Báo động: Mỗi ngày 7 phụ nữ Việt tử vong vì ung thư cổ tử cung

18/08/2016 - 06:42

PNO - Tại Việt Nam ước tính có 5.300 ca mắc mới và 2.500 ca tử vong mỗi năm do ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Phần lớn tỷ lệ tử vong đến từ các nước châu Á. Ung thư cổ tử cung vẫn còn là gánh nặng của toàn cầu và Việt Nam. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khoa học về việc phát hiện sớm nguy cơ ung thư cổ tử cung do Hội Sản phụ khoa Việt Nam tổ chức chiều 17/8, tại Hà Nội.

Tại buổi họp, PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Bộ Y tế) cho hay:

Tại Việt Nam, mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung. Phụ nữ trong nhóm nguy cơ bị ung thư cổ tử cung (từ 15 tuổi trở lên) khoảng 36,39 triệu người; tỷ lệ phụ nữ (từ 18 – 69 tuổi) được sàng lọc ung thư cổ tử cung khoảng 4,5- 5,0%. 

Bao dong: Moi ngay 7 phu nu Viet tu vong vi ung thu co tu cung
10 bệnh ung thư thường gặp nhất ở nam và nữ.

Theo ông Nguyễn Trần Hiển - Chủ tịch Hội Y học dự phòng VN, nguyên viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, mỗi năm thế giới có khoảng 490.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, 270.000 phụ nữ tử vong do căn bệnh này.

Tại Việt Nam ước tính có 5.300 ca mắc mới và 2.500 ca tử vong mỗi năm do ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.

Những bệnh ung thư xuất hiện ở phụ nữ chủ yếu như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, đại tràng, tuyến giáp...Đây là những con số liên quan đến ung thư tại Việt Nam năm 2016 khiến người Việt một lần nữa "giật mình".

Trước đó vài tháng, chia sẻ về bức tranh bệnh ung thư tại Việt Nam, PGS. Trần Văn Thuấn, PGĐ Bệnh viện K (Hà Nội) cũng cho biết, trong bản đồ ung thư thế giới, tỷ lệ mắc ung thư ở nam giới Việt Nam được xếp ở mức thứ 3 với 135,2-178,3 ca mắc trên 100.000 người.

Tỷ lệ tử vong do ung thư của đàn ông Việt nằm trong nhóm đầu tương đương một số nước khác, với hơn 142 ca tử vong trên 100.000 người.

Lý giải điều này, theo phó giáo sư Thuấn, nam giới Việt Nam thường mắc các bệnh ung thư khó chữa như phổi, gan. Bên cạnh đó, người dân nói chung đặc biệt là nam giới ý thức khám chữa bệnh kém nên phần lớn phát hiện bệnh và điều trị khi đã ở giai đoạn muộn với tỷ lệ trên 70%, cơ hội chữa khỏi giảm nhiều.

Dự kiến 5 năm tới, sẽ có 200.000 ca mắc ung thư mới mỗi năm

Được biết, trong 15 năm qua, số người mắc bệnh ung thư nói chung ở Việt Nam đã tăng gấp đôi (từ 69.000 ca lên 150.000 ca) và dự kiến trong 5 năm tới, mỗi năm sẽ có 200.000 ca mắc mới bệnh ung thư.

GS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, chỉ rõ, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, 80% nguyên nhân sinh ra ung thư là từ môi trường bên ngoài.

Ở Việt Nam, đúng là có hiện tượng tăng bệnh ung thư rất nhanh. Những năm 1990, số lượng người mắc bệnh này còn rất thấp, khoảng 70.000 người trong một năm, nhưng đến năm 2010-2015, con số này mỗi năm đã là 150.000 người.

Dự báo đến năm 2020, tức 4-5 năm nữa thôi, sẽ có 200.000 người mắc ung thư mới mỗi năm. Cộng với số người đã mắc bệnh ung thư đang điều trị và số người đã khỏi bệnh ung thư rồi thì tỷ lệ mắc bệnh này ở Việt Nam còn cao hơn rất nhiều.

Thế nhưng, ông Đức khẳng định: "Nếu nói Việt Nam sẽ là nước có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất thế giới không hẳn là chính xác, mà có lẽ, phải nói là Việt Nam có tốc độ tăng các ca mắc ung thư vào loại nhanh nhất thế giới thì đúng hơn".

Để giảm các ca mắc ung thư, theo ông Đức, ưu tiên hàng đầu là phải làm sao phòng bệnh đã, giảm được tỷ lệ mắc. Muốn vậy, phải ngăn chặn được tác nhân gây ung thư. Muốn chữa tốt thì phải làm sao phát hiện được bệnh sớm.

Thế thì, về việc ngăn chặn bệnh, các tác nhân sinh ung thư ở chúng ta đã được phát hiện nhiều, đặc biệt là thuốc lá. Vậy thì, phải làm tốt hơn nữa công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Cùng với đó là vấn đề an toàn thực phẩm, thực phẩm của chúng ta không an toàn quá nhiều.

"Chúng ta thấy rằng, giờ đây, người dân còn nói, không biết ăn gì, ăn gì cũng chết. Có những câu nói hài hước, bi quan, thôi thì ăn thì chết về sau, không ăn thì sẽ chết ngay bây giờ, thôi thì... cứ ăn. Đó là một thực trạng. Ta phải làm tốt hơn nữa công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhiều người cũng đã nói, người Việt Nam chúng ta đang đầu độc lẫn nhau. Đạo đức xã hội đang có vấn đề nghiêm trọng, người ta không thấy được hiểm hoạ chung cho cộng đồng, trong đó, có chính bản thân mình mà chỉ thấy cái lợi trước mắt.

Xã hội phải lên tiếng mạnh hơn nữa, phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa, thay đổi được quan điểm vì lợi ích cá nhân mà bất chấp sức khoẻ cộng đồng và nguy hại cho xã hội", ông Đức nhấn mạnh.

Hà My (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI