Báo động bệnh "nhớ nhớ quên quên" ở người trẻ ngày càng phổ biến

21/08/2016 - 12:33

PNO - Tình trạng lơ đễnh, nhớ nhớ quên quên ở người trẻ ngày càng phổ biến. Ban đầu chỉ là các biểu hiện thỉnh thoảng đãng trí (mất trí nhớ ngắn hạn).

Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ ngày càng nặng và tiến triển thành rối loạn lo âu, trầm cảm. Mỗi ngày, ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang - Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM tư vấn cho ba-bốn trường hợp có triệu chứng mất trí nhớ ngắn hạn. Trung tâm Pháp y tâm thần, mỗi tháng khám khoảng 30 bệnh nhân liên quan đến triệu chứng kể trên. Đa số bệnh nhân nằm trong độ tuổi từ 24 - 45.

Bao dong benh
BS Quang đang tư vấn cho bệnh nhân bị “bệnh quên"

Quên quên nhớ nhớ

Trong số các bệnh nhân tới Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP.HCM khám “bệnh quên”, có những gương mặt còn rất trẻ. Ít ai nghĩ một cậu thanh niên mới 24 tuổi đang đối mặt với nguy cơ mất việc vì… đãng trí. Bệnh nhân tên Phạm Văn Hùng, chưa lập gia đình, quê quán Hậu Giang. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hùng may mắn được làm thuyền viên trên một tàu du lịch nước ngoài. Hai tháng kể từ khi đi làm, Hùng đã bị thuyên chuyển sang vị trí khác, không cho phục vụ khách vì thiếu tập trung trong công việc. Từ lúc bị thuyên chuyển, tình trạng đãng trí của Hùng thêm trầm trọng, chưa ăn cơm lại tưởng đã ăn rồi, mắt luôn nhìn xa xăm như chực nhảy xuống biển. Trước biểu hiện sa sút trí nhớ của Hùng, lo ngại anh có nguy cơ gây hại cho bản thân, công ty đã yêu cầu anh tạm ngừng công việc để đi khám tâm lý, tâm thần.

Trong buổi trò chuyện với bác sĩ, được sự khuyến khích gợi mở, Hùng chia sẻ: “Tôi luôn phải chịu áp lực cao do môi trường giao tiếp toàn bằng tiếng Anh, lại phải đi xa, tiếp xúc toàn người lạ. Trạng thái căng thẳng khiến tôi mất tập trung, khi khách nói bằng tiếng Anh tôi không nhớ kịp. Lúc bị chuyển qua bộ phận khác tôi nơm nớp sợ mất việc, tâm lý bất an nên bệnh tình ngày càng nặng”.

BS Quang kết luận: Hùng có biểu hiện mất trí nhớ tạm thời, rối loạn lo âu do stress kéo dài. Đây là một trong các dấu hiệu của bệnh trầm cảm, nếu không can thiệp ngay sẽ rất nguy hiểm.

Chứng quên quên nhớ nhớ trầm trọng cũng “gõ cửa” chị Nga (33 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM). Chị Nga làm kế toán tại một công ty bảo hiểm, mới sinh con bằng phương pháp sinh mổ. Sau khi sinh khoảng hai tháng, chị Nga rất hay quên. Chồng chị kể, ban đầu vợ chỉ lơ đễnh những chuyện nhỏ nhặt như quên vo gạo khi cắm cơm, quên khóa cửa. Dần dần triệu chứng hay quên của chị Nga ngày càng nặng khiến cả nhà lo lắng. Chị thường xuyên quên cho con bú nếu không có người nhắc, thậm chí thỉnh thoảng hỏi chồng: “Anh là ai?”. Trước tình trạng đó, chồng chị Nga chỉ còn cách nghỉ làm, ở nhà trông vợ.

Theo BS Quang, một trong những nguyên nhân khiến nữ bệnh nhân lúc quên lúc nhớ là do tác dụng phụ của thuốc tê, thuốc mê trong ca sinh mổ. Bên cạnh đó, trong buổi thăm khám, động tác của chị Nga chậm chạp, thần sắc kém do mất ngủ kéo dài, nói năng không lưu loát, dễ nổi cáu, khóc vô cớ đã hướng tới biểu hiện của bệnh trầm cảm.

BS Quang cho biết, hiện tượng đãng trí, lúc nhớ lúc quên ở người trẻ khác với sa sút trí nhớ ở người già. Ngoài các trường hợp nặng kể trên, nhiều bạn bè, người thân của chính bác sĩ cũng than thở các tình huống quên oái oăm: đội nón bảo hiểm trên đầu mà đi tìm nón, đi làm nhưng lo ngay ngáy không biết đã tắt bếp hay chưa, đang nói chuyện bỗng dưng quên mất mình định nói gì…

Từ quên tới trầm cảm: Chỉ một bước!

Trí nhớ được chia ra làm trí nhớ xa, trí nhớ gần và trí nhớ lập tức. Thông thường các bệnh nhân sẽ mất trí nhớ ngắn hạn, sau một thời gian có thể tự hồi phục. Có các nguyên nhân gây ra bệnh đãng trí, lúc nhớ lúc quên ở giới trẻ như: lười đọc sách, xem ti vi quá nhiều, lạm dụng chất kích thích (bia rượu…), thức khuya, ngủ ít, tác dụng phụ của thuốc mê sau khi phẫu thuật, chế độ ăn uống thiếu lành mạnh (ăn quá nhiều thức ăn chứa dầu mỡ, chất béo và đường, thiếu vitamin), căng thẳng kéo dài… Nhiều ghi nhận cho thấy những người bị bệnh máu nhiễm mỡ khiến máu vận chuyển ôxy lên não kém hơn. Ngoài ra, trí nhớ cũng bị giảm nếu cơ thể bị thiếu vitamin, vì một số loại vitamin như B1, D, K… góp phần tạo ra chất dẫn truyền thần kinh.

BS Quang khuyên, trí nhớ không phải tự dưng mà tốt được, cần có sự rèn luyện. Mọi người hãy tạo thói quen đọc sách, phân bổ công việc theo một trình tự, đừng làm quá nhiều việc một lúc. Khi cảm thấy bị stress, hãy giải tỏa bằng cách tập thể thao, đi bộ để điều chỉnh nhịp thở, thưởng thức âm nhạc.

Những người hay quên nên ghi nhật ký mỗi ngày. Điều này rất có ích, luyện cho não bộ ghi nhớ, hồi tưởng sự việc tốt hơn. Trong lúc rảnh rỗi, chờ đợi, hãy chơi giải ô chữ. Bên cạnh đó, đi du lịch cũng là cách hay, có lợi cho trí nhớ. Du lịch giúp ta quan sát, ngắm nhìn và tiếp thu thêm nhiều cái mới, khi trở về ta phải nhớ lại để kể cho người thân, bạn bè. Mọi người không nên che giấu cảm xúc, cần cởi mở, hài hước, cười nhiều. Sống khép kín làm tư duy trì trệ, dễ bị stress do luôn giữ kín mọi chuyện trong lòng, không thể chia sẻ với ai.

Nếu ai thấy mình có các biểu hiện lúc quên lúc nhớ thì nên xem xét lại lối sống, chế độ sinh hoạt để tự điều chỉnh. Bên cạnh đó, nên ăn nhiều cá, rau quả để bổ sung vitamin và omega. Nếu sau vài tuần - một tháng, tình trạng không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng hơn thì nên đi khám. Đôi khi đãng trí, hay quên còn là biểu hiện của các bệnh lý đi kèm nguy hiểm. Tùy từng nguyên nhân gây giảm trí nhớ mà bác sĩ có cách điều trị khác nhau.

Bệnh nhân sẽ được tư vấn về tâm lý, có thể cần dùng thêm các thuốc hỗ trợ tăng trí nhớ, cải thiện tuần hoàn não. Chứng đãng trí ở người trẻ rất nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời. Tuổi trẻ là tuổi lao động, cống hiến. Việc lơ đễnh, thiếu tập trung có nguy cơ gây ra các hậu quả khôn lường, không chỉ cho bản thân mà cả những người xung quanh. Nhiều người chủ quan không điều trị đã bị rơi vào trạng thái rối loạn lo âu, trầm cảm bởi luôn bất an, lo lắng.

Các dấu hiệu suy giảm trí nhớ ở người trẻ

Theo báo cáo của Hội Thần kinh học TP.HCM, có đến 91% bệnh nhân suy giảm trí nhớ không được chú ý điều trị. Số bệnh nhân suy giảm trí nhớ ở người trẻ cũng đang ở mức báo động. Theo PGS-BS Nguyễn Thi Hùng, Phó chủ tịch Hội Thần kinh học TP.HCM, khoảng 20% bệnh nhân dưới 35 tuổi của các phòng khám thần kinh gặp vấn đề về suy giảm trí nhớ.

Một trong những biểu hiện của suy giảm trí nhớ thường gặp là sự tập trung kém, khả năng tư duy giảm, đãng trí, hay quên. Nhiều người thường nói chuyện nọ xọ chuyện kia, hay nhắc đi nhắc lại một câu hỏi, hay kể đi kể lại một câu chuyện hoặc phải mất nhiều thời gian để tìm đồ dùng cá nhân vì không nhớ vị trí để chúng; diễn đạt vòng vo do quên từ ngữ; thay đổi nhân cách, rối loạn cảm xúc và giảm khả năng nhận xét, đánh giá. Suy giảm trí nhớ diễn tiến âm thầm và nặng dần theo tuổi tác.

Một trong những dấu hiệu phổ biến nhất là quên đi các thông tin vừa mới tìm hiểu, ngày tháng hay sự kiện quan trọng; hỏi đi hỏi lại cùng một thông tin; phụ thuộc vào các công cụ hỗ trợ trí nhớ (như thiết bị điện tử hoặc giấy ghi chú) hoặc phải nhờ đến các thành viên gia đình trong những việc mà họ thường có thể tự giải quyết. Người suy giảm trí nhớ cũng gặp khó khăn khi lập kế hoạch hay giải quyết vấn đề, hoặc gặp rắc rối trong việc nắm bắt các công việc quen thuộc, thậm chí cả việc đơn giản như theo dõi hóa đơn hằ ng tháng. Nói chung, họ khó tập trung và tốn nhiều thời gian hơn để thực hiện các công việc quen thuộc từng làm trước đây.

Một số người có thể quên thời gian, nơi chốn, không nhớ được ngày tháng, các mùa trong năm và mốc thời gian. Có người gặp khó khăn trong việc hiểu một điều gì đó. Đôi khi, họ quên mất mình đang ở đâu, tại sao mình đến được nơi đó.

Theo các bác sĩ thần kinh, căng thẳng tâm lý là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy giảm trí nhớ, cộng thêm chế độ ăn công nghiệp, thức ăn nhanh nhiều béo, nhiều đường, nhiều thịt, chất tạo ngọt. Thói quen uống rượu bia, chất kích thích, tình trạng béo phì, ô nhiễm môi trường... cũng đồng thời làm người trẻ dễ bị kích động, cáu gắt, mất tập trung. Áp lực học hành, công việc cũng làm đầu óc họ luôn căng thẳng, khiế n sản sinh ra gốc tự do dẫn đến chức năng não bị rối loạn, hệ thống mạch máu bị suy yếu làm não kém tập trung và giảm khả năng ghi nhớ.

Để ngăn chặn chứng bệnh suy giảm về trí nhớ, các bác sĩ cảnh báo người trẻ cần thay đổi lối sống, dẹp bỏ áp lực, phiền muộn; ngủ đủ giấc, tránh stress, tranh thủ nghỉ ngơi thư giãn; bớt thức ăn nhanh, đồ ăn sẵn, và các loại thực phẩm chứa nhiều gốc tự do... đặc biệt hạn chế rượu bia.

Bên cạnh đó, các hoạt động thể dục trí não cũng cần được rèn luyện hằng ngày: đọc sách, chơi giải ô chữ sodoku, học ngoại ngữ... Thường xuyên giao tiếp xã hội, sắp xếp cuộc sống logic, gọn gàng. Phải tập thể dục thường xuyên để thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường ôxy và dinh dưỡng cho não. Nên có chế độ dinh dưỡng, thực phẩm hợp lý bằng cách ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt, đạm và nguyên tố vi lượng để ngăn chặn sự thoái hóa của tế bào não.

B.M

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI