Báo động bùng phát dịch mới ở châu Âu

10/08/2020 - 07:15

PNO - Những ngày gần đây, Tây Ban Nha, Pháp, Anh và Đức ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới gia tăng trở lại, lên đến hàng ngàn ca mỗi ngày.

Báo động bùng phát dịch ở châu Âu

Tây Ban Nha, Pháp, Anh và Đức từng chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch COVID-19 đầu năm, hiện đang chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng trở lại, lên đến 1.000 ca mỗi ngày. Trong khi đó, người mắc COVID-19 ở Ý cũng được ghi nhận ở mức khoảng 500 ca/ngày. Tính đến nay, toàn châu Âu đã báo cáo hơn 207.000 ca tử vong do COVID-19.

Một số nhà khoa học cảnh báo, các quán rượu ở Anh có thể phải đóng cửa một lần nữa nếu các trường học tái mở cửa vào tháng 9 tới.

Bên cạnh đó, Pháp và Đức hiện đang áp dụng các xét nghiệm gắt gao đối với du khách quốc tế đến từ các nước “có nguy cơ”, bao gồm cả Hoa Kỳ. “Tôi nhận thức rất rõ rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân, nhưng tôi tin rằng đây là một sự can thiệp chính đáng” - Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn phát biểu.

Tại Ý, các câu lạc bộ đêm và trường học vẫn chưa được hoạt động trở lại do lo ngại dịch bùng phát, song song với đó, người dân được yêu cầu thực thi lệnh giãn cách xã hội và đeo khẩu trang bắt buộc.

Số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại châu Âu gia tăng trở lại.
Số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tại châu Âu gia tăng trở lại

Nhật Bản mệt mỏi vì COVID-19

Trước tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trở lại, người dân Nhật Bản cảm thấy không hài lòng với các phản ứng từ chính phủ. Trong 12 ngày qua, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận hơn 900 ca nhiễm mới mỗi ngày, riêng ngày 8/8, đánh dấu mức gia tăng kỷ lục với 1.601 trường hợp.

Đến nay, Nhật Bản đã xác nhận hơn 46.000 bệnh nhân mắc COVID-19 kể từ khi dịch bắt đầu lây lan. Một nửa trong số đó đã được báo cáo trong tháng 7.

Đáng chú ý, Tokyo - thành phố đông dân nhất thế giới, nơi vẫn tồn tại nỗi lo về một đợt bùng phát dịch có thể diễn ra nhanh chóng và vượt khỏi tầm kiểm soát, liên tiếp đánh dấu những bước nhảy vọt số ca nhiễm hàng ngày. 

Dẫu vậy, Thủ tướng Shinzo Abe ngày 7/8 cho biết, ông sẽ không kêu gọi ban bố tình trạng khẩn cấp mặc dù tình hình thực tế hiện nay xác nhận nhiều ca nhiễm virus hơn so với đợt dịch đầu tháng 4.

“Tình hình rất khác so với thời điểm đó. Chúng tôi không ở trong tình trạng cần phải ban hành tình trạng khẩn cấp ngay lập tức, nhưng chúng tôi sẽ theo dõi sát sao với tinh thần cảnh giác cao độ", ông Shinzo Abe nói.

Trong khi đó, các chuyên gia kêu gọi chính phủ không nên chỉ chú trọng thúc đẩy kinh tế, mà cần tập trung vào sinh kế và hạnh phúc của người dân, từ bỏ các biện pháp chống dịch nửa vời, thay vào đó, áp dụng biện pháp phong tỏa mạnh hơn.

Tổng thống Brazil tiếp tục chỉ trích các biện pháp ngăn chặn COVID-19

Một ngày sau khi Brazil vượt qua cột mốc nghiệt ngã hơn 100.000 người chết vì COVID-19, Tổng thống Jair Bolsonaro đã sử dụng một bài đăng trực tuyến để chỉ trích các biện pháp ngăn chặn virus và đưa tin về đại dịch.

Ông Jair Bolsonaro phản đối đài truyền hình lớn nhất của quốc gia nhưng không nêu tên cụ thể, nói rằng đài này “chỉ gieo rắc sự hoảng sợ trong dân chúng và sự bất hòa giữa các cường quốc”. Trong khi đó, chính Tổng thống Jair Bolsonaro cũng đang đối mặt với những lời chỉ trích từ đông đảo người dân, họ cho rằng ông đã quá chú trọng phát triển kinh tế khiến tình hình dịch COVID-19 vượt tầm kiểm soát.

Trong 24 giờ qua, Bộ Y tế Brazil đã báo cáo thêm 23.010 trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2 và 572 người chết.

Chung Thu Hương (theo Reuters và CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI