhiều quyền, trong đó nhiều người không được đi làm và đi học. Những phụ nữ biểu tình đấu tranh cho quyền lợi của mình cho biết thường xuyên nhận được những lời đe dọa sẽ bị sát hại.

Theo IFRCRC, bị quay, chụp những hình ảnh nhạy cảm rồi tung lên mạng là một hình thức quấy rối và đe dọa khác mà phụ nữ ở châu Á phải đối mặt.

Hàn Quốc đã ghi nhận hơn 1.200 vụ thanh thiếu niên là nạn nhân của tội phạm tình dục kỹ thuật số trong năm nay, theo số liệu của Tổ chức vì quyền lợi của phụ nữ nước này.

Vào tháng 10/2021, một nhóm đàn ông ở Hàn Quốc đã bị bắt, sau khi “hối lộ” một nhân viên nhà nghỉ để lắp đặt camera gián điệp trong tất cả các phòng ở. Nhóm người này đã quay phim hàng trăm khách trong nhà nghỉ này, sau đó tống tiền họ bằng cách đe dọa tung các đoạn phim nhạy cảm lên mạng.

Tháng 11/2021, các nhà chức trách Hàn Quốc cũng đã bắt giữ một hiệu trưởng trường tiểu học, người đã cài đặt một camera quay lén bên trong một phòng tắm dành cho các nhân viên nữ của trường.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI