Gần đây, trong những ngày hè nóng bức, nhiều bệnh viện, phòng khám y học cổ truyền vẫn liên tục tiếp nhận các ca bệnh liệt mặt, thay vì thường gặp nhiều vào mùa đông xuân. Nguyên nhân chủ yếu gây liệt mặt ở mùa này là do nhiễm gió, lạnh từ máy quạt và máy lạnh.
Gió lùa, lạnh dễ bị liệt mặt
Cậu bé bụ bẫm T.M.K., ba tuổi (ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) được mẹ đưa đi khám tại một cơ sở y học cổ truyền ở TP.HCM do mắt không thể nhắm kín; miệng bị méo, ăn uống đổ chảy không kiểm soát. Sau khi khám, xác định bé mắc chứng liệt dây thần kinh số VII ngoại biên (liệt mặt) do lạnh, bác sĩ đã tiến hành liệu pháp châm kim trên vùng mặt, tay và dùng ngải cứu ấm. Cậu bé co rúm người và khóc ré lên mỗi khi mũi kim xuyên qua làn da mỏng manh.
|
Khuôn mặt biến dạng điển hình khi bị liệt mặt |
Chị Minh, mẹ bé K., sụt sùi chia sẻ trong nước mắt: "Lỗi là do tôi đã tập cho con thói quen nằm máy lạnh từ khi mới sinh. Bây giờ, dù mùa nắng hay mưa, xuân hay hạ, thằng bé không chịu rời cái máy lạnh. Nhiệt độ phòng phải luôn ở 22-230C, chứ tăng lên 26-270C, hay tắt máy lạnh là nó gào khóc, không chịu ăn, không chịu ngủ…".
Đến nay, sau một tuần điều trị, mặt của bé K. đã hồi phục đến 90%. Bác sĩ cho biết, chỉ cần châm và cứu thêm khoảng ba ngày, bé sẽ lấy lại được vẻ mặt như cũ. Chị Minh mừng vui kể: "Cũng may, mấy hôm nay, bé chịu hợp tác kiêng gió, lạnh trực tiếp vào người theo lời dặn của bác sĩ. Mỗi khi thấy bé bứt rứt là tôi phe phẩy quạt nan để làm mát cho bé ngay. Vợ chồng tôi cũng đau đầu tìm đủ mọi cách, bày nhiều trò đánh vào sở thích để bé thực hiện theo".
Bé K. không phải là trường hợp nhỏ tuổi nhất bị bệnh lý liệt mặt. Lương y Nguyễn Kỳ Nam, Hội Châm, cứu Việt Nam, cho biết đã tiếp nhận những ca liệt mặt dưới 20 tháng tuổi. "Trước đây, căn bệnh này thường gặp nhiều vào mùa đông xuân, khi ngoài trời nhiều gió và nhiệt độ môi trường xuống thấp. Nhưng gần đây, trong những ngày mùa hè nắng nóng, phòng khám của tôi vẫn liên tục tiếp nhận các ca bệnh liệt mặt. Nguyên nhân chủ yếu gây liệt mặt ở mùa này là do nhiễm gió, lạnh từ máy quạt và máy điều hòa; đặc biệt với những người thường xuyên để quạt, điều hòa thốc thẳng vào người", lương y Nguyễn Kỳ Nam cho biết thêm.
Như trường hợp chị N.T.T. (30 tuổi, ngụ tại TP.Thủ Đức). Cách đây gần một tháng, sau khi thức dậy, chị T. hốt hoảng vì mắt bên trái nhắm không kín, miệng méo lệch sang bên phải; súc miệng hay uống nước đều khó khăn vì nước chảy ra ngoài không kiểm soát; giọng nói cũng không còn tròn vành rõ chữ. "Nhìn khuôn mặt méo xệch của mình trong gương, tôi như muốn sụp đổ. Với khuôn mặt, giọng nói như thế này, sao tôi có thể giao tiếp, tư vấn sản phẩm cho khách hàng; rồi chồng tôi, con tôi có thấy sợ khi nhìn thấy khuôn mặt biến dạng của tôi mỗi ngày?…”, chị T. rùng mình nhớ lại.
Chị T. nhanh chóng đi khám ở một cơ sở y học cổ truyền thì biết mình bị mắc chứng liệt mặt. Trước đó, chị liên tục ngủ dưới sàn phòng khách vì nơi đó có gió lùa rất mát. Chị lại thường xuyên tắm khuya bằng nước lạnh. Sau thời gian được bác sĩ châm, cứu và xoa bóp, bấm huyệt mỗi ngày, đồng thời tích cực tập luyện thường xuyên theo hướng dẫn, bệnh của chị thuyên giảm từng ngày. Sau ba tuần, mặt chị đã hồi phục.
Thực tế cho thấy, nam hay nữ, ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc chứng liệt mặt nhưng gần đây, tỷ lệ thanh niên và trẻ em lại có phần gia tăng.
Phục hồi cơ mặt 100% nhờ châm và cứu
Liệt mặt là căn bệnh liệt dây thần kinh số VII ngoại biên theo cách gọi của Tây y, trong Đông y bệnh có tên khẩu nhãn oa tà. Theo thống kê, 80% ca bệnh liệt mặt có nguyên nhân là do liệt dây thần kinh số VII ngoại biên nguyên phát, còn gọi là liệt Bell; nghĩa là do phong hàn trên nền chính khí (sức đề kháng) suy giảm; ít gặp hơn là do phong nhiệt, tương ứng với nhiễm vi-rút sau viêm mũi, hầu họng; còn lại là do nhiều nguyên nhân khác như bị chấn thương sau tai nạn, té ngã hoặc có khối u bướu...
|
Châm và cứu là hai phương pháp hữu hiệu để điều trị liệt mặt do phong hàn |
Rất nhiều người bị liệt mặt nhưng không biết cho đến khi gặp khó khăn trong việc súc miệng hoặc ăn uống. Khi mắc bệnh, toàn bộ phần cơ mặt bên liệt bị bó cứng khiến khuôn mặt biến dạng. Dù cố gắng, mắt bên bệnh không thể nhắm kín. Khi cử động, miệng và nhân trung bị kéo lệch hẳn về bên lành, khóe miệng thậm chí lên đến tận mang tai. Người bệnh còn có thể bị giảm cảm giác ở 2/3 trước lưỡi, giảm hoặc mất tiết
nước mắt…
Trước khi bị liệt mặt, người bệnh có thể có một số triệu chứng của cảm lạnh như: ớn lạnh, sợ lạnh, cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, mỏi cổ gáy, mắt - môi giật, cảm thấy nặng ở phần mặt bên bệnh; trên mặt lưỡi có lớp rêu trắng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể không phục hồi hoàn toàn, người bệnh sẽ mắc chứng khô mắt, suy giảm sức khỏe do ăn uống khó khăn, tổn thương tâm lý nặng nề, đặc biệt với trẻ em và thanh niên.
Với căn bệnh liệt mặt do phong hàn, giới y khoa toàn cầu công nhận, châm và cứu là phương pháp không thể thay thế. "Tôi đã từng điều trị hàng trăm ca liệt mặt do phong hàn bằng cách châm và cứu. Đây là hai phương pháp kỳ diệu của Đông y giúp lưu thông khí huyết, trừ phong, tán hàn, đưa cơ mặt và cảm giác của bệnh nhân trở về với trạng thái bình thường", lương y Nguyễn Kỳ Nam khẳng định. Nếu nguyên nhân do phong nhiệt, dùng kim châm cũng là lựa chọn đầu tay, kèm thêm sử dụng thuốc chống viêm nhiễm.
Thời gian điều trị bệnh liệt mặt do phong hàn, phong nhiệt nhanh hay chậm tùy thuộc vào cả ba yếu tố: mức độ tổn thương, sự tuân thủ trong sinh hoạt, tập luyện của người bệnh và thủ thuật của thầy thuốc; thông thường khoảng 10-40 ngày. Càng điều trị sớm, mức độ phục hồi sẽ càng cao. Điều quan trọng là cần phòng ngừa bệnh bằng cách tránh quạt, máy lạnh, gió thổi trực tiếp vào vùng cổ gáy, mang tai; điều trị tích cực khi bị viêm nhiễm ở vùng mũi, hầu họng. Nâng cao chính khí của cơ thể bằng chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý.
Y sĩ Mộc Nguyên (Hội Đông y Q.Phú Nhuận)