Báo động dịch sốt xuất huyết

16/09/2013 - 08:19

PNO - Tại TP HCM, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong 3 tuần qua tăng gần gấp đôi so với các tuần trước với 200-250 ca/tuần

edf40wrjww2tblPage:Content

 Thời tiết mưa nhiều đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển, lây lan. Các bác sĩ khuyến cáo từ nay đến tháng 11/2013 là đợt cao điểm của dịch SXH.

Biến chứng nặng, dễ tử vong

Ca SXH mới nhất vừa được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP HCM cứu sống là bệnh nhi P.T.B.N. (12 tuổi, ngụ tỉnh Long An). Bé N. được chuyển từ BV địa phương với chẩn đoán sốc SXH ngày 5, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa nặng.

Bao dong dich sot xuat huyet

Trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết điều trị tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM

Tại BV Nhi Đồng 1, dù được điều trị tích cực nhưng bệnh trạng của bé N. vẫn diễn tiến phức tạp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, xuất hiện thêm chảy máu mũi 2 bên nặng. Bệnh nhi được cầm máu, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc. Qua gần 1 tuần điều trị, bé N. mới qua cơn nguy kịch. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Khoa Sốt xuất huyết BV Nhi Đồng 1, đây là một trong các trường hợp sốc SXH rối loạn đông máu rất nặng được cứu sống.

Tại Phòng Săn sóc tăng cường, Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2, cùng với hàng chục bệnh nhi nằm thở máy, bé N.L.T.A. (5 tuổi, ngụ phường Thới An, quận 12, TP HCM) cũng đang chống chọi với chứng tổn thương gan do biến chứng của bệnh SXH. Đang chườm khăn hạ sốt cho con, chị T. (mẹ bé A) cho biết: “Con tôi mới đi nhà trẻ được 2 ngày thì đổ bệnh. Lúc đầu, bé có triệu chứng chảy nước mũi, sốt nhẹ, gia đình đưa đến phòng khám tư và được chẩn đoán bé bị cảm lạnh. Tuy nhiên, đến ngày thứ 4, bệnh diễn tiến nặng, gia đình tức tốc đưa vào BV cấp cứu. Khi phát hiện bị bệnh SXH cũng là lúc bé rơi vào tình trạng hôn mê”.

Qua một tuần điều trị, bé A. qua nguy kịch, tri giác dần phục hồi nhưng do di chứng tổn thương gan nên bụng còn trương to.

Theo ghi nhận tại các BV ở TP HCM, hiện số bệnh nhân mắc bệnh SXH nhập viện điều trị ngày càng đông. BV Bệnh nhiệt đới đang điều trị nội trú hàng chục ca cả người lớn và trẻ em. Ở BV Nhi Đồng 1, hiện mỗi ngày có 75-80 ca SXH điều trị nội trú, tăng 15-20 ca so với tháng 8. Trong khi đó, tại BV Nhi Đồng 2, hiện số bệnh nhi điều trị nội trú do mắc bệnh này cũng tăng thêm 30% - 40% so với tháng 8.

ThS-BS Nguyễn Trần Nam, Phó Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 2, cho biết nếu trước đó, số bệnh nhân điều trị SXH tại khoa dao động 20-25 ca thì nay đã tăng lên 30-45 ca/ngày, trong đó có 5-10 trường hợp bệnh nặng.

Nguy cơ bệnh lan vào trường học

Sở Y tế TP HCM cảnh báo dịch bệnh SXH đang ở mức báo động và hiện tăng nhanh. Các điểm nóng về số người mắc bệnh này tập trung tại các quận Bình Thạnh, Tân Bình, huyện Hóc Môn… Trong 3 tuần qua, số bệnh nhân SXH dao động ở mức 200-250 ca/tuần. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP đã có hơn 4.700 ca mắc SXH. Theo Viện Pasteur TP HCM, bệnh SXH hiện có nhiều đặc điểm hết sức lo ngại vì cả trẻ em lẫn người lớn đều mắc và khi bị biến chứng thì tỉ lệ tử vong rất cao.

Các chuyên gia y tế dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh SXH sẽ có những diễn biến khó lường. Hơn nữa, bước vào đầu năm học, nhiều nhóm trẻ, học sinh tập trung đến trường cũng khiến nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh.

Trước tình hình trên, UBND TP HCM đã chỉ đạo ngành y tế và các địa phương triển khai giải pháp phòng chống SXH. Theo đó, trung tâm y tế dự phòng các quận, huyện tiếp tục giám sát dịch tễ; vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi, không để dịch bệnh bùng phát; chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng chăm lo tiếp nhận và điều trị; tổ chức tuyên truyền giáo dục các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nguy cơ và tác hại của dịch bệnh. Ngoài ra, người dân cần nâng cao ý thức vệ sinh, phòng dịch như: thường xuyên khử khuẩn; vệ sinh cá nhân, nhà cửa; vệ sinh tại cộng đồng dân cư, trường học…

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện phối hợp với ngành giáo dục tổ chức truyền thông học đường, trang bị kiến thức cho học sinh phòng bệnh; thường xuyên tổ chức các đợt phun hóa chất, diệt lăng quăng mỗi tuần. Các BV phải thường xuyên báo cáo số ca bệnh để kịp thời cảnh báo và dập dịch.

Dễ chủ quan và nhầm bệnh

Theo các bác sĩ, bệnh SXH thường phát hiện trễ vì trẻ có những triệu chứng dễ nhầm với các bệnh lý khác về hô hấp, tiêu hóa, siêu vi trong mùa mưa. Bác sĩ Nguyễn Trần Nam cho biết ở 2 ngày đầu, bệnh SXH rất khó chẩn đoán, dễ nhầm bệnh khác. Thông thường vào ngày thứ 3, 4, 5 của bệnh SXH, người bệnh hết sốt, dễ chủ quan, trong khi đây lại là những ngày bệnh nặng nhất. Nếu phát hiện trễ, bệnh sẽ để lại nhiều tổn thương đa cơ quan, nhất là ở gan.

Theo NGUYỄN THẠNH (Người Lao Động)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI