Báo động gia tăng COVID-19 ở Đông Nam Á

02/06/2021 - 06:27

PNO - Sự gia tăng mạnh số ca nhiễm COVID-19 từ các biến thể mới ở các nước Đông Nam Á - vốn ít bị ảnh hưởng bởi đại dịch trước đây - đã dẫn đến các biện pháp hạn chế mới cũng như nỗ lực mở rộng nhanh chóng các chương trình tiêm chủng trên toàn khu vực.

 

Là nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á  nhưng Singapore cũng đang đối mặt với những ca nhiễm mới xuất hiện
Là nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á nhưng Singapore cũng đang đối mặt với những ca nhiễm mới xuất hiện

Số ca nhiễm bình quân đầu người Malaysia cao hơn Ấn Độ

Trong tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 mới hằng ngày ở Malaysia đã tăng vọt so với Ấn Độ nếu tính trên bình quân đầu người, trong khi tổng số ca mắc ở Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Campuchia, Lào và Đông Timor đều tăng hơn gấp đôi trong tháng qua.

Thái Lan, quốc gia thứ hai ghi nhận ca nhiễm sau Trung Quốc, đã giành được nhiều lời khen ngợi vì đã ngăn chặn được làn sóng đầu tiên, thì nay số người chết đã tăng gấp mười lần trong vòng hai tháng. Malaysia thì phong tỏa toàn quốc trong vòng hai tuần kể từ 1/6, trong khi các quan chức y tế cũng đang theo dõi chặt chẽ bất kỳ gia tăng nào ở Indonesia và Philippines - hai quốc gia đông dân nhất trong khu vực và đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch năm ngoái… 

Tiến sĩ Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ (IFRC), cho biết: “Có các biến thể đáng quan tâm đang lưu hành trong khu vực này, có khả năng lây truyền cao hơn so với chủng ban đầu. Mức độ nghiêm trọng do chủng này gây ra cũng nhiều hơn so với biến thể do SARS-CoV-2 ban đầu”. Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cảnh báo: “Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở một số quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) có nguy cơ quá tải”.

Thúc đẩy mua vắc-xin

Các kịch bản đang diễn ra ở ĐNA tương tự như những gì đã và đang thấy ở Ấn Độ và Nepal. Các nước Nam Á không may đang chịu gánh nặng của làn sóng thứ hai và ĐNA có thể phải gồng mình chịu đựng cùng một kịch bản thê thảm không kém nếu các quốc gia không cùng nhau hành động.

“Làn sóng đầu tiên đã được kiểm soát rất tốt trên toàn châu Á. Nhưng những gì chúng ta thấy là một lượng lớn bệnh nhân và người chết lớn ở Nam Á. Đó là lời nhắc nhở đối với ĐNA rằng phải nỗ lực gấp đôi trong việc ngăn chặn đại dịch. Nếu chần chừ, chúng ta có thể thấy một tình huống như ở Nepal hoặc Ấn Độ”, tiến sĩ Abhishek, người đã tham gia vào việc phân phối viện trợ và xét nghiệm COVID-19 khắp ĐNA, nhấn mạnh.

Theo phân tích của các nhà khoa học, một số nước ĐNA không thể mua vắc-xin như các nước phương Tây vì đơn giản là không đủ khả năng hoặc việc tiếp cận còn hạn chế. Malaysia đã cố gắng đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, nhưng chưa đến 6% người dân được tiêm ít nhất một liều vắc-xin. Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Campuchia, Lào… cũng nằm trong nhóm thấp. “Tỷ lệ nhiễm COVID-19 rất đáng báo động ở các quốc gia ĐNA. Các biến thể nguy hiểm ngày càng nhiều đã nêu bật nhu cầu cấp thiết về việc chia sẻ và sản xuất vắc-xin trên toàn cầu. Điều này cần nhanh hơn, nhiều hơn để ngăn chặn sự bùng phát và giúp tránh tử vong hàng loạt”, Alexander Matheou, Giám đốc IFRC, cho hay. 

Thảo Nguyễn (theo Reuters, Straits Times)

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI