Không khí “đặc quánh”
Điển hình như ngày 8/12 vừa qua, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên thế giới IQAir đã xếp TP Hà Nội là địa phương có chỉ số ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới (AQI trung bình 200 đơn vị). Chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng cao gấp 30 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Trước đó ngày 29/11, Hà Nội cũng được IQAir xếp vào vị trí ô nhiễm thứ hai thế giới.
|
Do ô nhiễm không khí, bầu trời TP Hà Nội ngày 8/12 mờ mịt như có sương mù dù đã gần trưa - Ảnh: Bảo Khang |
Ô nhiễm không khí ở TP Hà Nội nặng tới mức người dân có thể cảm nhận bằng mắt thường. Sống trong căn hộ trên tầng cao của một khu chung cư ở quận Long Biên, mỗi sáng thức dậy, chị Trần Thanh Phương thường thấy bầu không khí bị phủ lớp trắng đục như đang có sương mù. Nhưng khác với sương mù, bầu không khí không ẩm ướt mà quánh đặc, rất ngột ngạt và khó chịu. Chị mở ứng dụng (app) trên điện thoại kiểm tra thì thấy mức độ ô nhiễm “nguy hiểm tới sức khỏe của con người”.
Để tránh tác động của ô nhiễm không khí, gia đình chị phải bố trí 2 chiếc máy lọc không khí ở phòng khách và phòng ngủ nhưng cũng không thể yên tâm bởi vẫn phải mở cửa khi ra vào nhà. “Thời gian gần đây, bạn bè tôi thường xuyên nói chuyện về chủ đề ô nhiễm không khí. Mọi người đều cảm thấy cơ thể uể oải, mệt mỏi và chỉ mong được về quê để hít thở không khí trong lành” - chị Thanh Phương nói.
Vừa trở về quê nhà sau gần 15 năm sống ở Nhật, chị Hoàng Thị Nga (quận Cầu Giấy) ngạc nhiên khi thấy gần trưa mà bầu trời Hà Nội vẫn mờ mịt một lớp trắng đục như đang có sương mù. Hàng chục năm qua, chị chưa từng ốm đau hay uống thuốc nhưng từ khi trở về nước, chị và cô con gái phải ghé bệnh viện thường xuyên. Chị cho rằng, mẹ con chị đã bị tình trạng ô nhiễm không khí tác động xấu tới sức khỏe.
Thực tế, ô nhiễm không khí đã được các nghiên cứu trên thế giới chứng minh có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Tác động của ô nhiễm không khí chủ yếu đến từ bụi mịn PM2.5, hay còn được gọi là “bụi tử thần”. Với kích thước siêu nhỏ, loại bụi này có khả năng lắng đọng, thẩm thấu và đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và đi trực tiếp vào máu. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, bụi PM2.5 tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung - giảng viên Trường đại học Y tế công cộng - cho biết, theo báo cáo đánh giá gánh nặng bệnh tật toàn cầu của Tạp chí Y học Lancet (Anh Quốc), 10 năm trở lại đây, ô nhiễm không khí đứng trong tốp 10 nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Còn theo một nghiên cứu do tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung cùng cộng sự công bố năm 2021, mỗi năm, TP Hà Nội có hơn 1.000 ca bệnh tim mạch liên quan tới ô nhiễm không khí, chiếm 1,2% tổng số ca nhập viện do bệnh tim mạch và có 2.969 ca bệnh hô hấp do ô nhiễm không khí, chiếm 2,4% tổng số ca nhập viện do bệnh hô hấp trong toàn thành phố.
Chú trọng kinh tế xanh, công nghiệp sạch
Theo tiến sĩ Dương Hoàng Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm không khí ở TP Hà Nội và một số tỉnh chủ yếu do 4 nguồn khí thải: từ phương tiện giao thông, từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và đốt rác, từ các làng nghề, từ hoạt động xây dựng. Riêng phương tiện giao thông, theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, toàn thành có khoảng 6,5 triệu xe máy và hơn 1 triệu ô tô lưu thông hằng ngày, phát thải lượng khí độc hại đáng kể.
Nhiều năm nay, chính quyền TP Hà Nội đã triển khai một số biện pháp đối phó với ô nhiễm không khí như trồng cây xanh, chuyển sang dùng các phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng sạch… nhưng làm “chưa tới” nên chưa có chuyển biến đáng kể nào.
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung cho rằng, hệ thống phương tiện giao thông công cộng của TP Hà Nội chưa đủ hấp dẫn để giúp người dân giảm sử dụng phương tiện cá nhân. Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được kỳ vọng đi vào hoạt động nhiều năm nay vẫn liên tục trễ hẹn; số xe buýt chạy bằng năng lượng sạch vẫn chưa nhiều.
Bà nói: “Người dân ngày càng có ý thức về bảo vệ môi trường, cũng muốn đi làm bằng phương tiện giao thông công cộng nhưng chưa thuận tiện. Do đó, chính quyền TP Hà Nội cần tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng xanh, sạch, tiện ích, đồng thời tiếp tục trồng thêm cây xanh để điều hòa không khí”.
Theo bà, cơ quan chức năng của Việt Nam cần công bố thường xuyên, minh bạch các chỉ số về không khí để người dân nắm bắt, từ đó nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chất lượng không khí. Trong bối cảnh chỉ số ô nhiễm không khí ở TP Hà Nội liên tục nằm trong tốp đầu thế giới, cần xem xét kế hoạch kích hoạt tình huống khẩn cấp về môi trường như với dịch COVID-19, để từ đó Chính phủ tăng cường nguồn lực, ban hành các chính sách mạnh mẽ hơn nữa để nâng chất lượng không khí, các cơ quan y tế chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Ngoài ra, cần có các biện pháp mạnh để bảo vệ những người dễ bị tổn thương do ô nhiễm không khí như trẻ em, người mắc bệnh mạn tính về hô hấp.
Ông Lê Hoài Nam - Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho rằng, xử lý ô nhiễm môi trường không phải “ngày một, ngày hai”. Trung Quốc cũng mất hàng chục năm và đầu tư nguồn lực rất lớn mới dần cải thiện được chất lượng không khí. Để cải thiện chất lượng môi trường nói chung và không khí nói riêng, cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương và một trong những giải pháp căn cơ là chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang tăng trưởng xanh, dùng nhiên liệu sạch thay cho nhiên liệu hóa thạch. Muốn vậy, Chính phủ cần có cơ chế, lộ trình rõ ràng để chuyển đổi sang nền công nghiệp sạch.
Cần thêm nhiều đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp Chúng ta cần nhìn vào sự phát triển của một số nước để tránh những mặt tiêu cực. Đó là, không nên tự biến nước mình thành công xưởng cho nước khác; cần xây dựng hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm thiểu khí thải. Trung Quốc và các nước khác có hệ thống dữ liệu để minh bạch hóa thông tin về các sản phẩm, như nguồn gốc, thành phần, chất thải, khí thải. Để phát triển bền vững, Việt Nam cũng cần làm được như thế. Nhiều thành phố trên thế giới đã xây dựng các khu phát thải thấp. Việt Nam cũng đã có những đường, phố đi bộ. Đây là mô hình hay. Trong thời gian tới, cần phát triển các đường dành cho xe đạp, người đi bộ hay cho xe buýt. Với những biện pháp mà các cơ quan chức năng, địa phương đưa ra để kiểm soát ô nhiễm không khí, cần có giám sát để đảm bảo chúng được thực hiện đúng kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, nên đầu tư cho nghiên cứu, cho các công trình khoa học giúp nâng cao chất lượng không khí. Đồng thời, nên truyền thông bền bỉ để lôi kéo người dân tham gia giám sát, tham gia bảo vệ môi trường sống, môi trường không khí. Bà Đỗ Vân Nguyệt - Giám đốc Trung tâm Sống và học tập vì môi trường và cộng đồng |
Minh Quang