Bảo đảm hàng tết, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và công nhân

09/12/2022 - 07:29

PNO - Trong 2 ngày làm việc (7 và 8/12) của kỳ họp thứ tám, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu tập trung xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng về dân sinh và tình hình kinh tế, xã hội của TPHCM.

Kiểm soát chất lượng, giá cả hàng hóa

Chỉ còn hơn 1 tháng là đến tết Nguyên đán 2023. Nhiều đại biểu cho biết, cử tri lo lắng về nguồn hàng, giá cả, thị trường có nhiều hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Vấn đề cử tri TPHCM lo lắng về nguồn hàng, giá cả dịp tết được nhiều đại biểu đưa vào nội dung chất vấn trong phiên họp HĐND TPHCM ngày 8/12 - ẢNH: HOA LÀI
Vấn đề cử tri TPHCM lo lắng về nguồn hàng, giá cả dịp tết được nhiều đại biểu đưa vào nội dung chất vấn trong phiên họp HĐND TPHCM ngày 8/12 - Ảnh: Hoa Lài

Chất vấn tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Nga thắc mắc về công tác chuẩn bị hàng hóa, đặc biệt là xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu. Cùng câu hỏi, đại biểu Trần Quang Thắng đề nghị làm rõ các giải pháp hỗ trợ người tiêu dùng về thông tin sản xuất, xuất xứ hàng hóa để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết nói: “Nhiều năm qua, siêu thị là địa chỉ quen thuộc của phần lớn người dân nhưng hiện nay, có tình trạng rau “bẩn” vào được kênh bán lẻ này. Vậy, cần làm gì để tăng niềm tin cho người dân khi mua sắm?”.

Trả lời các đại biểu, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho hay, sức mua hàng trong dịp tết Nguyên đán 2023 dự kiến tăng 15 - 30% so với ngày thường. UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cho dịp tết. Sở đã huy động lượng lớn doanh nghiệp dự trữ hơn 30.000 tấn hàng. Theo ông, các doanh nghiệp đang chịu nhiều tác động đến khâu sản xuất, vận chuyển nên giá cả lương thực, thực phẩm đang tăng 2 - 4%. Đây là mức có thể chấp nhận được, chưa cần điều chỉnh.

Về kiểm soát chất lượng hàng hóa, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói: “Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn chân chính, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, công bố nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp làm ăn gian dối”. 

Ông thừa nhận, việc rau không sản xuất theo quy trình VietGAP vào siêu thị gây mất niềm tin của người dân như vừa qua là do đơn vị cung cấp dịch vụ chưa làm đúng và cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa giám sát kịp thời. Sau vụ việc trên, các kênh phân phối đã chọn lựa kỹ hơn đối tác cung cấp, Ban An toàn thực phẩm TPHCM cũng tăng cường kiểm tra các chợ, Sở Công Thương TPHCM cũng thường xuyên làm việc, nhắc nhở các hệ thống phân phối, đơn vị cung cấp.

 TPHCM đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cho dịp tết - Ảnh: Tấn Thạnh
TPHCM đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào cho dịp tết - Ảnh: Tấn Thạnh

Tới đây, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh khâu giám sát, xử lý. Riêng ngành công thương đang nghiên cứu để triển khai việc công khai hóa quy trình từ sản xuất, vận chuyển đến phân phối và bán lẻ sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TPHCM - đề nghị, trong thời gian tới, Sở Công Thương TPHCM tiếp tục tham mưu UBND TPHCM triển khai các nhiệm vụ của trung ương về giải pháp điều hành giá cả thị trường, kiểm soát giá cả hàng hóa, nâng cao chất lượng quản lý nguồn thực phẩm, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp và công nhân

Trong 11 tháng qua, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của TPHCM tăng trưởng 9,02%, thu ngân sách ước đạt trên 457.000 tỉ đồng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp phục hồi sống động sau đại dịch COVID-19. Phân tích nguyên nhân, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, đó là nhờ sự chủ động hình thành các chiến lược phục hồi và phát triển, sự hỗ trợ của trung ương, các địa phương và kiều bào, sự năng động và tinh thần vươn lên mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp.

Ông Phan Văn Mãi thừa nhận nhiều hạn chế trong thời gian qua, như chất lượng, hiệu quả hoạt động hành chính chưa đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư; xuất hiện nhiều bất ổn về tín dụng, bất động sản; doanh nghiệp gặp khó về đơn hàng, nguồn vốn…

Đại biểu Lê Thị Kim Thúy đặt vấn đề, vừa qua, ngành dệt may và da giày đứt gãy chuỗi sản xuất, công nhân ngưng làm việc, vậy thì trách nhiệm quản lý thuộc về ai và giải pháp tháo gỡ là gì. Theo bà, do công nhân mất việc, về quê lúc giáp tết, TPHCM có thể thiếu nhân lực ngay sau tết do công nhân có thể không trở lại TPHCM hoặc chuyển đổi ngành nghề.

Ông Phan Văn Mãi cho rằng, việc giảm đơn hàng do nhiều nền kinh tế trên thế giới lạm phát, người dân buộc phải cắt giảm chi tiêu. Theo ông, doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động mất việc là vấn đề lớn của TPHCM. Trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình, UBND TPHCM đã có nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Cụ thể, tuần trước, UBND TPHCM đã phối hợp với Hiệp hội Dệt may Thêu đan TPHCM đánh giá lại tình hình, phân tích và giải quyết từng nội dung cụ thể, bao gồm kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn tại kỳ họp Ảnh: Tấn Thạnh
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời chất vấn tại kỳ họp - Ảnh: Tấn Thạnh

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, khi doanh nghiệp gặp khó, công nhân mất việc, giảm giờ làm, UBND TPHCM đã kịp thời chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM phối hợp với UBND các quận, huyện đánh giá, rà soát tình hình lẫn sự tác động toàn diện để có hướng giải quyết đối với từng ngành, từng đơn vị. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM đã có thống kê về số người lao động mất việc. 

Ông Phan Văn Mãi nói: “Đáng mừng là chúng ta đã nắm được những doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động và kết nối việc làm cho những người mất việc. Như vừa qua, 1 công ty cắt giảm 1.500 công nhân thì đã có 1.200-1.300 người trong số đó được giới thiệu việc làm mới”. Theo ông, để kết nối giữa người mất việc và nhà tuyển dụng, cần sự phát huy vai trò của từng tổ chức công đoàn, liên đoàn lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng hệ thống đơn vị trực thuộc.

Ông Phan Văn Mãi cũng nêu một số giải pháp để năm 2023 và những năm tiếp theo, TPHCM phát huy được nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Cụ thể, UBND thành phố lập kế hoạch đẩy nhanh đầu tư công, thu hút nguồn vốn, đẩy nhanh các dự án, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội, chú trọng đầu tư vào bệnh viện, trường học… 

Công an TPHCM tăng cường trấn áp tội phạm

Tại kỳ họp thứ tám, HĐND TPHCM khóa X, Giám đốc Công an TPHCM Lê Hồng Nam thông tin, Công an TPHCM đang triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm để bảo vệ sự bình yên trước, trong và sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023. 

Từ ngày 15/11 đến nay, Công an TPHCM ghi nhận 170 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đã điều tra 128 vụ, bắt và xử lý 187 đối tượng; phát hiện 53 vụ với 38 đối tượng vi phạm về trật tự quản lý kinh tế và buôn lậu với trị giá hàng hóa ước tính gần 5 tỉ đồng; phát hiện và xử lý 56 vụ, bắt 133 đối tượng tàng trữ, tổ chức sử dụng, mua bán chất ma túy.

Công an TPHCM đã khám phá đường dây đánh bạc và tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng trong thời gian diễn ra World Cup 2022, bắt nhiều đối tượng với số tiền phạm tội rất lớn. Hiện Công an TPHCM đang điều tra, truy xét nên sẽ công bố thông tin trong thời gian thích hợp. Hiện nay, Công an TPHCM đang xác lập một số chuyên án khác để đấu tranh, triệt phá.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho hay, lực lượng công an sẽ tập trung khai thác dữ liệu thông tin, cập nhật danh sách, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng truy nã, có tiền án, tiền sự, ngáo đá, thanh thiếu niên hư hỏng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, lập danh sách tuyến đường, tụ điểm phức tạp để chủ động ngăn chặn, phát hiện tội phạm.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, TPHCM xảy ra hơn 3.700 vụ việc về an ninh trật tự. Công an TPHCM đã điều tra, khám phá 2.774 vụ phạm tội về trật tự xã hội, bắt 4.440 đối tượng, triệt phá 98 băng nhóm tội phạm có tổ chức, bắt giữ 663 đối tượng.

Xem xét tờ trình về giá đất, cải tạo rạch Xuyên Tâm, tăng thu nhập cho công chức, viên chức

Theo kế hoạch, ngày 9/12, HĐND TPHCM sẽ thảo luận, biểu quyết đối với nhiều tờ trình của UBND TPHCM. 

Tuyến rạch Xuyên Tâm đang chờ thực hiện dự án nạo vét,  cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng - ẢNH: PHÙNG HUY
Tuyến rạch Xuyên Tâm đang chờ thực hiện dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng - Ảnh: Phùng Huy

Một trong các tờ trình là hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2023. Theo đó, hệ số K ở TPHCM năm 2023 tăng thêm 1,0 so với hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 được ban hành theo Quyết định 53/2021 của UBND TPHCM (tương ứng hệ số từ 2,5 đến 3,5 so với bảng giá đất). 
HĐND TPHCM cũng xem xét tờ trình về phê duyệt chủ trương dự án “Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm”. Dự kiến, đơn vị chức năng sẽ thực hiện dự án với chiều dài 8km trên rạch Xuyên Tâm, đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật. Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 9.300 tỉ đồng. 

Dự án nêu trên sử dụng vốn ngân sách và sẽ được bố trí vốn theo 2 giai đoạn. Trước đây, UBND TPHCM dự tính đầu tư dự án này theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng mức đầu tư 5.100 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau 20 năm, dự án vẫn chưa thể triển khai. Hình thức đầu tư này sau đó bị đánh giá không khả thi. Tháng 8/2019, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM nhất trí chủ trương đầu tư dự án này từ ngân sách TPHCM.

Cũng tại kỳ họp này, HĐND TPHCM sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng liên quan đến đầu tư công; điều chỉnh thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; kéo dài thời gian hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non; ban hành nghị quyết về phát triển thanh niên TPHCM...

Phương án sắp xếp lại tổ dân phố, biên chế cho cán bộ

Tại kỳ họp thứ tám, HĐND TPHCM khóa X diễn ra sáng 8/12, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho biết, việc sắp xếp lại tổ dân phố phải thực hiện đúng theo quy định. “Thành phố đang trong quá trình triển khai chính quyền đô thị nên đòi hỏi quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ phải nâng cao trình độ, kinh nghiệm. Cán bộ hoạt động ở khu phố, ấp, đòi hỏi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nên cần thiết phải tổ chức lại”, ông Huỳnh Thanh Nhân nói.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ, thành phố sẽ ban hành kế hoạch, triển khai việc sắp xếp theo lộ trình cụ thể từ năm 2023 đến 2025. Trong đó, sẽ có tổ chức tôn vinh, tuyên dương các cá nhân đã tham gia ở khu phố, ấp không tiếp tục thực hiện nhiệm vụ sau khi sắp xếp. Khi sắp xếp lại, sẽ không có tổ chức tổ dân phố, tổ nhân dân mà chỉ có khu phố, ấp.
Liên quan đến vấn đề cải cách hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, năm 2022, thành phố đã có rất nhiều nỗ lực để thực hiện công tác cải cách hành chính.

Theo đó, thành phố đã khai trương cổng dịch vụ công để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, qua đó góp phần cho việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, đặc biệt là ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn. TPHCM cũng đã triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tại 4 sở, ngành. Sau khi khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến, đến nay đã tiếp nhận hơn 16.000 thủ tục hành chính, trong đó hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,85%.

Cũng theo ông Huỳnh Thanh Nhân, về số lượng biên chế cán bộ công chức viên chức phân bổ thời gian tới, Sở Nội vụ đã làm việc với các đơn vị, sở, ngành, địa phương để đưa ra con số chính thức. Hiện TPHCM đã có văn bản tạm dừng tuyển dụng đến khi HĐND thông qua nghị quyết về số lượng biên chế cho năm sau.

“Việc phân bổ biên chế được Sở Nội vụ xây dựng trên cơ sở vị trí việc làm và nhu cầu thực tế từng đơn vị. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, trong trường hợp tăng thêm phòng bệnh, phòng học thì được phép tuyển dụng mới. Do đó, trên cơ sở nhu cầu thực tế, TPHCM sẽ không giảm biên chế đối với ngành y tế, ngành giáo dục” - Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM thông tin thêm.

Vinh - Dân

Tuyết Dân - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI