Báo động nạn ăn cắp thông tin cá nhân nữ để đe dọa và khủng bố bằng phần mềm gián điệp

03/08/2021 - 06:20

PNO - Một số nhà báo và nhà hoạt động nữ ở Trung Đông cho biết gần đây đã bị chính phủ các nước đe dọa và bịt miệng bằng cách dùng ứng dụng giám sát thông tin Pegasus để đánh cắp và chia sẻ những hình ảnh riêng tư và nhạy cảm từ điện thoại cá nhân của họ lên mạng internet. Qua điều tra, Tổ chức Ân xá quốc tế cho biết nạn nhân của các vụ tấn công này còn có cả một số nguyên thủ quốc gia.

Tháng 6 năm ngoái, Ghada Oueiss - một nhà báo của đài truyền hình Lebanon tại Al-Jazeera - đang ăn tối tại nhà với chồng thì nhận được tin nhắn từ một đồng nghiệp, nói rằng cô nên kiểm tra tài khoản Twitter.

Oueiss mở tài khoản và kinh hoàng khi nhìn thấy một bức ảnh riêng tư của mình, trong cảnh đang mặc bikini và ở trong bồn ngâm jacuzzi. Bức ảnh này đã được một loạt các tài khoản mạng lan truyền nhanh chóng sau đó, kèm theo những lời bình sai sự thật rằng nó được chụp tại nhà của sếp cô.

Nhà báo Ghada Oueiss
Nhà báo Ghada Oueiss

Trong vài ngày tiếp theo, Oueiss đã phải đối mặt với hàng ngàn tin nhắn qua tài khoản Twitter và trực tiếp, bôi nhọ uy tín của cô bằng cách dùng những từ ngữ miệt thị, thậm chí còn mô tả cô như một gái mại dâm. Trong số đó, có nhiều tin nhắn có vẻ như đến từ những tài khoản ủng hộ Thái tử Ả Rập Saudi - Mohammed bin Salman Al Saud (còn được gọi là MBS) - và một số tài khoản đã được xác minh là của các quan chức chính phủ.

“Ngay lập tức, tôi nhận ra rằng điện thoại của mình đã bị tấn công. Những bức ảnh này rất riêng tư và tôi chưa chia sẻ với bất cứ ai hay đăng tải lên bất cứ chỗ nào. Chúng chỉ có trên điện thoại của tôi”, Oueiss cho biết và tin rằng cô đã trở thành mục tiêu của một thủ đoạn “hack” (ăn cắp) thông tin cá nhân và gây áp lực để “bịt miệng”.

“Tôi đã quen với việc bị quấy rối trên mạng. Nhưng trường hợp này thì hoàn toàn khác. Cứ như thể có ai đó đã đột nhập vào nhà tôi, vào phòng ngủ, phòng tắm của tôi. Tôi đã cảm thấy rất bất an và bị tổn thương”, Oueiss chia sẻ.

Oueiss hiện là một trong số nhiều nhà hoạt động nổi tiếng đang bị nhắm làm mục tiêu quấy rối thông qua việc ăn cắp thông tin cá nhân từ điện thoại đi động, bằng cách sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus. Phần mềm này có khả năng biến điện thoại thành thiết bị giám sát, kích hoạt micrô và camera và truy xuất các dữ liệu được lưu trữ trong điện thoại mà người dùng không hề hay biết.

Vào tháng 12, Ouiess đã đệ đơn kiện thái tử cùng với các bị cáo khác, trong đó có Mohamed bin Zayed - người cai quản Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - và hai người dùng Twitter, những người mà Oueiss tin rằng đã chia sẻ hình ảnh của cô lên mạng.

Trong đơn khiếu nại, được đệ trình lên Tòa án Quận Nam Florida ở Mỹ, Oueiss cho biết điện thoại của mình đã được một chuyên gia giám định kỹ thuật số kiểm tra và xác định rằng nó đã bị phần mềm gián điệp Pegasus xâm nhập và đánh cắp hình ảnh. Nhưng các bị cáo đã đệ đơn đề nghị bác bỏ vụ án.

Tổ chức phi lợi nhuận Forbidden Stories và Tổ chức Ân xá quốc tế, có trụ sở tại Paris (Pháp), hiện đang phối hợp với 16 đối tác truyền thông để điều tra các vụ đánh cắp thông và vi phạm nhân quyền đối với chủ nhân của khoảng 50.000 số điện thoại trên toàn thế giới bằng phần mềm gián điệp Pegasus. Trong số các mục tiêu của các vụ tấn công này có cả các nguyên thủ quốc gia, các nhà hoạt động và nhà báo.

Hiện, Tổ chức Ân xá Quốc tế đang kêu gọi các chính phủ ban hành lệnh cấm xuất khẩu, bán và sử dụng các công nghệ giám sát như Pegasus cho đến khi công ty sở hữu ứng dụng này ban hành các quy định xử lý chặt chẽ.

Nhất Nguyên (theo NBC News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI