Báo động hàng loạt nữ sinh mắc... rối loạn phân ly tập thể

23/12/2017 - 09:31

PNO - 6 nữ sinh thường có biểu hiện lạ trong khoảng từ 15 phút đến hơn 1 giờ. Hết cơn, các em lại tỉnh táo, học hành và vui chơi với các bạn bình thường, sức khỏe cũng không thấy có vấn đề gì.

Gần đây, nhiều vụ nữ sinh mắc rối loạn phân ly tập thể tại trường xảy ra dồn dập đã khiến cả phụ huynh và các trường rất hoang mang. Hơn lúc nào hết, vai trò của công tác tư vấn tâm lý trong các trường học lại được đặt ra, nhằm hỗ trợ các em giải tỏa tâm lý...

Báo dọng hàng loạt nũ sinh mác... roi loan phan ly tap the
Trung tâm Y tế huyện Krông Bông thăm khám cho các học sinh bị bệnh lạ

Bỗng dưng lảm nhảm, hung hăng...

Khi 9 em học sinh (HS) ở Bắc Kạn có biểu hiện lảm nhảm bất thường được các bác sĩ (BS) xác định là bị rối loạn phân ly tập thể thì chỉ 1 tuần sau, tại Trường tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) lại có thêm 6 nữ sinh có biểu hiện mắc chứng bệnh này.

Đáng báo động là trước đây hiện tượng này cũng đã xuất hiện rải rác ở một số trường, với nhiều HS đồng loạt bị ngất.

Cụ thể, năm 2011 tại Trường cấp II - III Phạm Văn Đồng, tỉnh Phú Yên có 60 nữ sinh của nhiều lớp đồng loạt bị ngất xỉu và co giật; năm 2012 tại Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, Phú Yên lại có hơn 25 nữ sinh bị ngất xỉu trong giờ học... Các em tại điểm trường Ea Lang, Trường tiểu học Cư Pui 2 thì có biểu hiện nói nhảm, quậy phá, la hét, chửi rủa; một số em còn đòi chạy lên đồi, nhảy xuống suối...

Theo ban giám hiệu, hiện tượng trên xảy ra từ ngày 11/12/2017, khi cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1, phát hiện em Thào Thị Chúa, 12 tuổi, đang ngồi học trong lớp bỗng nhiên đỏ mặt, tím môi, thỉnh thoảng la hét, nói nhảm, không làm chủ được bản thân, khiến cả lớp hoảng sợ.

Theo cô Nhung, Chúa là một HS ngoan hiền, ít nói, chăm chỉ; nên thấy những biểu hiện của em cô rất lo lắng, lúng túng, đã gọi phụ huynh đến đưa em về. Tuy nhiên, tình trạng này tái diễn nhiều lần sau đó khiến cả lớp sợ hãi, không thể tập trung học được.

Chỉ vài ngày sau, tại điểm trường Ea Lang và một điểm trường khác của Trường tiểu học Cư Pui 2 là Ea Uôl lại có thêm 5 nữ sinh là Sình Thị Chai, Sính Thị Hờ (lớp 5A1), Mua Thị Sò (lớp 4A3), Sính Thị Pà (lớp 3A1), Sùng Thị Dùa (lớp 2A2) có triệu chứng tương tự như Thào Thị Chúa. Các em trợn mắt, la mắng, xô đổ bàn ghế, liên tục ngồi xuống - đứng lên… Cả 6 em đều là người H’ Mông.

Đáng chú ý, ở lớp 5A1, em Chúa là HS có biểu hiện nặng nhất; Chai và Hờ chỉ nói nhảm và hành động theo sự điều khiển của Chúa. Cả 3 em chỉ cùng chơi với nhau, cùng nhau đánh bạn khác, cùng hất tung sách vở, dụng cụ học tập của chính mình và của các bạn, không chịu nghe nhắc nhở của thầy cô giáo.

Ban giám hiệu Trường tiểu học Cư Pui 2 đã báo cáo sự việc cho Phòng Giáo dục huyện Krông Bông, trạm y tế xã và chính quyền địa phương để có hướng can thiệp; đồng thời tạm cho các em nghỉ học để gia đình tiện chăm sóc. Ông Lê Xuân Quý, Trưởng phòng Giáo dục huyện cho biết: “Phòng đã chỉ đạo nhà trường thông báo cho phụ huynh và yêu cầu các thầy cô giáo phải giám sát chặt các em để báo cáo diễn biến kịp thời. Từ trước đến nay huyện chưa từng xảy ra tình trạng bệnh lạ như thế!”.

“Bệnh lạ” hay “ma ám” (!?)

UBND huyện Krông Bông đã chỉ đạo Trung tâm (TT) Y tế huyện tiếp cận tìm hiểu.

Theo báo cáo của TT Y tế huyện, 6 nữ sinh có biểu hiện mắc “bệnh lạ” đều từ nhỏ đến lúc đó không hề gặp phải sang chấn tinh thần nào, cũng chưa từng mắc bệnh nan y, mãn tính hay cấp tính; gia đình yên ổn, hòa thuận. Bản thân các em trước đó không nghịch phá mà chăm ngoan, học giỏi, không nghiện game...

Kết quả giám sát cũng cho thấy, 6 nữ sinh thường có biểu hiện lạ trong khoảng từ 15 phút đến hơn 1 giờ, trường hợp nặng kéo dài khoảng 2-3 giờ. Hết cơn, các em lại tỉnh táo, học hành và vui chơi với các bạn bình thường, sức khỏe cũng không thấy có vấn đề gì.

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến những hành động kì lạ đó, các em khẳng định, như có ai đó sai khiến các em nói và làm như vậy nhưng không biết đó là ai. Trên các cơ sở các triệu chứng đó, TT Y tế huyện sơ bộ nghĩ đến việc các em bị rối loạn phân ly tập thể chưa rõ nguyên nhân; nhưng để có kết luận cuối cùng, TT đã báo cáo đề nghị Sở Y tế tỉnh hỗ trợ cán bộ có chuyên môn về chuyên khoa nhi và tâm thần giúp giám sát, thăm khám.

Trong khi chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn còn đang lúng túng cầu cứu cấp trên thì phụ huynh của các em lại cho là con em mình bị “ma ám”, không chịu đưa con đến cơ sở y tế thăm khám.

Anh Thào Mí Dính, bố em Thào Thị Chúa, kể: “Khoảng hơn một tuần nay, khi con gái có những biểu hiện của “bệnh lạ” và liên tục nói “sợ ma”, thậm chí đòi nhảy xuống suối, gia đình tôi lo lắm. Cháu Chúa lúc tỉnh, lúc mê, cứ lầm lũi một mình, đi học về cũng ngồi một mình, không chịu tiếp xúc với ai; lại rất dễ bị kích động, mất bình tĩnh. Vợ chồng tôi phải bỏ việc nương rẫy thay nhau ở nhà trông cháu”.

Khi chúng tôi đang nói chuyện, Chúa ngồi bên cạnh đột nhiên trừng mắt, nổi giận: “Tôi chỉ bị “ma nhập”, các anh chị đến đây làm gì!”, rồi bỏ ra ngoài ngồi lặng bên mương nước.

BS Nguyễn Tuấn Việt - Giám đốc TT Y tế huyện Krông Bông, cho biết: ”Trong khi chờ y tế tuyến trên tìm nguyên nhân, TT đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với thôn, gia đình và giáo viên theo dõi, giám sát thường xuyên các em; đồng thời động viên và giúp đỡ để tránh làm cho các em gặp thêm những sang chấn tinh thần; tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để các gia đình yên tâm chăm sóc cho con”.

BS Việt cho rằng đây là “bệnh lạ”, khả năng nhiễm gần như không có, nên TT và những đơn vị, cá nhân liên quan đã tuyên truyền, giải thích cho mọi người, không để người dân hoang mang làm mất ổn định an ninh trật tự.

Được biết, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo thành lập khẩn cấp đoàn gồm bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện tâm thần tỉnh và TT Y tế dự phòng tỉnh xuống trường giám sát, theo dõi chặt biểu hiện của 6 nữ sinh phát bệnh. 

Nguyên Bảo

Rối loạn phân ly không phải bệnh lạ

Mới đây, ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc TT Giám định pháp y tâm thần khu vực TP.HCM cho biết, đã tư vấn và điều trị cho một nữ sinh mắc bệnh lạ tên P.T.D., 15 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh.

Theo lời kể của gia đình, cứ đến giờ thi là D. lại ngồi duỗi người ra, mặt mũi đờ đẫn, ai gọi cũng không trả lời; nhưng hết giờ thi thì D. dần trở lại bình thường. Ban đầu gia đình còn trách mắng, cho là D. không thích đi học, sợ làm bài thi nên cố tình giả vờ; nhưng biểu hiện này lại lây lan sang 3-4 HS ngồi gần D., ảnh hưởng đến việc học tập của cả lớp, nên trường đã yêu cầu gia đình đưa D. đi khám để có hướng can thiệp.

BS Quang xác định, D. bị chứng rối loạn phân ly; nguyên nhân vì D. là con một, quen được gia đình chiều chuộng nên nhân cách dễ bùng nổ, khi gặp trở ngại thường phát sinh phản ứng tiêu cực.

Để điều trị triệt để, BS Quang đã yêu cầu được gặp cả cha, mẹ và bà nội của D. và phân tích để cả nhà thay đổi cách ứng xử, giải tỏa tâm lý cho các thành viên. Mỗi tháng không chỉ D. mà cha mẹ cũng cùng tái khám với D. Đến nay, D. đã ổn định, không còn lên cơn rối loạn phân ly tái phát.

Hằng năm, BS Quang vẫn gặp một số trường hợp tương tự như D. BS Quang nhấn mạnh, rối loạn phân ly không phải là bệnh lạ. Thống kê cho thấy tỷ lệ mắc chứng rối loạn phân ly là từ 0,3-0,5 dân số. Do điều kiện tiếp nhận thông tin về bệnh tật của người dân ở các vùng quê xa xôi chưa đầy đủ nên bệnh dễ bị xuyên tạc thành câu chuyện mang tính mê tín dị đoan làm hoang mang dư luận.

Để trị rối loạn phân ly phải xác định được “người đầu trò”, cách ly người này khỏi đám đông là sẽ dập tắt được sự lây lan sang người xung quanh. Bệnh xuất phát từ môi trường sống của người bệnh nên BS cần tìm hiểu từng thành viên trong gia đình người bệnh mới có thể giúp người bệnh giải tỏa được tâm lý, mở được nút thắt của vấn đề. Nếu được hóa giải ức chế, được chia sẻ và quan tâm, người bệnh sẽ nhanh chóng phục hồi, hòa nhập lại với cộng đồng bình thường.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI