“Bão’’ COVID-19 tràn về Quảng Nam: Rối beng!

05/08/2020 - 09:12

PNO - Tối 2/8, một nhân viên y tế Trung tâm Y tế (TTYT) Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đăng trên Facebook cá nhân, kêu gọi bà con ủng hộ thực phẩm cho nhân viên y tế tại đây.

Thời điểm đó, Duy Xuyên có 7 ca nhiễm. Trong đó, có 1 ca tử vong. Ngay chiều hôm đó, TTYT Duy Xuyên bị phong tỏa một khu vực để làm nơi cách ly. Nơi khám chữa bệnh còn lại của huyện là Bệnh viện Bình An lại liên quan đến 2 bệnh nhân khác.

Bên trong khu dân cư Lưu Minh (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình), nơi có gần 400 nhân khẩu đang bị phong tỏa. Hằng ngày, các y bác sĩ đều phải lấy mẫu để xét nghiệm
Bên trong khu dân cư Lưu Minh (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình), nơi có gần 400 nhân khẩu đang bị phong tỏa. Hằng ngày, các y bác sĩ đều phải lấy mẫu để xét nghiệm

“Tình hình rối beng!”

Cách huyện lỵ một cây cầu, tại xã Duy Trung, nơi diễn ra đám cưới có hàng trăm khách dự, cũng là những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 526 - một khách mời đám cưới. Từ huyện lỵ đi tầm 1km về hướng cầu Đen là nơi cư trú của bệnh nhân 524 - một trong bốn ca COVID-19 tử vong đầu tiên tại Việt Nam. 

Đường sá vắng tanh. Nỗi sợ hãi bao trùm lên cả huyện lộ lẫn những đường làng ngõ xóm. Từ đám cưới nhà ông Phan T. (xã Duy Trung), mỗi người được cách ly tập trung lại kéo theo cả xóm bị phong tỏa. Ngoài con đường 610 chạy từ ngã ba Nam Phước lên đến đường vào Thánh địa Mỹ Sơn, xe cấp cứu chạy lên, xe tuyên truyền chạy xuống. Thanh âm của cả một huyện chạy dọc sông Thu Bồn như chỉ còn tiếng loa lẫn trong tiếng còi hú.

Nhưng, không khí dịch bệnh trên mạng xã hội mới thật căng thẳng. Ngay trong đêm 2/8, những bài kêu gọi hỗ trợ nhân viên y tế được chia sẻ rộng khắp. Trong hội “Người Duy Xuyên”, hàng loạt bài viết của cả nhân viên y tế lẫn người dân, kêu gọi đồng hương và các Mạnh Thường Quân hỗ trợ vật dụng y tế và thực phẩm cho những điểm bị phong tỏa. Một phần TTYT Duy Xuyên bị phong tỏa đột ngột, những nhân viên y tế bị “kẹt” lại trong tình thế chưa có sự chuẩn bị.

Hàng trăm câu hỏi được đặt ra trong nhóm Người Duy Xuyên xoay quanh các nội dung: “Sao không phong tỏa bệnh viện Bình An?”, “Bệnh viện Bình An có an toàn không?”, “Bệnh viện huyện có khu cách ly, Bệnh viện Bình An liên quan đến ca dương tính, dân Duy Xuyên giờ có chuyện thì cấp cứu ở đâu?”. Những câu hỏi như liên tục quăng vào thinh không, giữa hàng trăm nickname đồng hương cũng xáo xào thắc mắc. 

Sáng 3/8, “bữa sáng cách ly” đầu tiên trong TTYT Duy Xuyên là 100 ổ bánh mì được người dân hỗ trợ qua hàng rào phong tỏa. Chúng tôi có mặt tại “điểm nóng” Duy Xuyên trong thời điểm huyện có 7 ca nhiễm, 3 khu cách ly tập trung với khoảng 200 người được cách ly và hàng ngàn trường hợp cách ly, theo dõi y tế tại nhà. Tình hình căng thẳng không khác gì không khí trên mạng xã hội.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Thạch - Giám đốc TTYT Duy Xuyên nói mà như xác nhận những hình dung của chúng tôi về cốt lõi vấn đề: “Duy Xuyên giờ đang là điểm nóng, dự kiến thời gian tới số ca dương tính còn tăng. Nếu như vậy, kéo theo cả một khối lượng công việc khổng lồ cần giải quyết. Mà với năng lực hiện tại của trung tâm thì khó mà đáp ứng. Kể cả về máy móc, phương tiện hay con người, các nhu yếu phẩm… nó liên quan đến quá nhiều yếu tố”.

Bí thư huyện ủy huyện Duy Xuyên Nguyễn Công Dũng trầm giọng làm câu cảm thán càng thêm nghiêm trọng: “Tình hình rối beng! Số ca bị nhiễm dương tính làm lây nhiễm trong cộng đồng khó xác định, nên chỉ còn cách phát hiện ai là F1 thì cách ly thôi. Khó khăn nữa là cả huyện có 12 điểm chốt, 3 khu cách ly, nhưng khu nào cũng thiếu, từ thiết bị đến cán bộ y tế. Các trạm xá quá tải, vì bà con hễ ho sơ sơ cũng đến xin xét nghiệm. Đồn thổi trong cộng đồng nhiều lắm. Ví dụ thôn đó có người bị, thế là cả thôn run sợ rồi truyền nhau, ai cũng đến đòi xét nghiệm”.

Nước mắt Duy Xuyên

Bệnh viện Bình An mà… không bình an. Đến thời điểm hiện tại, đã có 5 bệnh nhân COVID-19 có lịch sử dịch tễ liên quan đến bệnh viện này. Bệnh viện vẫn nhận bệnh. Bà bầu, người bệnh vẫn vào ra. Vì nơi khám chữa bệnh chính yếu trên địa bàn huyện đều có liên quan đến COVID-19, câu hỏi về độ an toàn của Bệnh viện Bình An càng được đặt ra liên tục.

thêm nhiều địa bàn bị phong tỏa, và con số dương tính với SARS-CoV-2 được dự báo sẽ tiếp tục tăng lênThêm nhiều địa bàn bị phong tỏa, và con số dương tính với SARS-CoV-2 được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên

Ngày 3/8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19  huyện Duy Xuyên gửi công văn cho sở Y tế tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề các biện pháp an toàn với bệnh viện Bình An. Trong khi đó, trên fanpage của mình, bệnh viện Bình An đăng bài đính chính lịch sử dịch tễ của bệnh nhân 591 và 592, khẳng định báo chí thông tin sai về mối liên quan của bệnh viện với 2 bệnh nhân này. 

Chúng tôi tiếp tục lặp lại câu hỏi của người dân: Bệnh viện Bình An ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên vốn có người bị dương tính, thì có cần phong tỏa không? Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam nói: “Có phong tỏa ở cấp độ khoa”.

Còn ông Dũng trả lời: “Dư luận và bà con thông cảm và cần có đủ thông tin, rằng bệnh viện đó đã phong tỏa ngay khoa nghi lây nhiễm; một số cán bộ, y bác sĩ ở đó đã tự cách ly. Cả huyện chỉ có 2 bệnh viện là Bình An và TTYT Duy Xuyên. Bây giờ bà con đau, nếu phong tỏa kín thì họ chữa trị đâu? Hôm qua có mấy chục ca đẻ vô Bệnh viện Bình An, không lẽ cho họ về nhà? Mong bà con bình tĩnh, tự giác khai báo nếu có tiếp xúc nguy hiểm; khẩn trương khoanh vùng và dập dịch thôi. Con số hiện giờ là có 10 ca lây nhiễm từ Bệnh viện Đà Nẵng và tiếp xúc với người thân ở đó bị. Lạy trời không ai lây nhiễm trong cộng đồng!”.

Sự hoang mang trong dân và áp lực của lãnh đạo địa phương là không khí chủ đạo của Duy Xuyên bây giờ. Đến thời điểm hiện tại, Duy Xuyên có 10 ca nhiễm COVID-19, thêm nhiều địa bàn được trưng dụng một phần làm khu cách ly, và con số dương tính với SARS-CoV-2 được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên. TTYT huyện bị phong tỏa. Nơi khám chữa bệnh còn lại là Bệnh viện Bình An lại nằm trong sự mù mờ không thể minh định về độ an toàn.

“Cách ly ở cấp độ khoa”, bệnh viện này đính chính lịch sử dịch tễ của bệnh nhân 592, cho rằng bệnh nhân này không di chuyển qua nhiều khoa như báo chí đưa tin. “Đính chính” này chưa được minh định. Nhưng, có một thực tế khác là bệnh nhân 524 (đã tử vong) có lịch sử dịch tễ khám chữa và lưu viện tại đây từ ngày 18-27/7, chuyển qua 3 khoa 4 phòng. Rất nhiều người Duy Xuyên đặt câu hỏi ngay trên bài viết của bệnh viện này để xác tín một nơi bấu víu còn lại cho những bất trắc sức khỏe của họ - nhưng không một phản hồi.

Thiếu thực phẩm, khẩu trang, đồ bảo hộ, con người… là câu chuyện chống dịch ở Duy Xuyên. Còn về phía người dân, họ thiếu cả thông tin - một tiền tố quan trọng để giữ vững tinh thần trong biến cố. Chính quyền huyện chừng như quá tải sau hơn một tuần gồng gánh những ca dương tính, cách ly, phong tỏa, và cả tử vong.

Đêm 2/8, khi bệnh nhân 524 tử vong, trong khu cách ly Nam Phước, người thân của bà gào khóc, nhất quyết đòi về. Nếu tin tử vong về COVID-19 làm cả nước bàng hoàng, thì ở nơi đang là một trong những điểm nóng này, nó trùm lên cả huyện một không khí tang thương. Sự gào khóc của người con bệnh nhân 524 làm “hàng rào cách ly” thực sự nao núng. Họ lần đầu đối diện với sự giằng xé kinh hoàng giữa một bên là sự rời đứt máu mủ, một bên là nguyên tắc phòng dịch. Đó là một trong những lần-đầu-tiên của Việt Nam, và là lần đầu của Duy Xuyên. Cuối cùng, “chống dịch như chống giặc”, họ chỉ có duy nhất ý chí này để hành động. Người con mất mát đó cũng xuôi lòng, tiếp tục lưu lại, chấp hành…

Quảng Nam kêu cứu

Sức người tưởng đã bao phen cạn kiệt, nhưng mọi thứ vẫn còn mới lạ và nguyên vẹn đau xót ở Duy Xuyên. Trong khi tâm điểm dư luận đang dồn về Đà Nẵng, thì những điểm nóng cấp huyện như Duy Xuyên dường như vẫn còn yếu ớt và ngơ ngác trong cơn lốc dịch bệnh. Chúng tôi tìm đến Quế Sơn với những cuộc điện đàm đúng kiểu thời dịch bệnh. Ông Đinh Hữu Long - Giám đốc TTYT huyện Quế Sơn cho hay: “Đến thời điểm hiện tại, mọi việc tạm ổn, nhưng với tình hình hiện nay, nếu các ca bệnh cứ tiếp tục tăng lên thì ngành y tế địa phương khó lòng đảm bảo được”.

Công suất xét nghiệm cộng đồng quá thấp so với nhu cầu
Công suất xét nghiệm cộng đồng quá thấp so với nhu cầu

Con số từ Điện Bàn đưa ra cũng khiến… lạnh người: có khoảng 30.000 người lao động tại Đà Nẵng là người Điện Bàn ra vô liên tục, công tác truy vết và khoanh vùng hiện gặp rất nhiều khó khăn; nhiều bệnh viện có người bị nhiễm; nhu cầu người dân muốn xét nghiệm nhanh trên địa bàn thị xã khá đông. Tại đây cũng đã có 4 địa điểm được phong tỏa, 3 khu cách ly. Nhưng theo ban phòng chống dịch bệnh huyện, thì hiện có 16 ca bị lây nhiễm, trong đó đang quản lý 1.014 ca (có 440 F1 tiếp xúc dương tính); 3 khu cách ly hiện đang có 330 ca; số còn lại tạm thời cách ly tại nhà.

Đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam đã có 59 ca dương tính với COVID-19, trong đó những vùng tâm dịch như: Điện Bàn 14 ca, Duy Xuyên 10 ca, Hội An 16 ca, Thăng Bình 8 ca, Tiên Phước 1 ca… Và theo dự đoán, thì số ca dương tính không dừng lại ở những con số này vì chưa thể khoanh vùng hết tất cả đối tượng nghi nhiễm trong cộng đồng. Đó là một hiểm họa cực lớn đòi hỏi ngành chức năng của địa phương phải có một dự liệu sẵn sàng để ứng phó.

Chiều 3/8, Thứ  trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khi làm việc tại Quảng Nam, đã không giấu được lo ngại khi công suất xét nghiệm cộng đồng quá thấp so với nhu cầu… Còn lãnh đạo Sở Y tế thì liệt kê dằng dặc thiếu thốn, từ phòng cách ly đúng chuẩn đến máy xét nghiệm, khẩu trang, áo quần, kỹ thuật tiếp nhận bệnh rồi lấy bệnh phẩm, bác sĩ cấp cứu; các bệnh viện tuyến huyện đang rối lên bởi họ chưa từng đối mặt với cơn dịch như thế. Ngó đâu cũng thấy thiếu. Thiếu, tên gọi của nó là bị động.

Cả dân và lãnh đạo đều lo, khi nhiều ca dương tính… giang hồ khắp nơi, từ chợ đến quán cà phê, rồi đứng bán hàng, truyền cho không biết bao người. Biết ai bây giờ. Yêu cầu khẩn cấp của Bộ Y tế là không được cách ly F1 tại nhà. Đêm nay, ngày mai, nhiều khu cách ly sẽ được cấp tốc dựng lên, khi cả tỉnh đang có 55 khu, nhưng sẽ quá tải. Quảng Nam đang kêu cứu! 

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI